04/07/2024 08:54
Vàng da sơ sinh là do một chất gọi là bilirubin được tạo ra trong cơ thể tăng cao trong máu và biểu hiện bằng sự đổi màu vàng của da và mắt. Đây là vấn đề thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh trong 2 tuần đầu đời và là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ phải nhập viện lại sau khi sinh. Khoảng 60% trẻ đủ tháng và 80% trẻ sinh non bị vàng da trong tuần đầu tiên sau sinh.
Trong hầu hết các trường hợp, vàng da thường là nhẹ, thoáng qua, tự giới hạn và khỏi mà không cần điều trị, gọi là vàng da sinh lý. Tuy nhiên, cần phải phân biệt với tình trạng vàng da nặng hơn gọi là vàng da bệnh lý. Việc không xác định và điều trị chậm trễ vàng da bệnh lý có thể dẫn đến bệnh não do bilirubin và các di chứng thần kinh liên quan.
|
Để trẻ mau hết vàng da sinh lý, mẹ cần cho bé bú nhiều lần trong ngày vì sữa mẹ có thể giúp đào thải nhanh bilirubin qua đường tiêu hóa. (Ảnh: Bảo Trọng)
|
Theo các bác sĩ chuyên khoa sản nhi, vàng da sinh lý thường xuất hiện ở trẻ đủ tháng, sức khỏe bình thường. Bệnh không nguy hiểm và sẽ tự hết sau khoảng 2 tuần. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do các bé sơ sinh có lượng tế bào hồng cầu cao, thường xuyên bị phá vỡ và thay mới. Trong khi đó, gan của bé chưa đủ trưởng thành để đào thải hết bilirubin ra ngoài gây nên tình trạng vàng da. Khi trẻ lớn lên khoảng 2 tuần tuổi gan phát triển tốt sẽ có khả năng xử lý. Vàng da sinh lý thường sẽ tự khỏi mà không để lại mối nguy hiểm nào. Ngược lại, vàng da bệnh lý là biểu hiện của một căn bệnh tiềm tàng nào đó và ở những trường hợp này vàng da sẽ xuất hiện sớm, trong vòng 24 giờ sau sinh. Biểu hiện của vàng da sơ sinh bệnh lý là vàng da đậm xuất hiện sớm, không hết vàng sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ thiếu tháng, mức độ vàng toàn thân, lòng bàn tay, bàn chân và cả kết mạc mắt. Một số nguyên nhân gây vàng da sơ sinh bệnh lý như: bất đồng nhóm máu mẹ con (ABO, Rh), bệnh lý tan máu (thiếu men G6PD, hồng cầu hình liềm, nhiễm trùng), xuất huyết dưới da, chậm đi phân su, nhiễm vi rút bào thai, bệnh lý gan mật bẩm sinh… Ngoài ra còn có các yếu tố như tiền sử gia đình, có anh chị em ruột bị vàng da, có vết thâm tím khi sinh, mang rối loạn di truyền nhất định như hội chứng Gilbert, các khuyết tật của màng tế bào hồng cầu bẩm sinh.
Theo dõi vàng da là việc làm cần thiết, để quan sát rõ sự thay đổi của màu da, không cho trẻ nằm trong tối, cần đưa trẻ ra ánh sáng mặt trời để quan sát (không nên quan sát dưới ánh đèn, nhất là đèn có màu vàng). Nên dùng tay ấn vào vùng da ở trán, mặt, ngực, bụng, dưới đùi, cẳng chân, bàn chân, bàn tay để xác định bé có bị vàng da hay không. Một số trẻ mới sinh da thường có màu đỏ nên sẽ khó thấy được vàng da, những trẻ bị vàng da, khi ấn vào da sẽ để lại màu vàng. Nhiều người thấy con bị vàng da, nghĩ bé bị vàng da thông thường nên chỉ mang ra phơi nắng, đến khi bé bú kém, bỏ bú, mới đưa đến bệnh viện thì đã quá nặng.
|
Với vàng da bệnh lý, khi nhập viện, ngoài việc tìm nguyên nhân để điều trị, bé sẽ được các bác sĩ áp dụng quang trị liệu hay còn gọi là chiếu đèn. (Ảnh: Hồng Vân)
|
Để trẻ mau hết vàng da sinh lý, mẹ cần cho bé bú nhiều lần trong ngày vì sữa mẹ có thể giúp đào thải nhanh bilirubin qua đường tiêu hóa. Ngoài ra, trong sữa mẹ có chứa một số dưỡng chất quan trọng giúp các cơ quan chức năng của cơ thể trẻ phát triển. Với vàng da bệnh lý, khi nhập viện, ngoài việc tìm nguyên nhân để điều trị, bé sẽ được các bác sĩ áp dụng quang trị liệu hay còn gọi là chiếu đèn. Trong suốt quá trình điều trị, trẻ được nằm trong luồng ánh sáng đặc biệt khoảng 24 giờ đồng hồ. Ánh sáng này giúp bé giảm vàng da bằng cách đào thải bilirubin trong máu. Một số trường hợp nặng có thể phải truyền máu hoặc thay máu.
Để phòng bệnh vàng da bệnh lý cho trẻ sơ sinh, bác sĩ chuyên khoa I Trần Ngọc Thắng – Phó khoa Sản, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên khuyến cáo, phụ nữ mang thai cần khám thai định kỳ, đặc biệt là các tháng cuối và có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để không bị sinh non. Khi sinh cần đến cơ sở y tế để được cán bộ có chuyên môn theo dõi và đỡ đẻ. Đặc biệt lưu ý, khi thấy trẻ có các biểu hiện như trẻ bú ít hơn một nửa so với bình thường, nước tiểu trong, phân bạc màu, trẻ ngủ nhiều, vàng da lan đến bàn tay, bàn chân và kéo dài trên 15 ngày cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế điều trị kịp thời để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Kim Oanh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác