23/05/2024 01:53
Nhiều người vì ngại đi khám bệnh hoặc vì một lý do nào đó mà tự ý sử dụng đơn thuốc cũ của chính mình hoặc của một bệnh nhân khác, điều này không chỉ làm giảm hiệu quả điều trị bệnh mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và cả tính mạng.
Bà T.T.T, 71 tuổi, ở xã Quảng Tiến, huyện CưM’Gar mới đây phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng mắc nhiều bệnh cùng lúc: đau cơ xương khớp, suy thận, cao huyết áp, tiểu đường và đau dạ dày. Chị N.T.T.S, con gái bà T cho biết: trước đây mẹ tôi bị đau xương khớp, tiểu đường và cao huyết áp nên đi thành phố Hồ Chí Minh khám bệnh. Sau khi uống đơn thuốc của bác sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng bệnh của mẹ tôi thuyên giảm rõ rệt, không còn đau nhức người nên từ đó trở đi mỗi lần bệnh cũ tái phát hoặc hết thuốc uống, mẹ tôi lại sử dụng đơn thuốc cũ ra quầy thuốc để mua thuốc uống chứ không đến bệnh viện tái khám. Hơn một năm nay bà vẫn dùng đơn thuốc cũ cho dù các con có khuyên răn như thế nào bà vẫn không nghe. Lần này vì bà lên cơn khó thở, mệt mỏi, chân tay bị teo cơ dần nên gia đình đưa bà nhập viện cấp cứu, các bác sĩ chẩn đoán tình trạng sức khoẻ của mẹ tôi vô cùng tệ, bị suy thận nhưng vì các bệnh lý kèm theo nhiều nên phải điều trị các bệnh lý kèm theo trước sau đó mới tính đến việc chạy thận nhân tạo.
|
Một bệnh nhân có thói quen tự ý sử dụng đơn thuốc cũ được điều trị tại Khoa Ngoại thận tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Còn trường hợp chị N.T.P, 39 tuổi ở phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột từng phải nhập viện cấp cứu do bị sốc thuốc. Chị P kể: tôi mắc chứng trào ngược dạ dày nên thường xuyên bị viêm phế quản và viêm họng. Mặc dù tôi cũng đã khám bệnh và điều trị nhiều nơi nhưng triệu chứng trào ngược vẫn không cải thiện. Hàng xóm của tôi có một chị cũng bị triệu chứng trào ngược dạ dày, chị ấy đi thành phố Hồ Chí Minh khám và điều trị khỏi hẳn, thấy hiệu quả nên tôi đã xin toa thuốc để mua về uống. Sau khi uống, tôi khó thở và bắt đầu hoa mắt, chóng mặt, chân tay bủn rủn, tim đập nhanh. Ngay sau đó gia đình đưa tôi nhập viện cấp cứu. Qua khai thác bệnh sử, bác sĩ chẩn đoán tôi bị sốc phản vệ do dị ứng thuốc không rõ loại. Mà sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nguy hiểm nhất, bác sĩ cho biết nếu tôi không được cấp cứu kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ hô hấp, hệ tuần hoàn và đe doạ đến tính mạng.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng Khoa ngoại thận tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên: “Những sai lầm khi tự ý dùng thuốc là khi bị bệnh, bệnh nhân thay vì đi khám để bác sĩ chẩn đoán và chỉ định thuốc thì một số người đã tự ý chẩn đoán bệnh, tự ý dùng đơn thuốc cũ hoặc đơn thuốc của người khác. Dùng đơn thuốc cũ là hành động vô cùng nguy hiểm, bệnh của chính mình bây giờ có vẻ giống với trước kia nhưng có thể hiện tại bệnh đã tiến triển ở mức độ nặng hơn mà dùng thuốc theo đơn cũ không còn hiệu quả. Hay thời điểm chẩn đoán bệnh bác sĩ kê đơn thuốc với liều cao, nếu không tái khám mà tự ý dùng đơn thuốc cũ có thể dẫn đến những tai biến nguy hiểm, việc dùng thuốc không đúng có nguy cơ gây loãng xương, cao huyết áp…nhất là các thuốc corticoide dùng để trị đau nhức. Đã có nhiều trường hợp dùng thuốc không đúng dẫn đến sốc phản vệ và tử vong. Cần nhớ rằng, mỗi cơ thể đều khác nhau, không ai giống ai, cho dù là người cùng trong một gia đình. Chính vì vậy mà người bệnh phải cần tới sự tư vấn và chỉ định dùng thuốc từ bác sĩ”.
“Không nên sử dụng đơn thuốc cũ của chính mình hoặc đơn thuốc của người khác có cùng loại bệnh để sử dụng, nhất là sử dụng liên tục trong thời gian dài mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ. Nhiều bệnh có triệu chứng lâm sàng có thể giống nhau nhưng chưa chắc đã cùng một bệnh. Chẳng hạn như sốt xuất huyết, sốt do vi rút, sốt phát ban hay sởi …đều có triệu chứng là sốt nhưng cách điều trị không giống nhau. Hoặc khi bị đau bụng không rõ nguyên nhân mà tự ý dùng thuốc chống co thắt để giảm đau, bụng hết đau nhưng bệnh vẫn còn, thí dụ bị viêm ruột thừa hay có thai ngoài tử cung…người bệnh không đi bệnh viện để được phát hiện bệnh, mổ cấp cứu hậu quả rất đáng tiếc. Hoặc cùng một bệnh có vẻ như nhau nhưng có thể do những nguyên nhân khác nhau nên cách thức điều trị và sử dụng thuốc cũng khác nhau. Một đơn thuốc có thể phù hợp với bệnh nhân này nhưng không phù hợp với bệnh nhân khác vì mỗi cá nhân có sức đề kháng, dị ứng thuốc, tương tác thuốc khác nhau. Đặc biệt, với những người mắc bệnh dạ dày, tim mạch, gan thận, tiểu đường cần tránh dùng nhiều loại thuốc. Nếu người bị những bệnh trên dùng đơn thuốc cũ hoặc đơn thuốc của người khác mà chưa có chỉ định của bác sĩ rất dễ gây nguy hiểm cho sức khoẻ”, bác sĩ Hoàng cho biết thêm.
Theo Bộ Y tế, thói quen mua và sử dụng thuốc dễ dãi, sử dụng nhiều loại thuốc kháng sinh của người dân đang khiến cho tình trạng kháng kháng sinh trở nên phổ biến. Chính vì vậy, sau mỗi lần bệnh nhân khám bệnh, bác sĩ thường ghi chú thời gian tái khám để kiểm tra hiệu quả sử dụng thuốc của người bệnh sau lần chỉ định thuốc đã cho. Nếu không đạt được kết quả điều trị như mong muốn, bác sĩ sẽ điều chỉnh lại đơn thuốc, tăng liều, phối hợp thêm thuốc hoặc thay thuốc khác. Nếu phát sinh tác dụng bất lợi, bác sĩ sẽ phải thay hoặc cắt bỏ loại thuốc đã cho. Bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để tránh những hậu quả đáng tiếc./.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác