17/07/2024 01:53
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Các biến chứng của bệnh sởi rất nguy hiểm đối với sức khỏe và tính mạng của trẻ. Do đó, phụ huynh không nên chủ quan mà cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ trẻ trước căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 5 trường hợp bệnh nhi mắc sởi, trong đó 1 trường hợp tại huyện Buôn Đôn, 1 trường hợp tại TP. Buôn Ma Thuột, 1 trường hợp tại huyện Krông Búk và 2 trường hợp tại huyện Cư Kuin. Trong 5 trường hợp mắc sởi, có 03 trường hợp không tiêm vắc xin sởi.
Chăm sóc con đang cách ly điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, anh T.Q.P (trú tại phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) không khỏi lo lắng cho sức khỏe của con mình. Anh T.Q.P cho biết, bé anh năm nay 4 tuổi, ngày 03/7, ở nhà bé xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, gia đình có lấy thuốc cho cháu uống nhưng không đỡ. Ngày 12/7, bé sốt, ho, phát ban đỏ toàn thân. Đến ngày 13/7, gia đình anh đưa con đi khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên với kết quả xét nghiệm bé dương tính với bệnh sởi. “Tôi có 3 người con, 2 đứa đầu đều được tiêm phòng vắc xin sởi đầy đủ. Tuy nhiên, tới bé này do tôi đi làm xa, vợ ở nhà không nắm lịch tiêm của con nên chưa cho bé đi tiêm vắc xin phòng bệnh. Bây giờ nhìn con mắc bệnh với các biến chứng nặng, ăn uống không được còn bị tiêu chảy, ho, sốt… tôi buồn và tự trách mình đã quá chủ quan. Qua trường hợp của con tôi, hy vọng các phụ huynh khác đừng chần chừ mà hãy đưa con mình đi tiêm phòng đầy đủ để giúp con phòng bệnh”, anh T.Q.P chia sẻ.
|
Bác sĩ thăm khám bệnh nhi mắc bệnh sởi đang được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Một trường hợp khác mắc sởi cũng đang được các bác sĩ theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên là bệnh nhi Đ.C.N.M (Nam, SN 2023, trú tại xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk). Trước đó ngày 08/7, ở nhà bệnh nhi bị sốt, ho. Ngày 09/7, gia đình cho trẻ khám bệnh tại Phòng khám Đa khoa Tâm Phúc (Thị xã Buôn Hồ) nhưng trẻ không đỡ. Đến ngày 11/7, người nhà đưa trẻ đi khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tại đây trẻ được xét nghiệm và kết quả dương tính với sởi. Tuy nhiên, do bệnh nhi đã được tiêm 1 mũi vắc xin phòng bệnh sởi nên mặc dù mắc bệnh, các triệu chứng của bệnh rất nhẹ. Bà H.T.H – Bà của bệnh nhi Đ.C.N.M cho biết: “May nhờ đã tiêm vắc xin nên khi mắc bệnh cháu tôi không bị nặng như các trường hợp chưa tiêm vắc xin. Nhìn các cháu cùng mắc sởi nhưng bị các biến chứng thật sự rất xót xa. Có cháu bị biến chứng đường tiêu hóa, viêm phổi, có cháu bị biến chứng cả mắt… thương lắm. Tôi nghĩ các phụ huynh có con nhỏ nên đưa con đi tiêm đầy đủ vắc xin để phòng bệnh hoặc có lỡ mắc bệnh thì các triệu chứng cũng sẽ nhẹ giống cháu tôi, chứ thật sự nhìn những trẻ bị biến chứng nặng vì chưa tiêm vắc xin rất tội nghiệp cho các cháu”.
Để chăm sóc, điều trị và tránh lây nhiễm chéo cho các bệnh nhi, tại Khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã thành lập một khu riêng dành cho các bệnh nhi mắc bệnh sởi. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh – Trưởng khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bên cạnh việc chú trọng điều trị cho các bệnh nhi mắc sởi, công tác phòng lây nhiễm chéo cũng được Bệnh viện hết sức chú trọng. Bác sĩ Minh đánh giá, các trường hợp bệnh nhi nhập viện điều trị sởi hầu hết đều có biến chứng nặng và rơi vào các trường hợp chưa tiêm vắc xin phòng sởi. Các trẻ nhập viện trong tình trạng sởi biến chứng viêm phổi, sởi biến chứng tiêu hóa, phát ban… Sau khi được điều trị tích cực, đến nay sức khỏe của các trẻ đã có diễn biến tốt.
Tại Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua và việc gián đoạn cung ứng các vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ em trên toàn quốc. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vắc xin trong những năm gần đây là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh bao gồm bệnh sởi. Theo số liệu của CDC, năm 2023, tại tỉnh Đắk Lắk tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tiêm đầy đủ các loại vắc xin đạt tỷ lệ 54,9%, tỷ lệ trẻ 18 tháng tiêm vắc xin sởi - rubella đạt 67,8%. 5 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ trẻ 9 tháng tiêm sởi đạt tỷ lệ gần 38%, tỷ lệ trẻ 18 tháng tiêm vắc xin sởi - rubella đạt gần 35%. Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, cho biết, do khoảng trống của vắc xin ở thời điểm thiếu vắc xin cục bộ nên hiện nay tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh sởi cho trẻ chưa đạt ngưỡng đủ để tạo miễn dịch cộng đồng. Để bệnh sởi không bùng phát và lan rộng, tiêm chủng là biện pháp chủ động phòng bệnh hiệu quả nhất. Do đó, hiện nay, ngành Y tế đã xây dựng và đang triển khai hoạt động rà soát, tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin để đảm bảo độ bao phủ vắc xin phòng bệnh cho trẻ.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, để phòng bệnh, người dân cần chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc xin sởi lúc 9 - 11 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%. Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như thường xuyên rửa tay và vệ sinh thân thể, vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày; Hạn chế tiếp xúc với người mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi; Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời, phòng biến chứng nặng của bệnh sởi.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác