29/05/2024 08:58
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa cấp phép cho vaccine sốt xuất huyết (SXH) do Công ty Takeda (Nhật Bản) sản xuất có tên là Qdenga. Đây là vaccine SXH đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam. Việc sử dụng vaccine SXH Qdenga giúp giảm số ca mắc bệnh và tử vong ở cả trẻ em và người lớn. Đây cũng là biện pháp bền vững, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng y tế dự phòng và điều trị.
Vaccine SXH Qdenga được chỉ định cho các đối tượng từ 4 tuổi trở lên, không phân biệt người đã từng hoặc chưa mắc bệnh bao giờ, tức là không cần phải xét nghiệm trước khi tiêm. Dự kiến, vaccine SXH sẽ có mặt tại một số trung tâm tiêm chủng trong cả nước bắt đầu từ tháng 9-2024. Vaccine SXH mà Việt Nam phê duyệt cũng đã được cấp phép ở hơn 30 quốc gia, bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Indonesia, Thái Lan và Malaysia... Vaccine cũng đã được phê duyệt và sử dụng cho chương trình tiêm chủng quốc gia tại Brazil và Argentina.
|
Ngành Y tế Đắk Lắk đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân. ( Ảnh Đình Thi)
|
SXH là một bệnh do virus lây truyền qua muỗi và gây ra nhiều mối đe dọa đối với sức khỏe người dân toàn cầu khi lưu hành ở hơn 125 quốc gia. Cùng với sự biến đổi khí hậu, dịch SXH ngày càng gia tăng gây áp lực, quá tải cho các cơ sở y tế trong nước.
Năm 2023, cả nước có hơn 172.000 trường hợp mắc SXH, 43 người trong đó đã tử vong. Đây cũng là năm đầu tiên số ca mắc SXH tại Hà Nội cao gấp đôi so với TP Hồ Chí Minh. Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 16.000 trường hợp SXH, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Dịch SXH tại Việt Nam do cả 4 tuýp huyết thanh gây ra, một người có thể mắc SXH 4 lần, với các tuýp khác nhau. Sau nhiễm bệnh, bệnh nhân sẽ có khả năng miễn dịch suốt đời với tuýp đã nhiễm, việc nhiễm sau đó với bất kỳ loại tuýp huyết thanh nào còn lại có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh SXH thể nặng.
Tại tỉnh Đắk Lắk, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 5 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 300 trường hợp SXH.
Theo bác sĩ Trần Kim Long, Phó phụ trách Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, SXH là bệnh truyền nhiễm được biết đến từ nhiều năm nay. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Bệnh SXH lây truyền qua trung gian muỗi vằn, loại muỗi lưu hành vùng nhiệt đới. Hiện nay SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu chữa triệu chứng và theo dõi tránh trở nặng. Virus gây bệnh thường tạo thành các đợt dịch với số lượng bệnh nhân lớn, dẫn đến tăng tỷ lệ trở nặng. Việc sử dụng vaccine SXH Qdenga giúp giảm số ca mắc bệnh và tử vong ở cả trẻ em và người lớn. Đây cũng là biện pháp bền vững, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng y tế dự phòng và điều trị.
Tuy nhiên, theo nhận định của bác sĩ Long, dịch SXH sẽ còn diễn biến phức tạp với số lượng người mắc bệnh ở mức cao và có thể gây quá tải hệ thống y tế vào những tháng đỉnh dịch. Do vậy, cần sự vào cuộc của người dân và các ban, ngành, đoàn thể chung tay phòng, chống dịch SXH.
Trong khi chờ vaccine phòng bệnh SXH có mặt tại Việt Nam, Ngành y tế khuyến cáo, hiện biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. Người dân cần kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng, bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh. Người dân nên ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, vợt điện để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
“Nếu người nào bị sốt cao đột ngột, đau đầu, tiêu chảy nặng thì nên đến cơ sở khám bệnh ngay để được chẩn đoán và điều trị. Nếu được chẩn đoán là SXH thì các bác sĩ sẽ hướng dẫn để tự chăm sóc, tự theo dõi và điều trị tại nhà. Trong quá trình thăm khám, nếu phát hiện các dấu hiệu có nguy cơ chuyển biến nặng thì phải nhập viện luôn. Những người được điều trị tại nhà cũng luôn phải tự theo dõi, nếu có các dấu hiệu cảnh báo thì đến ngay các cơ sở y tế để nhập viện kịp thời. Về chế độ ăn uống, người bệnh cố gắng ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, nhất là các loại nước hoa quả hoặc oresol để bù nước. Về cách phòng bệnh, phần lớn SXH lây truyền qua đường muỗi đốt. Tuy nhiên, rất khó để tránh muỗi đốt, việc quan trọng là phải tìm các ổ loăng quăng, bọ gậy, úp các dụng cụ có nguy cơ đọng nước, khơi thông rãnh, vũng nước hoặc chỗ nào có nhiều nước. Khi loại trừ được muỗi đốt đẻ trứng thì diệt trừ được loăng quăng, bọ gậy, muỗi sản sinh ra ít hơn và SXH cũng sẽ ít hơn” bác sĩ Long chia sẻ.
Bảo Trọng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác