01/06/2024 02:55
Với trẻ khuyết tật, sinh ra không lành lặn đã là điều thiệt thòi và bất hạnh, nên những điều bình thường như được đến trường, có bạn bè, thầy cô cũng trở nên quá xa xôi. Hơn 20 năm qua, bằng tình yêu thương của các cán bộ, giáo viên Trung tâm phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk, giấc mơ đến trường của nhiều trẻ em khuyết tật đã trở thành hiện thực.
Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk tiền thân là trường nuôi dạy trẻ khuyết tật Hy vọng được thành lập từ năm 2001. Khi mới thành lập nhà trường có 48 em học sinh khiếm thính và 15 cán bộ. Đến nay số cán bộ, giáo viên, nhân viên là 64 người. Mỗi năm Trung tâm tiếp nhận gần 200 học sinh với các dạng khuyết tật khác nhau, tất cả các em đều được nuôi dạy và ở nội trú.
|
Những hoạt động thường ngày có thể dễ dàng đối với trẻ bình thường nhưng với trẻ khuyết tật là cả một sự nỗ lực, cố gắng không ngừng. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Để thuận tiện trong công tác chăm sóc, giáo dục, nhà trường chia trẻ khuyết tật thành 2 nhóm học sinh dựa trên trình độ, dạng khuyết tật, gồm nhóm bị khiếm thính và nhóm chậm phát triển trí tuệ mắc các chứng Down, tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, tăng động… Với nhiều dạng tật và lứa tuổi của trẻ như vậy, nên các em được học tập theo chương trình chuyên biệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với trẻ khiếm thính, giáo viên tập trung dạy các em kỹ năng nghe, nói, kết hợp dạy ngôn ngữ khẩu hình, hội thoại, giảm ngôn ngữ dấu. Với lớp chậm phát triển, các em được tập trung học 4 kỹ năng: tự lực, giao tiếp, vận động, văn hóa; trong đó, đặc biệt chú trọng đến kỹ năng tự lực, giao tiếp nhằm giúp các em dễ dàng hòa đồng, có khả năng tự phục vụ bản thân.
Cô Phạm Thị Lân – Giáo viên dạy trẻ nhóm trẻ chậm phát triển trí tuệ, Trung tâm phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, quá trình học tập của trẻ khuyết tật hết sức gian nan. Những hoạt động thường ngày có thể dễ dàng đối với trẻ bình thường nhưng với trẻ khuyết tật là cả một sự nỗ lực, cố gắng không ngừng. Mỗi chữ cái, mỗi phép tính đơn giản có trẻ phải học cả tuần. Một bài thơ các em phải học nhiều tuần mới thuộc. Hoặc khi đang chơi ngoan ngoãn, có trẻ bất ngờ la hét, lên cơn co giật, nôn trớ, phá phách. Những lúc đó, thay vì giận, các cô giáo nơi đây càng thấy thương các em nhiều hơn và càng quyết tâm trau dồi thêm kỹ năng, học hỏi kinh nghiệm để chỉ dạy, từng bước giúp các em tiến bộ để hòa nhập cộng đồng.
|
Không chỉ là những người đưa đò tâm huyết với nghề mà còn như những người mẹ dành tất cả tình yêu thương, sức lực và thời gian bù đắp cho những đứa con bị thiệt thòi, kém may mắn. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Nhằm hướng các em đến sự phát triển toàn diện, ngoài thời gian học văn hóa, Trung tâm còn chú trọng bồi dưỡng các môn năng khiếu bổ trợ, tăng cường giao tiếp trao đổi phục hồi chức năng nghe, nói, phát triển ngôn ngữ cho học sinh như: đánh đàn, vi tính, đánh trống…Bên cạnh đó, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn hóa-văn nghệ, tạo sân chơi lành mạnh giúp các em có cơ hội được thể hiện bản thân. Nhờ sự chăm sóc, giảng dạy chu đáo của đội ngũ cán bộ giáo viên trung tâm, sau một thời gian, đa số các em đã hình thành được kỹ năng tự phục vụ, tự biết vệ sinh cá nhân, ăn uống cũng như vệ sinh trường lớp, biết giữ gìn và bảo quản sách vở, đồ dùng học tập của mình.
Cô Lưu Thị Bình Minh – Phó Giám đốc Trung tâm phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, sự tiến bộ của các em luôn đồng hành với sự vất vả, nhẫn nại của những giáo viên nơi đây. Họ không chỉ là những người đưa đò tâm huyết với nghề mà còn như những người mẹ dành tất cả tình yêu thương, sức lực và thời gian bù đắp cho những đứa con bị thiệt thòi, kém may mắn. Để sau khi rời Trung tâm, các em có thể vận dụng những kiến thức, kỹ năng được học, sớm hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.
Kim Oanh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác