03/09/2024 09:58
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 69 trường hợp mắc bệnh Sởi xuất hiện ở 11 huyện, thị xã, thành phố. Với khả năng lây lan nhanh, nhiều khả năng sẽ xuất hiện thêm các ca bệnh Sởi và có nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong thời gian sắp tới là rất cao do ảnh hưởng của việc gián đoạn cung ứng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng dẫn đến nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi.
Theo nhận định của các chuyên gia y tế, do ảnh hưởng của COVID-19 và thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng kéo dài từ năm 2022 – 2023, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin trên toàn quốc bị ảnh hưởng. Nhiều trẻ không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vắc xin là yếu tố nguy cơ làm gia tăng các dịch bệnh. Trong đó, tỷ lệ tiêm chủng cả nước năm 2023 giảm thấp rõ rệt, chỉ đạt 66,4% bé dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, trong khi theo quy định hằng năm phải đạt 75% và tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Sởi cần đạt ít nhất 95% để ngăn chặn sự lây truyền trong cộng đồng. Tại tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 21/8/2024, tỷ lệ tiêm vắc xin Sởi trên phạm vi toàn tỉnh đạt 55,3% tăng 1,7% so với cùng kỳ 2023; 5/15 huyện, thị xã, thành phố đạt tiến độ tiêm Sởi 95%; 8/15 huyện đạt tiến độ tiêm Sởi 90%; 2/15 huyện đạt tiến độ tiêm Sởi từ 80 đến dưới 90%.
|
Tiêm phòng vắc xin Sởi là phương pháp chủ động và hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh và các biến chứng nghiêm trọng. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Bác sĩ Trần Thị Thuý Minh, Trưởng Khoa nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện. Virus Sởi có thể lây gián tiếp khi người khỏe mạnh chạm vào đồ vật hoặc bề mặt dính mầm bệnh sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng. Chính vì thế, những nơi đông người như khu dân cư, trường học và bệnh viện trở thành môi trường lý tưởng cho bệnh lây lan. Triệu chứng ban đầu của Sởi thường giống cảm cúm với sốt, chảy nước mắt, mũi, viêm đường hô hấp và phát ban. Giai đoạn lây nhiễm diễn ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau khi xuất hiện phát ban. Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, dễ bị mắc Sởi do hệ miễn dịch yếu và kháng thể bảo vệ từ mẹ giảm dần sau sinh.
Theo các chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm, bệnh Sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan rất nhanh, khoảng 90 – 100% những người chưa tiêm vắc xin hoặc chưa từng mắc bệnh khi tiếp xúc với nguồn lây sẽ bị nhiễm. Một người nhiễm sởi có khả năng lây sang tối đa 20 người khỏe mạnh. Trong đó, viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất khi mắc Sởi. Bệnh có thể gây suy giảm miễn dịch, dễ bội nhiễm và biến chứng ở nhiều cơ quan như viêm ở tai giữa, phổi, não, màng não, loét giác mạc dẫn đến mù lòa, suy dinh dưỡng và còi xương nếu không điều trị kịp thời. Đối với thai phụ, Sởi gây biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm kết mạc, có thể dẫn đến sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu. Thai phụ mắc Sởi có tỷ lệ tử vong cao gấp 3 lần so với người khỏe mạnh. Bên cạnh đó, khi nhiễm Sởi, thai phụ sốt cao sẽ làm tăng nhiệt độ buồng ối và tăng nhịp tim thai có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. Do đó, tiêm phòng vắc xin Sởi là phương pháp chủ động và hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh và các biến chứng nghiêm trọng.
Các loại vắc xin, như Sởi đơn hay vắc xin phối hợp sởi – rubella có thể được tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn. Khi tiêm đủ 2 mũi, vắc xin phòng Sởi đạt hiệu quả lên tới 98%. Đặc biệt, phụ nữ nên hoàn tất lịch tiêm sởi – rubella ít nhất 3 tháng trước khi mang thai nhằm ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh và đảm bảo truyền kháng thể bảo vệ cho thai nhi và em bé trong những tháng đầu đời.
Bên cạnh việc tiêm vắc xin, trẻ em và người lớn cần chủ đồng thực hiện kết hợp một số biện pháp phòng bệnh khác như: Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh. Khi cần tiếp xúc, hãy đeo khẩu trang y tế và rửa tay sạch sẽ sau đó. Người bệnh cần được cách ly, nghỉ học hoặc nghỉ làm, với thời gian cách ly an toàn từ lúc nghi ngờ mắc bệnh cho đến 5 ngày sau khi phát ban; Thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ và thoáng mát, sử dụng cloramin B để khử trùng đồ dùng, đồ chơi trẻ em, giúp tiêu diệt virus trong không gian sống; Ăn uống đầy đủ, tăng cường rau xanh, trái cây giàu vitamin C như cam, quýt và uống nhiều nước, chia nhỏ lượng nước thành nhiều lần uống trong ngày. Có thể dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ trên 38,5 độ và bổ sung vitamin A để bảo vệ mắt theo hướng dẫn của bác sĩ. Trẻ nhỏ nên tiếp tục bú mẹ, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, nấu chín kỹ và chia làm nhiều bữa nhỏ; Xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh thông qua chế độ dinh dưỡng cân đối và vận động thường xuyên sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm; Khi có triệu chứng như ho, sốt, chảy nước mũi, phát ban, cần cách ly và đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Tránh tự ý đưa trẻ đi điều trị vượt tuyến để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo ở bệnh viện./.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác