10/06/2024 11:50
Bảo vệ trẻ trước những nguy cơ bị xâm hại trong cuộc sống là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ. Đặc biệt, trong mỗi dịp hè hàng năm khi trẻ không phải đến trường, nhiều phụ huynh đã rất lo lắng khi trẻ không có người quản lý, chăm sóc trong thời gian cha mẹ đi làm. Vậy phải làm thế nào để đảm bảo an toàn cho các con cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, phòng ngừa bị người xấu xâm hại tình dục, trong điều kiện bố mẹ luôn bận rộn với công việc, không thể theo sát con 24/24 giờ là một vấn đề cần được quan tâm sâu sắc.
Chị Lê Thị H thường trú tại tổ dân phố 2, phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột là mẹ của 2 bé, bé trai 12 tuổi và bé gái 8 tuổi chia sẻ: “Cứ mỗi lần đến kì nghỉ hè vợ chồng tôi khó khăn trong việc quản lý các con. Công việc của chúng tôi không thể bỏ để ở nhà trông con, chồng tôi thường xuyên đi làm xa, hai bên nội ngoại không có ai ở gần. Hè năm ngoái tôi phải nhốt các con trong nhà xem TV và tự chăm nhau. Hè này vợ chồng tôi đang dự tính cho các con đi học thêm để giảm bớt thời gian các cháu quá tập trung vào TV và điện thoại nhưng lại không an tâm vì phải thuê người đưa đón, thời gian qua thấy những trường hợp trẻ em bị xâm hại và xảy ra nhiều vấn đề nên tôi rất lo ngại”.
Không chỉ riêng vợ chồng chị H, mà dường như đây cũng là nỗi lo của tất cả các ông bố, bà mẹ có con đang trong độ tuổi cần được chăm sóc, bảo vệ nhưng không có điều kiện để theo sát các con. Theo thống kê của Bộ Công an, mỗi năm cả nước có khoảng trên dưới 2 ngàn vụ xâm hại tình dục, trong đó khoảng 80% là xâm hại tình dục trẻ em. Điều đáng nói là đa số các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em đều là người thân hoặc quen biết với nạn nhân. Trẻ em là những người dưới 16 tuổi, rất non nớt, chưa đủ sức khỏe cũng như khả năng tự bảo vệ, ứng phó trước sự xâm hại. Khi bị xâm hại, các em thường không dám tố giác kẻ phạm tội vì bị đe dọa, sợ bị mắng, nên một mình cam chịu tổn thương. Trong số nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, có nguyên nhân xuất phát từ chính gia đình. Việc một số cha mẹ xao nhãng, bỏ mặc con cái chính là mầm mống nảy sinh các hành vi xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục đối với trẻ em. Hoặc tình trạng cha mẹ ly hôn, ly thân hay mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, không có điều kiện chăm sóc, quản lý, giáo dục các con, thường để các con ở nhà một mình, gửi cho đối tượng không đáng tin cậy. Hoặc trường hợp một số trẻ thiếu thốn tình cảm, sống trong hoàn cảnh gia đình không hoàn thiện, không nơi nương tựa, không được học hành, các con bị lợi dụng, rủ rê vào các hành vi sai trái mà chưa đủ nhận thức để tránh. Bên cạnh đó, một số phụ huynh không nhận thức được những nguy cơ cao trẻ bị xâm hại. Họ e ngại, thậm chí không dạy trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản. Hậu quả, trẻ thiếu kỹ năng phòng tránh, tự vệ và phản kháng để chống lại các hành vi lạm dụng. Một số trường hợp trẻ bị lạm dụng khi gia đình phát hiện thì lại bao che hành vi tội phạm, cho qua hoặc giấu kín vì sợ tai tiếng, ảnh hưởng đến danh dự của trẻ và gia đình. Có trường hợp trẻ em vị thành niên bị xâm hại dẫn đến mang thai, gia đình đưa các em đến các phòng khám tư ở địa bàn khác để phá thai, khi được các bác sĩ tư vấn, hỗ trợ thì mới mạnh dạn làm đơn tố cáo đối tượng xâm hại với công an.
|
Cha mẹ cần dành nhiều thời gian hơn bên con, lắng nghe và hướng các con đến những hoạt động vui chơi, học tập lành mạnh là một biện pháp bảo vệ trẻ trước các nguy cơ xâm hại.
|
Tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự phối hợp giữa gia đình- nhà trường - xã hội là biện pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em hiệu quả nhất. Đặc biệt, các bậc cha mẹ phải nhận thức rõ trách nhiệm trong việc chăm sóc, giáo dục giới tính và quản lý, bảo vệ con em mình phòng tránh nguy cơ bị xâm hại; kịp thời tố giác các hành vi xâm hại (xâm hại tình dục, dâm ô…). Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng, biện pháp giúp các em nâng cao cách nhận biết, phòng tránh các hành vi xâm hại tình dục. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tội phạm xâm hại tình dục, về các vấn đề tâm sinh lý lứa tuổi, giới tính sẽ giúp nâng cao nhận thức của từng cá nhân để chủ động và có những kỹ năng cần thiết trong việc phòng tránh và ngăn ngừa tội phạm xâm hại tình dục. Đối với trường học, cần đưa nội dung này vào trong các hoạt động giáo dục kỹ năng sống để hướng dẫn các em nhận biết những hành vi nguy cơ và ứng phó với các mối nguy xâm hại.
Cô Trần Thị Bích Quyên, giáo viên Trường THCS Đoàn Thị Điểm, thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ: “Giáo dục kỹ năng sống, giúp các em tiếp cận và hiểu về luật pháp, ngăn ngừa các hành vi xâm hại trẻ em là một nhiệm vụ quan trọng mà các giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn của trường THCS như chúng tôi luôn chú ý. Tuy nhiên, việc đưa nội dung này vào dạy học chưa nhiều, tôi hi vọng rằng trong tương lai Bộ Giáo dục sẽ có những quy định và hướng dẫn cụ thể để đưa nội dung phòng ngừa xâm hại trẻ em vào các chuyên đề sinh hoạt đầy đủ hơn đối với mỗi lớp học, cấp học phù hợp hơn, giúp các con có được kỹ năng tự bảo vệ mình”.
Điều 37 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Luật trẻ em năm 2016, cũng quy định trong chương 2 những quyền của trẻ em cần được đảm bảo, trong đó từ điều 25 ghi rõ: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục”. Điều 26 về quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động trẻ em; Điều 27 về quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em”.
Tất cả những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em đều ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển tâm lý, trí tuệ và thể chất của trẻ, tác động nghiêm trọng đến những giá trị đẹp đẽ của đạo đức xã hội, gây tổn hại nặng nề cho quá trình hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người, vì vậy cần lên án mạnh mẽ đối với những hành vi đó, đồng thời đẩy mạnh việc đưa ra pháp luật những kẻ có hành vi gây tổn hại trẻ cho em. Những hành vi đó cần được phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời bởi sự tham gia chung tay góp sức của mọi gia đình, nhà trường, các đoàn thể xã hội như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, chính quyền địa phương và của cả cộng đồng. Bằng việc phối hợp tốt để tạo ra nhiều sân chơi bổ ích cho các con, dành nhiều thời gian hơn bên con, lắng nghe và hướng các con đến những hoạt động vui chơi, học tập lành mạnh, các hoạt động trải nghiệm văn hóa, văn nghệ hoặc các hoạt động lao động trải nghiệm phù hợp. Thông qua đó giúp các con có thêm kiến thức về pháp luật, về lao động và rèn các kỹ năng bảo vệ bản thân một cách tốt nhất./.
Trần Lan
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác