13/08/2024 04:31
Những năm vừa qua, hoạt động phòng, chống bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk luôn được ngành Y tế quan tâm, nỗ lực triển khai nhiều hoạt động, đặc biệt tăng cường công tác giám sát dịch tễ, không để xảy ra trường hợp bệnh nhân mắc sốt rét ác tính... Nhờ đó, công tác phòng, chống bệnh sốt rét đã đạt được nhiều thành quả hướng đến mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2026 theo lộ trình của tỉnh.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, tỷ lệ bệnh nhân mắc sốt rét giảm hàng năm, không có bệnh nhân sốt rét ác tính, không có tử vong do sốt rét và toàn tỉnh không có dịch sốt rét xảy ra. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay tổng số bệnh nhân sốt rét toàn tình là 155 ca. Trong đó, năm 2020 có 122 ca, năm 2021 có 11 ca, năm 2022 có 11 ca, năm 2023 có 8 ca và 7 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh chỉ mới có 3 ca sốt rét. Đến hết năm 2023, đã có 05 đơn vị gồm TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư Kuin, Krông Pắc, Krông Ana và Thị xã Buôn Hồ được công nhận loại trừ bệnh sốt rét. Những thành công này góp phần tích cực vào việc đẩy nhanh tiến trình loại trừ sốt rét tại tỉnh Đắk Lắk vào năm 2026 theo lộ trình. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng Khoa Ký sinh trùng - Côn trùng - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, mặc dù số lượng bệnh nhân mắc bệnh sốt rét giảm nhưng nguy cơ bùng phát bệnh sốt rét vẫn có thể xảy ra nếu lơ là công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là tại các địa phương có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh như địa bàn huyện Ea Kar, Krông Năng, Buôn Đôn là các địa phương có tiếp giáp với Khu bảo tồn Quốc gia Ea Sô và vuồn Quốc gia Yok Đôn. Đặc biệt trong hai năm gần đây huyện M’Đrắk có nguy cơ bùng phát dịch rất cao do tiếp giáp với huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa là địa phương đang có tình hình sốt rét diễn biến phức tạp (Trong 7 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh Khánh Hòa có 173 ca sốt rét). Người dân tại các xã giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số, công việc chính là đi làm nương rẫy, đi rừng khai thác lâm thổ sản. Hiện nay đang làm đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa nên rất khó quản lý dân di biến động của 2 địa phương, đây là một nguy cơ cao làm lây truyền và bùng phát dịch bệnh. Do đó, để loại trừ và ngăn chặn mầm bệnh ở ngoài vào, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đã đẩy mạnh công tác giám sát dịch tễ, tăng cường công tác xét nghiệm đặc biệt đối với những người ngoại lai nhằm kịp thời phát hiện và điều trị tránh để chuyển sốt rét ác tính hay lây lan diện rộng, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.
|
Cán bộ y tế lấy lam xét nghiệm sốt rét cho người dân tại buôn Đrang Phốk.(ảnh: Quang Nhật)
|
Cũng theo ông Tuấn Anh, với các mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét nhằm giảm tỷ lệ mắc sốt rét hàng năm; không có bệnh nhân sốt rét ác tính; không có tử vong do sốt rét, không có dịch sốt rét xảy ra. Đồng thời thực hiện loại trừ bệnh sốt rét ở các huyện có sốt rét lưu hành, củng cố các yếu tố bền vững nhằm ngăn chặn bệnh sốt rét quay trở lại, tiến tới loại trừ bệnh sốt rét tại các huyện, thị xã, thành phố và toàn tỉnh theo lộ trình đã được phê duyệt, CDC đã tham mưu Sở Y tế bố trí đủ kinh phí cho hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét, mua thuốc, vật tư, hóa chất và phân bổ đến các đơn vị theo quy định. Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động của chương trình mục tiêu Y tế, các dự án về phòng chống sốt rét đảm bảo chất lượng, hiệu quả đúng tiến độ. Để công tác phòng, chống sốt rét đạt hiệu quả, CDC còn thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện các hoạt động phòng chống sốt rét, kịp thời chỉ đạo các huyện chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống sốt rét ở những vùng có nguy cơ gia tăng sốt rét như: Vùng dân di biến động, vùng giao lưu biên giới, vùng sâu, vùng xa và nâng cao chất lượng các hoạt động phòng chống sốt rét. Ngoài ra, tăng cường giám sát dịch tễ sốt rét (chẩn đoán, điều trị và lấy lam máu xét nghiệm), giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời các điểm có sốt rét gia tăng bất thường, không để dịch sốt rét xảy ra và tử vong do sốt rét. Củng cố và duy trì hoạt động điểm kính hiển vi xã; khôi phục một số điểm kính hoạt động kém hiệu quả kết hợp phát triển thêm một số điểm kính mới. Tăng cường điều tra, giám sát véc tơ tại các vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cao, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống kịp thời khi phát hiện có véc tơ chính truyền bệnh sốt rét. Đồng thời tổ chức tập huấn về công tác chẩn đoán, điều trị bệnh, xét nghiệm, giám sát, kỹ thuật phun tẩm hóa chất, công tác quản lý, sử dụng thuốc sốt rét... Đặc biệt, phối hợp với các trạm y tế xã tăng cường công tác truyền thông phòng chống bệnh sốt rét trên các phương tiện thông tin đại chúng như: loa, đài phát thanh xã, truyền thông bằng xe lưu động, phân phát tờ rơi… để người dân hiểu về nguy cơ và tác hại khi mắc bệnh sốt rét nhằm có các biện pháp phòng chống.
Hiện tại sốt rét hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, cách phòng bệnh hiệu quả nhất là phòng trừ muỗi anophen truyền bệnh. Do đó, người dân cần thường xuyên ngủ mùng, ngay cả ban ngày và mùng cần được tẩm hóa chất diệt muỗi. Buổi tối khi làm việc phải mặc quần áo dài tay để phòng muỗi chích, có thể sử dụng nhang xua muỗi. Vệ sinh môi trường xung quanh, loại bỏ những nơi trú ẩn của muỗi như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ, quần áo phải được xếp gọn gàng không nên treo hay móc quần áo trên tường làm chỗ cho muỗi trú ẩn,… Những người đi làm ở vùng rừng núi cần mang theo mùng để ngủ, trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc uống phòng và khi trở về từ vùng rừng núi nên đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, nếu bị sốt rét sẽ được điều trị kịp thời. Khi thấy các biểu hiện của bệnh sốt rét như: rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng và phòng lây nhiễm cho người xung quanh.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác