02/06/2024 05:20
Là Bệnh viện Đa khoa hạng I trực thuộc Sở Y tế với 37 khoa, phòng chức năng, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận 1.200-1.500 lượt bệnh nhân đến khám bệnh và hơn 1.600 lượt bệnh nhân điều trị nội trú. Với số lượng bệnh nhân lớn, để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh và đem lại sự hài lòng, thuận tiện cho người bệnh, thời gian qua, bên cạnh các hoạt động chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên còn chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại, tạo sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế, từ quản trị, khám, chữa bệnh tới chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Năm 2019, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã triển khai đồng loạt nhiều phần mềm đưa vào ứng dụng trong khám, chữa bệnh, điều trị, quản lý và tài chính nhằm đem lại hiệu quả, rút ngắn phần hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh và giúp các bác sĩ có thêm nhiều thời gian phục vụ cho người bệnh. Theo thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, chuyển đổi số đã mang lại những thay đổi rõ nét trong các hoạt động của Bệnh viện. Hiểu được những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, Bệnh viện đã triển khai công tác chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, trong vấn đề điều trị nội trú, Bệnh viện đã triển khai phần mềm điều trị. Từ phần mềm này, có nhiều phần mềm để quản lý về cận lâm sàng, về các lĩnh vực thăm dò chức năng, lĩnh vực điều trị và có những phần mềm cảnh báo cho các bác sĩ về tác dụng của thuốc, dị ứng thuốc…giúp các bác sĩ yên tâm hơn bởi các phần mềm đem lại ít sai sót nhất qua đó phục vụ người bệnh tốt nhất.
|
Nhiều hệ thống phần mềm được cài đặt và đưa vào sử dụng hiệu quả tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. (ảnh: Quang Nhật)
|
Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã triển khai khám chữa bệnh BHYT qua QRCode trên app VssID, VNEID và thẻ CCCD . Qua đó, giúp người dân thực hiện các thủ tục khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, kịp thời. Nhờ áp dụng chuyển đổi số, Bệnh viện đã quản lý một cách chặt chẽ về công tác quản trị cũng như quản lý được tài chính. 100% các khoa, phòng của Bệnh viện đều được trang bị máy tính kết nối mạng nội bộ, mạng internet; lắp đặt, cài đặt và đưa vào sử dụng hiệu quả nhiều phần mềm ứng dụng như: Hệ thống phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện; hệ thống phần mềm quản lý xét nghiệm; hệ thống phần mềm quản lý hóa đơn điện tử và thanh toán BHYT… 100% nhân viên tại Bệnh viện đều nhận, gửi thông tin, văn bản trên hệ thống quản lý văn bản, điều hành và hộp thư điện tử của đơn vị, triển khai 250 chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ… Qua đó giúp quá trình quản lý được minh bạch hóa, nhanh gọn, chính xác, giảm thời gian, nâng cao hiệu quả.
Bệnh viện cũng đã trang bị được 03 phòng họp trực tuyến để phục vụ công tác đào tạo và hội chuẩn khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến trên và hỗ trợ tuyến dưới trong công tác điều trị. Trong năm 2023 đã kết nối 30 cuộc hội chẩn từ xa với tuyển trên và chỉ đạo tuyến, cũng như tổ chức hội thảo chính tại Bệnh viện. Bên cạnh đó, Bệnh viện còn triển khai gửi đơn thuốc bằng hình thức điện tử, đặt lịch hẹn khám trên ứng dụng, hóa đơn điện tử, thanh toán tiền không dùng tiền mặt. Với sự đa dạng trong thanh toán đã góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí quản lý và rút ngắn quy trình thanh toán đáng kể cho bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân. Ngoài ra, Bệnh viện cũng đã triển khai nhiều phần mềm kết nối với hệ thống điện tử của Bộ Y tế về chương trình kháng kháng sinh, chương trình tiêm chủng, các chương trình báo dịch. Đặc biệt kết nối phần mềm điện tử với BHYT giúp phục vụ bệnh nhân tốt hơn.
Ông Mai Thanh Nhàn (trú tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), chia sẻ: Do đã lớn tuổi và có bệnh lý nền nên tôi thường xuyên phải tới bệnh viện khám, chữa bệnh. Hầu như năm nào cũng vài lần vào viện nên tôi nhận thấy rõ sự thay đổi rõ rệt của bệnh viện. Các năm trước, muốn đăng ký khám, người bệnh phải mang cả BHYT, chứng minh nhân dân và ngồi chờ bốc phiếu rất lâu gây mệt mỏi, tốn nhiều thời gian. Bây giờ chỉ cần có CCCD quét mã là đăng ký khám ngay, thậm chí ngồi ở nhà tôi vẫn có thể nhờ con, cháu đăng ký lịch hẹn khám online. Những đổi mới của bệnh viện thật sự mang lại nhiều lợi ích và thuận tiện cho người bệnh chúng tôi rất nhiều.
|
Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích và thuận tiện cho người dân. (ảnh: Quang Nhật)
|
Với quyết tâm cao và nỗ lực trong công tác chuyển đổi số, công tác khám chữa bệnh ở Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã đạt nhiều kết quả tích cực. Song trong quá trình thực hiện, Bệnh viện còn gặp nhiều thách thức. Theo bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, khó khăn đầu tiên gặp phải trong công tác chuyển đổi số đầu tiên phải nói về nguồn lực, bao gồm nguồn lực về tài chính, nguồn lực về nhân lực và hệ thống. Khó khăn thứ 2 là sự đồng bộ, sự đồng lòng của người dân. “Chúng ta triển khai chuyển đổi số để phục vụ người dân nhưng người dân không am hiểu và e dè, không tiếp cận được khiến việc triển khai kém hiệu quả. Việc triển khai hiệu quả chuyển đổi số còn rất cần sự đồng lòng, phối hợp giữa các cơ quan liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, bệnh viện, bệnh nhân và các nhà kinh doanh các phần mềm. Bên cạnh đó, Bệnh viện chưa mua sắm được trang thiết bị hiện đại đảm bảo an ninh mạng theo tiêu chuẩn của công nghệ thông tin, kinh phí để phát triển công nghệ còn rất hạn chế. Hơn nữa Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên có diện tích rộng, trải dài nên hệ thống đường dẫn gây tốn kém… khiến công tác chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn ”, bác sĩ Nhựt chia sẻ thêm.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trước những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã nỗ lực ứng dụng các phần mềm quản trị, khám, chữa bệnh hiện đại, tiếp tục chủ động mua sắm trang thiết bị, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực để có thể đáp ứng đầy đủ, sẵn sàng cho công cuộc cách mạng hóa, chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh, đồng thời tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người bệnh, tạo dựng hình ảnh Bệnh viện chuyên nghiệp, là địa chỉ tin cậy của người dân khi đến khám và điều trị.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác