23/05/2024 02:41
Những ngày vừa qua, nhiều địa phương trên cả nước liên tục ghi nhận các vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) với số lượng bệnh nhân lên đến hàng trăm người. Điều này đã khiến không ít người dân lo lắng bởi an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc, sức khỏe cũng như tính mạng con người.
Nhiều vụ NĐTP tương đối lớn đã xảy ra ở các tỉnh Khánh Hoà, Đồng Nai, Vĩnh Phúc... ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, người dân, sản xuất của doanh nghiệp... Theo thông tin của Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 36 vụ NĐTP với 2.138 người mắc (tăng 1.432 ca, chiếm 202,8% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, có 10 vụ quy mô mắc trên 30 người (tăng 3 vụ so với cùng kỳ). Tại tỉnh Đắk Lắk, trong 5 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ NĐTP khiến 33 người nhập viện điều trị, không có trường hợp tử vong. Qua các vụ việc đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là khi thời tiết bước vào nắng nóng, việc bảo quản, chế biến, sử dụng thực phẩm sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị vi khuẩn, vi rút xâm nhập. Theo đánh giá của ngành Y tế, nguyên nhân dẫn đến tình trạng NĐTP gia tăng chủ yếu là do thời tiết nóng ẩm, phù hợp cho vi sinh vật phát triển, đặc biệt trong các sản phẩm có nguồn gốc động vật. Một số địa phương thiếu nhân lực, vật lực trong thực hiện công tác bảo đảm ATTP, ý thức của một bộ phận người dân về lựa chọn thực phẩm trong sinh hoạt hàng ngày còn hạn chế…
Để đảm bảo ATVSTP trên địa bàn, Sở Y tế Đắk Lắk đã kiện toàn đội điều tra NĐTP cấp tỉnh và đội điều tra, xử lý NĐTP của 15 huyện, thị xã, thành phố. Kết quả cho thấy 100% đơn vị tuyến huyện đã kiện toàn Đội điều tra NĐTP theo đúng quy định. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng đã ban hành các công văn chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng chống NĐTP. Trong 2 vụ NĐTP vừa qua, chính quyền địa phương và các cơ quan y tế có liên quan đã triển khai hoạt động điều tra, xử lý vụ NĐTP kịp thời, đồng thời thực hiện báo cáo vụ NĐTP theo đúng biểu mẫu quy định. Trong đó, vụ NĐTP tại huyện Ea Súp đã xử lý vi phạm hành chính về ATTP đối với cơ sở để xảy ra NĐTP với số tiền phạt là 18.000.000 đồng. Đối với hoạt động kiểm tra, giám sát, trong 5 tháng đầu năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cũng đã thực hiện giám sát ATTP phục vụ 07 sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo, trong đó giám sát quá trình chế biến đối với 82 bữa ăn tập trung tại các cơ sở thực phẩm; Thực hiện 570 test kiểm tra nhanh về hóa chất đối với các nguyên liệu và thực phẩm đưa vào chế biến, tổ chức 221 đoàn kiểm tra, hậu kiểm về ATTP và nhiều hoạt động khác như tổ chức các buổi hội nghị, tập huấn, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông.
|
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong mùa nắng nóng, ngành y tế đã thường xuyên tổ chức nhiều cuộc kiểm tra tại các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. (ảnh: Đình Thi)
|
Đặc trưng thời tiết của mùa nắng nóng là nhiệt độ và độ ẩm cao, là môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển (vi khuẩn phát triển mạnh nhất trong môi trường có nhiệt độ từ 32 đến 43 độ C), dẫn tới ô nhiễm hoặc dễ làm thức ăn ôi thiu nếu không bảo quản cẩn thận. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhiều người ngại nấu ăn nên hay mua các loại thức ăn đường phố. Trong khi đó, tình trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan ngoài thị trường, không đảm bảo về chất lượng, không rõ nguồn gốc; ngày càng có nhiều nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, những hóa chất cấm trong chế biến nông thủy sản và sử dụng nhiều loại chất tẩy rửa thịt, cá ôi thiu; quy trình chế biến không nghiêm ngặt… Đặc biệt, vì lợi nhuận mà nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống không ngần ngại nhập hàng không rõ nguồn gốc. Tất cả các yếu tố đó cộng lại khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm vào mùa nắng nóng càng tăng. Trước tình hình đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã chủ động, tích cực tham mưu cho Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm, Sở Y tế ban hành văn bản chỉ đạo đối với công tác bảo đảm ATTP; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Đồng thời đẩy mạnh các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật và các kiến thức, biện pháp thực hiện nhằm đảm bảo ATTP cho nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Để phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đối với cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm cần thực hiện tốt các quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm, công bố sản phẩm, bảo quản sản phẩm thực phẩm. Đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm cần thực hiện tốt các quy định về điều kiện vệ sinh nơi bán sản phẩm, nhập khẩu sản phẩm thực phẩm, công bố sản phẩm phù hợp, vệ sinh cá nhân người kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng là nhân tố quan trọng có tính quyết định, cần biết cách chọn, mua và sử dụng, bảo quản thực phẩm an toàn. Để hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng, người dân cần ăn ngay khi thức ăn vừa được chế biến, nấu chín, chỉ có thể để được tối đa 2 giờ trong nhiệt độ bên ngoài; lưu trữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn. Khuyến cáo người tiêu dùng chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường, không nên tự đóng gói kín các thực phẩm trong điều kiện không đông đá, tạo điều kiện cho vi khuẩn hiếm khí phát triển. Khi bản thân xuất hiện các dấu hiệu bất thường nghi ngờ ngộ độc thực phẩm cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác