01/06/2024 04:52
Mạng internet mang lại nhiều giá trị tích cực cho các em, giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh một cách thuận lợi, giao lưu và chia sẻ thông tin, tình cảm với những bạn đồng trang lứa. Mạng xã hội đã làm mờ đi ranh giới không gian và thời gian, mở ra cơ hội học tập lớn cho trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích tích cực, mạng internet cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không được kiểm soát tốt.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), cứ 03 người sử dụng internet trên toàn thế giới thì có 01 trẻ em và hơn 175.000 trẻ em lên mạng đầu tiên vào mỗi ngày. Theo Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường, tại Việt Nam có gần 97% trẻ có sử dụng mạng internet cho nhiều mục đích khác nhau như học hành, giải trí, tìm kiếm thông tin và chơi game. Trẻ tiếp cận internet từ rất nhiều cách khác nhau như: từ điện thoại di động của cá nhân (58%), máy tính ở nhà (46%), điện thoại di động của người thân (45%), ngoài quán internet (13,5%). Riêng nhóm học sinh trong nhà trường có một số trẻ trả lời được tiếp cận internet qua máy tính ở trường học (23,6%). Trẻ sử dụng internet chủ yếu để học hành/nghiên cứu (83%), xem phim/ca nhạc (71,5%), xem các chương trình giải trí/đọc tin tức (71%), giao lưu, kết nối bạn bè (71%) và chơi trò chơi điện tử/trực tuyến (59%).
Có thể nói, mạng xã hội mang lại nhiều thuận lợi, phục vụ nhu cầu của mọi đối tượng trong đó có trẻ em. Sự phát triển của internet đã đem lại cho trẻ những lợi ích to lớn trong việc tiếp nhận thông tin, kiến thức phục vụ học tập, giải trí; là môi trường để học sinh kết nối, giao tiếp và chia sẻ một cách dễ dàng. Mạng xã hội hỗ trợ quá trình học tập theo chương trình giáo dục thông qua các ứng dụng giáo dục trực tuyến, tạo điều kiện cho trẻ em ở vùng nông thôn tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả hơn, hỗ trợ trẻ em tự chủ hơn trong học tập, đặc biệt trong các hoàn cảnh đặc biệt như dịch bệnh hoặc thiên tai.
|
Cần giáo dục và hỗ trợ cho trẻ em những kỹ năng cần thiết khi tham gia mạng xã hội.
|
Sử dụng mạng xã hội mang lại nhiều giá trị tích cực cho trẻ em nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu sử dụng quá mức, thiếu kiểm soát. Với tâm lý tò mò, thiếu kinh nghiệm sống và chưa đủ nhận thức xã hội, trẻ em là đối tượng dễ bị lợi dụng, lừa đảo, bị tiêm nhiễm những thông tin xấu, độc hại. Khi tham gia vào môi trường mạng, trẻ em cũng dễ gặp phải các rủi ro khác như bắt nạt trực tuyến; lừa đảo xâm phạm đời tư hay thậm chí xâm hại tình dục… Việc sử dụng quá mức có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ em, cũng như tạo ra những rủi ro về tâm lý, sức khỏe. Trò chơi trực tuyến là một trong những hình thức giải trí phổ biến, và tình trạng nghiện game đang trở nên ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Các tác động tiêu cực của nghiện game có thể bao gồm: suy nhược cơ thể, rối loạn giấc ngủ, suy giảm khả năng học tập và tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần. Ngoài ra, trẻ cũng dễ tiếp xúc với những nội dung có hại hoặc bị lôi kéo, dụ dỗ bởi các tác nhân không mong muốn trên mạng xã hội. Có những hoạt động nguy hiểm trên mạng xã hội như thúc đẩy trẻ thực hiện các thử thách nguy hiểm có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với trẻ em. Quá lệ thuộc vào mạng xã hội, các em sẽ mất đi những kỹ năng cơ bản như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sử dụng tiếng Việt đúng chuẩn mực, kỹ năng ứng xử. Nguy hiểm hơn là những hành vi xấu đã và đang ngày càng ăn sâu vào giới trẻ, khiến các em ngày càng lệ thuộc vào thế giới ảo, sống không có định hướng, không mục đích, thậm chí tỏ ra chán cuộc đời thực, không tin vào bản thân…
Vì vậy, việc bảo vệ trẻ trên không gian mạng là rất cần thiết, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bản thân trẻ, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trẻ cần được trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn để bảo vệ bản thân. Phụ huynh cần dành nhiều thời gian quan tâm hơn khi các em tiếp xúc với môi trường mạng, không để trẻ dành quá nhiều thời gian sử dụng các thiết bị điện tử lên mạng ngoài giờ học. Hãy học và chơi cùng con, cần chú trọng trang bị cho trẻ kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi để trẻ tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ bản thân trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, khi phát hiện các vụ, việc có dấu hiệu xâm hại, gây nguy hại cho trẻ em trên môi trường mạng nên trình báo với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Đối với nhà trường, cần tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe lồng ghép vào các giờ sinh hoạt chủ nhiệm nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về môi trường mạng, kỹ năng cơ bản khi sử dụng internet cho trẻ, kỹ năng tự bảo vệ khi tham gia môi trường mạng. Tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để tạo ra một môi trường hoạt động lành mạnh, bổ ích, tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội hòa mình với cuộc sống sinh động và phong phú, giảm nguy cơ sống ảo và chìm đắm trong thế giới ảo.
Việc sử dụng các trang mạng xã hội đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật sẽ giúp cho trẻ khai thác hiệu quả tư liệu phục vụ học tập, giải trí. Vì vậy, cần tăng cường vai trò của gia đình và trường học trong việc giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn, biết cách nên và không nên khi sử dụng các tiện ích, ứng dụng trên mạng cũng như cách nhận biết các thông tin, video clip độc hại, không phù hợp, cách kiểm soát thông tin cá nhân để chủ động bảo vệ bản thân trẻ./.
Võ Quỳnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác