30/05/2024 05:18
Hiện nay Đắk Lắk đang bước vào mùa mưa, là thời điểm thuận lợi để muỗi gây bệnh SXH sinh sôi và phát triển. Vì vậy, người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống để bệnh SXH không bùng phát và lan rộng thành dịch.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 300 trường hợp mắc SXH tại 15/15 huyện, thị xã, thành phố. Số mắc tập trung chủ yếu tại TP. Buôn Ma Thuột, huyện Ea Kar và Krông Pắc, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù số ca mắc bệnh trên địa bàn có giảm trong những tháng đầu năm, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch. Bác sĩ Trần Kim Long - Phụ trách Khoa Phòng chống bệnh Truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, nhận định: Đắk Lắk đang bắt đầu vào mùa mưa, với khí hậu có độ ẩm cao và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho bệnh SXH phát triển nhanh chóng. Hiện dịch SXH đang bùng phát và diễn biến phức tạp. Dự báo thời gian sắp tới sẽ là thời kỳ cao điểm của dịch SXH với số ca mắc bệnh tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Trước tình hình đó, để kiểm soát tốt dịch bệnh này, ngành Y tế đã và đang tích cực tăng cường phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh truyền thông dưới nhiều hình thức, phát huy vai trò của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống SXH. Đồng thời, ngành Y tế cũng đẩy mạnh công tác giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, rà soát các điểm nóng về dịch bệnh SXH, các điểm ổ dịch cũ, điểm có số ca mắc cao. Khi phát hiện các ổ dịch khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai phun hóa chất dập dịch diện rộng, giảm nhanh mật độ véc tơ truyền bệnh, đảm bảo không để ổ dịch lây lan và kéo dài. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng đã yêu cầu các địa phương chủ động lập kế hoạch triển khai chiến dịch diệt lăng quăng tại các điểm nóng về dịch bệnh SXH trên địa bàn.
|
Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật kiểm tra lăng quăng, bọ gậy tại nhà hộ dân.
|
Là huyện có số trường hợp bệnh nhân mắc SXH khá cao trên toàn tỉnh, tính đến cuối tháng 5/2024, huyện Krông Pắc ghi nhận 51 trường hợp mắc SXH, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó ghi nhận 6 ổ dịch, cao gấp 6 lần cùng kỳ 2023, dịch bệnh xảy ra tại 12/16 xã, thị trấn, tập trung nhiều tại xã Ea Kly 18 ca, Ea Yông 09 ca. Theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, huyện Krông Pắc phối hợp với ngành Y tế đã tiến hành triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh SXH. Trong đó, tổ chức Lễ phát động ra quân tổng vệ sinh, tìm diệt ổ chứa bọ gậy tại các xã trọng điểm, phát các thông điệp phòng, chống dịch bệnh SXH liên tục hằng ngày trên hệ thống loa phát thanh tại các xã, thị trấn trong tháng 6/2024, cấp phát tờ rơi về phòng, chống dịch bệnh SXH đến tận hộ gia đình và tổ chức các buổi nói chuyện của cán bộ y tế trong các buổi họp dân, khẩu hiệu, tờ tranh, thăm hỏi của các cộng tác viên y tế, truyền thanh, các buổi video…bằng những thông tin đơn giản, dễ hiểu tính minh họa rõ ràng. Đồng thời, tổ chức ra quân loại bỏ ổ chứa bọ gậy tại các xã, thị trấn có nguy cơ cao, tăng cường hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy duy trì hàng tuần lồng ghép với Chủ nhật xanh tại khu vực có ổ dịch hoạt động và duy trì 2 tuần/lần vào những tháng cao điểm (từ tháng 6 đến tháng 11 hằng năm)…
Tại huyện Cư M’gar, công tác phòng, chống dịch bệnh SXH đang được triển khai tích cực. Bác sĩ Bùi Nam Ơn – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Nhằm chủ động trong công tác triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh SXH tại các xã, thị trấn đạt hiệu quả, Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar đã lập kế hoạch giám sát các hoạt động tổ chức tuyên truyền, vệ sinh môi trưởng diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy tại các xã, thị trấn với chỉ tiêu 100% bệnh nhân mắc bệnh SXH được điều tra, giám sát, xử lý môi trường tại hộ gia đình, cộng đồng; 100% ca bệnh điều trị tại cơ sở công lập phản hồi được điều tra giám sát tại cộng đồng; 171 thôn, buôn, tổ dân phố được tổ chức truyền thông, hướng dẫn người dân điều tra thu gom, xử lý các vật dụng chứa nước phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và 80% người dân có nhận thức tầm quan trọng về vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy phòng chống bệnh SXH. Kế hoạch triển khai giám sát sẽ diễn ra từ cuối tháng 5 đến ngày 7/6/2024.
|
Cán bộ y tế tuyên truyền cho người dân các kiến thức về phòng, chống bệnh SXH.
|
Bệnh SXH là bệnh nhiễm vi rút Dengue (DEN) cấp tính do muỗi truyền từ người bệnh sang người lành thông qua việc đốt và hút máu của muỗi. Bệnh có thể gây thành dịch lớn, nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng con người. Do đó, người dân cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.
3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác