02/07/2024 04:59
Những năm qua, cùng với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Trạm Y tế xã Ea Phê còn chú trọng duy trì chăm sóc vườn thuốc nam là nguồn dược liệu quý để tuyên truyền, phổ biến đến người dân trong điều trị các chứng bệnh thường gặp, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và phát huy thế mạnh trong việc điều trị y học cổ truyền tại cơ sở.
Từng biết đến nhiều cây thuốc nam từ thủa nhỏ, mỗi lần đau ốm luôn được mẹ dùng cây cỏ quanh vườn nhà làm thuốc chữa bệnh, sau này lại bén duyên với nghề y, tiếp cận với nhiều bài thuốc đông y đơn giản mà công hiệu, y sĩ Bùi Văn Việt, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ea Phê (huyện Krông Pắc) càng hiểu rõ hơn tác dụng to lớn của cây thuốc nam đối với sức khỏe con người. Vì thế ông luôn tâm niệm một điều phải làm cho người dân trong vùng hiểu về giá trị của cây thuốc và sử dụng nó để chữa bệnh, bởi đây là phương pháp chữa bệnh dễ thực hiện mà hiệu quả cũng không kém gì thuốc tây và đặc biệt chi phí lại rẻ hơn nhiều, phù hợp với kinh tế của nhiều gia đình trong vùng. Vì thế, ông sưu tầm, tìm tòi nhiều loại cây thuốc để về trồng tại trạm. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn thuốc nam của Trạm, ông nhiệt tình giới thiệu về những loại cây thuốc rất phổ biến, quen thuộc nhưng mang lại nhiều tác dụng trong điều trị một số bệnh thường gặp, như: ngải cứu, tía tô, kinh giới, bạc hà, đinh lăng, húng chay…Ngoài ra, vườn thuốc nam của trạm còn trồng nhiều loại cây thuốc có nhiều tác dụng khác như cây xạ đen có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ, giải độc, tiêu viêm, mụn nhọt trên da, trị các bệnh xương khớp, cột sống; cây kim tiền thảo có tác dụng hỗ trợ điều trị sỏi thận; cây xuyên tâm liên có tác dụng điều trị các bệnh đường hô hấp, đường tiết niệu, viêm dạ dày… Những cây thuốc này được cán bộ Trạm Y tế xã Ea Phê trồng, chăm sóc trong khu vườn với diện tích khoảng 100m2.
|
Vườn thuốc nam của Trạm Y tế xã Ea Phê nhờ thường xuyên vun trồng, bón phân, tỉa, tưới nên luôn tươi, tốt.
|
Để duy trì vườn thuốc nam luôn xanh tươi và có nhiều cây thuốc quý, cán bộ trạm y tế xã thường xuyên vun trồng, bón phân, tỉa, tưới …Nhờ đó mà các cây trong vươn thuốc luôn xanh, tươi, tốt. “Ngoài giờ khám bệnh, cán bộ y tế tranh thủ thay phiên nhổ cỏ, chăm sóc cho vườn cây để đủ thuốc phục vụ người dân, đồng thời cũng tạo cảnh quan môi trường xanh,sạch, đẹp”, y sĩ Bùi Văn Việt cho hay.
Bà N.T.B (xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) cho hay: mỗi khi đến Trạm Y tế xã Ea Phê để khám bệnh tôi đều xin một vài cây thuốc quý của trạm để về trồng tại vườn nhà mình nhỡ khi ốm, sốt hay cảm thì có cây thuốc quý để trị bệnh. Tôi nghĩ những bài thuốc quý cần được duy trì và nhân rộng để chữa bệnh là cần thiết để ngừa việc kháng thuốc kháng sinh trong tương lai.
Việc duy trì được vườn thuốc mẫu tươi tốt quanh năm chính là cơ sở để Trạm y tế xã Ea Phê đưa y học cổ truyền đến với người dân thông qua tuyên truyền, giới thiệu cây thuốc và tác dụng chữa bệnh của mỗi loại cây. Mưa dầm thấm lâu, bằng nhiều biện pháp như: hướng dẫn về cây thuốc nam cho người dân đến khám, chữa bệnh tại trạm; tuyên truyền qua đội ngũ các cộng tác viên, thậm chí tuyên truyền qua những người bệnh đã được chữa khỏi bằng phương pháp y học cổ truyền…, dần dần các cán bộ, nhân viên của trạm đã khiến người dân tin tưởng vào phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền, từ đó, việc tìm hiểu, trồng và bảo tồn cây thuốc đã được nhân rộng trên địa bàn. Đến nay, ngoài vườn thuốc nam mẫu của trạm, cả xã còn hình thành 6 vườn thuốc nhỏ tại các cụm thôn, buôn. Không những thế, nhiều gia đình trong vùng còn trồng những cụm cây thuốc cần thiết ngay trong vườn nhà để chữa các bệnh thông thường theo phương châm “Thầy tại nhà, thuốc tại vườn, điều trị tại chỗ”. Và cũng nhờ vậy, các bài thuốc đông y dần dần được ứng dụng rộng rãi trong nhân dân.
Song song với việc xây dựng vườn thuốc mẫu, cung cấp kiến thức cơ bản về cây thuốc cho người dân, Phòng chẩn trị y học cổ truyền của Trạm y tế xã Ea Phê cũng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh bằng đông y của nhân dân trên địa bàn. Trung bình hàng năm Trạm tiếp nhận hàng ngàn lượt bệnh nhân đến khám và điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền và điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại. Y sĩ Bùi Văn Việt bộc bạch: có được thành công như ngày hôm nay phải kể đến thời gian ban đầu xây dựng phòng chẩn trị y học cổ truyền: không có thuốc, không có con người và cũng chẳng có bệnh nhân. Đến bây giờ, nhu cầu khám, chữa bệnh bằng các phương pháp y học cổ truyền đang được nhiều người mắc các bệnh mãn tính, như: viêm khớp, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, tai biến liệt nửa người… trên địa bàn lựa chọn để điều trị. Mặc dù tốn nhiều thời gian nhưng với hiệu quả không thua kém gì so với điều trị tây y, lại ít tác dụng phụ, chi phí điều trị thấp nên phương pháp điều trị này ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Có lẽ, đó là điều mà anh em trong trạm chúng tôi thấy vui nhất./.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác