22/05/2024 08:05
Theo thống kê của Globocan - Global Cancer Observatory (một dự án của cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế IARC), những năm qua số trường hợp mắc mới của Ung thư vú - UTV ở cả hai giới nam nữ liên tục gia tăng trên toàn thế giới. Năm 2008 số ca mắc mới UTV đứng thứ 2 với 11,6%; năm 2020 đứng thứ 1 với 11,7% tổng ca mắc mới, trong đó 45% ghi nhận ở khu vực châu Á; năm 2022, đứng thứ 1 với 13,6% trong tổng số ca mắc mới. UTV cũng là loại ung thư thường gặp nhất trên thế giới ở nữ giới với hơn 25% số trường hợp được ghi nhận mỗi năm. Hàng năm, trên thế giới có khoảng 2 triệu người được chẩn đoán mắc UTV và khoảng người 600.000 người tử vong vì căn bệnh này.
Tại Việt Nam, UTV là loại ung thư hay gặp nhất ở nữ giới với khoảng 35%. Dự báo đến năm 2040, số ca mắc mới tăng lên khoảng 50,9% và số ca tử vong có thể tăng đến 69,4% so với năm 2020. Đây thực sự là con số đáng lo ngại, là mối quan tâm của nhiều chị em phụ nữ cũng như toàn xã hội.
Ung thư vú là gì?
Ung thư vú là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát được, tạo ra các khối u ác tính, có khả năng xâm lấn xung quanh và di căn xa. Bình thường, các tế bào tuyến vú được sinh ra và mất đi theo một chu trình đã được lập từ trước. Cơ chế này giúp số lượng tế bào tuyến vú được sinh ra với số lượng vừa đủ, cân bằng giữa số lượng tế bào sinh ra và tế bào chết đi.
Khi có các đột biến gen xảy ra, hội tụ đủ các điều kiện đặc biệt để vượt qua được hệ thống kiểm soát miễn dịch của cơ thể, tế bào tuyến vú sẽ được sinh ra liên tục, mất kiểm soát và tạo thành các khối u bao gồm rất nhiều tế bào không bình thường. Đó là các khối u ác tính tại vú, hay còn gọi là ung thư vú. Những tế bào này có khả năng xâm lấn vào mạch máu, mạch bạch huyết xung quanh và di chuyển đến những vùng xa vị trí khối u ban đầu, tạo ra các khối di căn.
|
Một số dấu hiệu bất thường gặp trong UTV có thể phát hiện nhờ tự khám vú tại nhà.
|
Nguyên nhân gây ung thư vú
Bệnh UTV sinh ra do các đột biến gen làm tế bào sinh sản không kiểm soát được. Có nhiều lý do mà cơ thể có các đột biến gen, trong đó khoảng 5-7% trường hợp có nguyên nhân di truyền, còn lại hơn 90% trường hợp chịu tác động của các yếu tố nguy cơ từ môi trường và lối sống. Một người có càng nhiều yếu tố nguy cơ, số lần và thời gian tiếp xúc với yếu tố nguy cơ càng nhiều thì khả năng mắc bệnh càng cao.
Di truyền: Các đột biến gen BRCA1/2 gặp cả ở nữ giới và nam giới, làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng và một số ung thư khác. Một số đột biến gen khác (p53, PTEN…) cũng tác động vào quá trình hình thành khối u tuyến vú.
Môi trường: tia tử ngoại, tia X, hóa chất, khói xe, vi sinh vật… liên quan đến việc làm tăng nguy cơ mắc ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng. Những tác nhân này làm cho các gen dễ bị đứt gãy trong quá trình sao chép, là điều kiện để các đột biến xuất hiện.
Lối sống: thừa cân, béo phì, uống nhiều rượu, hút thuốc, ít vận động sử dụng liệu pháp hormone estrogen thay thế. Lối sống không lành mạnh làm cơ thể phơi nhiễm với estrogen nhiều hơn và do đó kích thích tế bào tuyến vú tăng sinh - một điều kiện để các đột biến sinh ung xuất hiện. Thừa cân và ít vận động còn có liên quan đến tăng nguy cơ tái phát ở những người đã mắc ung thư vú.
Khả năng miễn dịch của cơ thể: Nếu có một hệ miễn dịch khỏe và hoạt động tốt thì nguy cơ mắc bệnh ung thư sẽ ít hơn, trong đó bao gồm cả ung thư vú.
Triệu chứng của bệnh ung thư vú
UTV là một bệnh lý có quá trình hình thành bệnh kéo dài, do đó có một khoảng thời gian mặc dù khối u đã hình thành nhưng có thể vẫn không có triệu chứng. Do đó, chị em phụ nữ được khuyến cáo nên tự khám vú của mình thường xuyên, đúng cách, có thể thực hiện ngay tại nhà - đây là biện pháp dự phòng tiết kiệm, hiệu quả nhất để biết và kịp thời phát hiện những thay đổi tại vú khi mới xuất hiện.
|
Một buổi tập huấn của TTKSBT về các biện pháp phòng chống bệnh ung thư.
|
Tóm lại, UTV là bệnh ung thư hay gặp nhất ở nữ giới. Tỷ lệ mắc UTV ngày càng tăng nhưng tỷ lệ tử vong do UTV đang có xu hướng giảm đi, nhờ những tiến bộ trong điều trị ung thư và tỷ lệ bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm ngày càng tăng. Điều trị ung thư vú là điều trị đa mô thức, phối hợp giữa phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, điều trị đích, miễn dịch… Tùy theo giai đoạn bệnh, đặc điểm của khối u và tình trạng sức khỏe bệnh nhân mà bác sĩ sẽ lập kế hoạch điều trị phù hợp./.
Thanh Nga
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác