23/05/2024 02:16
Chuyển đổi số (CĐS) đang trở thành một mục tiêu chiến lược trong thời đại 4.0, là nguồn động lực để các ngành không ngừng phát triển. Xác định những lợi ích mà CĐS mang lại, thời gian vừa qua, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động đổi mới mang tính đột phá, bắt kịp, vận dụng CĐS trong hoạt động để nâng cao chất lượng chăm sóc, cứu chữa và bảo vệ sức khỏe người dân. Trên hành trình chuyển mình ấy, ngành Y tế gặp không ít những thách thức, song cũng không thiếu cơ hội để vươn xa hơn.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Vũ Quang - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, đối với ngành y tế, những lợi ích mà CĐS mang lại rất lớn. Cụ thể, đối với người dân, CĐS y tế tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tương tác dễ dàng với các nhân viên y tế để phản ánh và nhận hướng dẫn, cũng như quản lý sức khỏe cá nhân thông qua kết nối và liên thông các dữ liệu sức khỏe với các cơ sở khám, chữa bệnh. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo mỗi người dân đều sở hữu hồ sơ sức khỏe điện tử. Chuyển đổi giúp cải thiện tính cá nhân hóa trong chăm sóc sức khỏe của người dân. Đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc cứu sống bệnh nhân, đặc biệt là trong các trường hợp khẩn cấp cần sự can thiệp ngay lập tức. Các công nghệ mới như hồ sơ điện tử, hệ thống thông tin y tế liên kết giúp tăng cường khả năng chia sẻ thông tin y tế giữa các cơ sở chăm sóc, từ đó cung cấp thông tin quan trọng, chính xác cho việc chẩn đoán và điều trị. Đối với nhân viên y tế, CĐS giúp các bác sĩ dễ dàng tiếp cận các kiến thức và kỹ thuật y học mới nhất, giúp nâng cao chất lượng, sự an toàn cho bệnh nhân. Đồng thời giảm thiểu nguy cơ sai sót trong các quy trình y tế, đảm bảo sự chính xác và đáng tin cậy trong quản lý thông tin y tế. Thông qua hồ sơ bệnh án điện tử, hệ thống quản lý thông tin y tế, thông tin của bệnh nhân trở nên dễ dàng truy cập và chia sẻ giữa các bác sĩ, cơ sở khám chữa bệnh. Điều này cho phép sự kết nối, tương tác dễ dàng giữa các chuyên gia y tế, tạo điều kiện cho việc hội chẩn và tư vấn hiệu quả. Mục tiêu của CĐS y tế là đảm bảo mỗi bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh đều có hồ sơ bệnh án điện tử. Điều này đảm bảo rằng dữ liệu bệnh án, thông tin y tế liên quan được kết nối với nhau giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Cung cấp cái nhìn toàn diện hơn về bệnh nhân và dễ dàng chia sẻ thông tin quan trọng giữa các cơ sở y tế. Đối với nhà quản lý, CĐS trong lĩnh vực y tế mang đến nhiều cải tiến cho việc quản lý sức khỏe và cung cấp dịch vụ chăm sóc. Nhờ sự ứng dụng của công nghệ, nhà quản lý y tế có thể triển khai hiệu quả công tác điều phối, giám sát, cảnh báo và dự báo về các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân, giúp tăng cường khả năng phát hiện và đối phó với các vấn đề sức khỏe cộng đồng một cách nhanh chóng, chính xác. CĐS cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính của ngành y tế và triển khai dịch vụ công trực tuyến. Việc áp dụng hệ thống trực tuyến giúp giảm bớt thủ tục hành chính phức tạp, thời gian xếp hàng, đồng thời cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thuận tiện hơn cho người dân. Điều này cũng giúp tăng cường sự tiếp cận và hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ y tế.
|
Người dân tiết kiệm được nhiều thời gian hơn khi Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thực hiện chuyển đổi số triển khai đăng ký khám bệnh BHYT qua QRCode. (ảnh: Quang Nhật)
|
Triển khai Kế hoạch CĐS hàng năm và Kế hoạch giai đoạn 2021- 2025, thời gian qua, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đã đạt được nhiều kết quả trong công tác CĐS. 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng máy vi tính có kết nối Internet băng thông rộng, 31/31 đơn vị có mạng cục bộ LAN, đảm bảo tốt công tác chỉ đạo điều hành của đơn vị. Các đơn vị y tế trên địa bàn đã triển khai, sử dụng duy trì phần mềm Quản lý khám chữa bệnh và cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ công tác quản lý, khám chữa bệnh. Phần mềm Quản lý Y tế cơ sở đã được triển khai tại 185/185 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, ngành Y tế còn tích cực triển khai hệ thống tư vấn khám chữa bệnh từ xa tại các cơ sở khám chữa bệnh đến các cơ sở y tế tuyến huyện. Hiện nay, 21 đơn vị đã được trang bị hệ thống hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Để đảm bảo công tác tiêm chủng, toàn ngành đã triển khai hệ thống quản lý về thông tin tiêm chủng Quốc gia (http://tiemchung.gov.vn) tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, 15 trung tâm y tế huyện/thị xã/thành phố, 185 trạm y tế xã/phường/thị trấn và các điểm tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Duy trì thực hiện hệ thống báo cáo Thống kê y tế theo Thông tư 37 của Bộ Y tế quy định chế độ báo cáo thống kê ngành Y tế. Đặc biệt, ngành cũng đã triển khai phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” nhằm cải thiện tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân và nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ tại các đơn vị y tế cơ sở. Ngoài ra, Sở Y tế đã triển khai việc kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia đến các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn tỉnh. Đến nay, có 2.208 cơ sở dược được cấp tài khoản kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu Dược quốc gia. Công tác CĐS đối với mảng hành chính cũng được chú trọng. Ngành đã duy trì hoạt động hệ thống quản lý văn bản và điều hành (iDesk), hệ thống thư điện tử của tỉnh Đắk Lắk, tiếp tục triển khai hệ thống iGate để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính một phần và toàn trình, duy trì các ứng dụng chuyên ngành phục vụ cho công tác thu thập, xử lý thông tin chuyên ngành, công tác báo cáo, thống kê. Chú trọng triển khai các dịch vụ công trực tuyến và đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho người dân.
Cũng theo TS.Bs Nguyễn Hữu Vũ Quang, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong công tác CĐS. Tuy nhiên, quá trình triển khai CĐS vẫn còn gặp nhiều khó khăn như chưa thể thay đổi ngay các thói quen của đội ngũ nhân viên y tế. Các y, bác sỹ đã quen với việc khám chữa bệnh trong môi trường bệnh viện truyền thống, việc chuyển bệnh viện và các hoạt động y tế sang môi trường số là một việc khó và lâu dài. Cơ sở hạ tầng mạng của một số đơn vị hiện đang xuống cấp; Thiếu sự đồng bộ về hạ tầng công nghệ thông tin, các quy trình cũng như quy định chung. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin hiện nay còn thiếu, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, do đó nguồn nhân lực công nghệ thông tin làm việc trong các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn. CĐS y tế đòi hỏi một nguồn lực đáng kể, trong đó, tài chính là một trong những thách thức lớn nhất, bởi ngành y tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Một khó khăn nữa là sự hợp tác của người dân. Một số người dân vẫn chưa quan tâm đến các dịch vụ y tế số, do họ chưa quen với việc sử dụng các công nghệ mới hoặc họ lo lắng về tính bảo mật của các thông tin cá nhân khi sử dụng các dịch vụ tên nền tảng số.
|
Chuyển đổi số trong ngành y tế đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và cán bộ, nhân viên y tế. (ảnh: Quang Nhật)
|
Để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân, bên cạnh việc đảm bảo hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn, ngành y tế tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đồng thời tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong y tế. Tuy nhiên, để công tác CĐS đạt hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn nữa, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế, rất cần sự chung tay, đồng lòng của người dân. Có như vậy, nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói chung sẽ đạt được kết quả cao hơn.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác