27/05/2024 07:15
Hút thuốc lá gây nên những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người hút thuốc trực tiếp và những người hút thuốc lá thụ động. Theo các chuyên gia, khói thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, đặc biệt là trẻ em bởi ở trẻ em phổi chưa phát triển hoàn thiện, sức đề kháng chưa cao nên trẻ rất nhạy cảm với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc.
Năm 2024, Tổ chức Y tế Thế giới WHO chọn thông điệp “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá” làm chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5. WHO nhấn mạnh Ngày thế giới không thuốc lá 2024 là diễn đàn để giới trẻ trên toàn thế giới yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới các em bằng các sản phẩm có hại cho sức khỏe, kêu gọi chính phủ các nước áp dụng các chính sách bảo vệ các em khỏi các hành vi lôi kéo sử dụng thuốc lá, bao gồm cả việc tiếp thị không ngừng các sản phẩm nguy hiểm cho sức khoẻ thông qua mạng xã hội và các nền tảng phát trực tuyến.
|
Học sinh Trường THPT Việt Đức tìm hiểu các kiến thức về tác hại của thuốc lá.
|
Mặc dù trong những năm qua, tỷ lệ hút thuốc lá đã giảm nhờ những nỗ lực của cộng đồng trong việc kiểm soát thuốc lá nhưng vẫn cần hành động nhiều hơn nữa để bảo vệ trẻ trước những tác hại khôn lường của thuốc lá. Theo dữ liệu năm 2022, trên toàn thế giới có ít nhất 37 triệu thanh thiếu niên từ 13–15 tuổi sử dụng một số dạng thuốc lá. Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15 triệu người hút và 33 triệu người hít phải khói thuốc thụ động. Đối với trẻ em, theo số liệu thống kê, tại Việt Nam tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử năm 2023 là 7,0%. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023.
Thực trạng ở nhiều gia đình hiện nay, nam giới thường có thói quen hút thuốc lá trong nhà, điều này khiến phụ nữ và trẻ em trở thành người hút thuốc thụ động. Hút thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em. Trẻ có bố mẹ hút thuốc sẽ bị giảm các chức năng của phổi và dễ gặp các vấn đề sức khoẻ. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh – Trưởng khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, thuốc lá và khói thuốc lá đe dọa sức khỏe, sự phát triển của trẻ em. Trong thuốc lá có tới hơn 7.000 chất độc và rất nhiều chất gây ung thư. Đặc biệt, thuốc lá ảnh hưởng đến trẻ em trong suốt quá trình từ lúc các em nằm trong bụng mẹ đến lúc lớn lên. Người mẹ mang thai sử dụng thuốc lá sẽ làm tăng khả năng sảy thai và tử vong thai nhi. Cha mẹ hút thuốc khi ở nhà sẽ làm tăng tỷ lệ trẻ bị bệnh hô hấp và các bệnh lý khác.
Cũng theo bác sĩ Minh, đối với các trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi… nếu trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá là làm tình trạng bệnh của trẻ nặng hơn. Việc trẻ mắc bệnh về đường hô hấp và tăng nặng do ảnh hưởng của khỏi thuốc lá trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và sự phát triển sau này của trẻ.
|
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại thuốc lá cho học sinh tại các trường học.
|
Không chỉ hít phải khói thuốc lá thụ động, với tâm lý hiếu động, luôn muốn tìm tòi, thử những cái mới lạ, nhiều em học sinh, nhất là độ tuổi từ cấp trung học cơ sở trở lên đã thử hút thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử. Ở độ tuổi đang phát triển, việc hút thuốc lá gây nguy hại tới cả sức khỏe thể chất và tinh thần của các em. Theo bác sĩ R’Ma Lương – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk, ở lứa tuổi học sinh, các cơ quan, bộ phận trong cơ thể vẫn đang trong quá trình phát triển, khi trẻ hút thuốc lá trực tiếp hoặc thụ động đều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ, đồng thời sẽ gây ra những căn bệnh sẽ đi theo các em cả cuộc đời sau này như huyết áp, tim mạch, ung thư, bệnh đường hô hấp… Các độc tố trong khói thuốc còn ảnh hưởng đến tinh thần của người hút, làm suy giảm trí nhớ và giảm khả năng học tập hiệu quả.
Để bảo vệ trẻ trước tác hại của thuốc lá, thời gian vừa qua, ngành Y tế và ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động đẩy mạnh việc phòng chống tác hại thuốc lá trong trường học cho học sinh cũng như phụ huynh, chú trọng việc xây dựng trường học không khói thuốc, quán triệt việc không hút thuốc lá trong trường học đến tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về tác hại của thuốc lá cho học sinh với nhiều hình thức như truyền thông trực tiếp, thông qua các hoạt động ngoại khóa, chương trình văn nghệ, sinh hoạt chuyên đề; lồng ghép vào các tiết học chính khóa có nội dung phù hợp… Qua đó, góp phần hình thành cho học sinh lối sống lành mạnh, có trách nhiệm với sức khỏe của bản thân và những người xung quanh; kỹ năng biết từ chối những cám dỗ, nói không với thuốc lá và các sản phẩm độc hại; tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; có ý thức tuân thủ pháp luật, nội quy của nhà trường. Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, mỗi bậc phụ huynh, mỗi gia đình, cộng đồng cần chủ động xây dựng, giữ gìn môi trường trong lành, không có khói thuốc để bảo vệ sức khỏe của trẻ.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác