06/09/2024 04:26
Rượu bia là một phần không thể thiếu trong văn hóa của nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Tuy nhiên, việc lạm dụng rượu bia có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, đặc biệt là nguy cơ cao mắc bệnh viêm tụy cấp.
Tuyến tụy là một cơ quan nhỏ nằm phía sau dạ dày, có vai trò quan trọng trong hệ tiêu hóa. Tuyến tụy có hai chức năng quan trọng là chức năng nội tiết, sản xuất các hormone cần thiết để điều chỉnh lượng đường trong máu. Chức năng ngoại tiết: Tuyến tụy tiết dịch tụy vào tá tràng thông qua ống tụy. Dịch tụy có chứa chất giúp trung hòa axit từ dạ dày vào tá tràng. Ngoài ra, dịch còn có các enzym tiêu hóa để phân hủy chất béo trong thức ăn.
|
Việc lạm dụng rượu bia có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, đặc biệt là nguy cơ cao mắc bệnh viêm tụy cấp. (ảnh: Đình Thi)
|
Viêm tụy cấp là một quá trình tổn thương cấp tính của tụy, bệnh thường xảy ra đột ngột với những triệu chứng lâm sàng đa dạng, phức tạp từ viêm tụy cấp nhẹ thể phù đến viêm tụy cấp nặng thể hoại tử với các biến chứng suy đa tạng nặng nề, tỉ lệ tử vong cao, trong đó mức độ hoại tử liên quan đến độ trầm trọng của bệnh. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra viêm tụy cấp, trong đó đứng hàng đầu là do sỏi mật và nghiện rượu., Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột, trong quý III năm 2024 đã tiếp nhận và điều trị cho 20 trường hợp bệnh viêm tụy cấp do lạm dụng rượu bia.
Trường hợp Anh P.Q.T, 45 tuổi trú tại xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng bụng trên, bên trái. Sau khi làm các cận lâm sàng các bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm tụy cấp và phải điều trị nội trú.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Kim Quế - Trưởng khoa Nội nhiễm, Bệnh viện đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột, 70% trường hợp viêm tụy hoại tử nặng phải điều trị, chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện chủ yếu là nam giới, độ tuổi trung bình từ 30-40 tuổi và khởi phát đau sau khi uống rượu bia. Thời gian trung bình phải chăm sóc và điều trị khoảng 2 tuần.
|
Ngay sau khi được chẩn đoán viêm tụy cấp, người bệnh cần được điều trị và theo dõi tích cực. (ảnh: Đình Thi)
|
Khi bị viêm tụy cấp người bệnh có biểu hiện như: Đau bụng, chủ yếu đau vùng thượng vị, đau dữ dội, đột ngột sau bữa ăn. Đau thường kéo dài, lan ra sau lưng, hoặc hạ sườn 2 bên. Người bệnh có thể nôn và buồn nôn xảy ra sau đau, nôn xong không đỡ hay hết đau (khác viêm dạ dày cấp), thường nôn ra dịch dạ dày, dịch mật, thể nặng có thể nôn ra dịch máu loãng. Biểu hiện chướng bụng và bí trung tiện xảy ra với thể viêm tụy cấp hoại tử nặng, một số trường hợp đi ngoài lỏng nhiều lần. Ngoài ra tùy theo mức độ gây bệnh, bệnh nhân có thể bị rối loạn ý thức, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt, suy hô hấp, sốt, suy đa tạng…
Khác với bệnh viêm tụy cấp, viêm tụy mạn tính diễn ra trong thời gian dài, là một rối loạn tiến triển khi tuyến tụy bị phá hủy, thường là kết quả sau khi cơ thể trải qua một đợt viêm tụy cấp do uống rượu gây tổn hại nghiêm trọng tới chức năng của tuyến tụy. Các biểu hiện ở người bị viêm tụy mạn tính cũng gần tương đồng với viêm tụy cấp tính như nôn mửa và đau bụng; sụt cân nhanh và tiêu chảy do lượng enzyme do tuyến tụy tiết ra không đủ để giải phóng vào ruột non, hỗ trợ tiêu hóa thức ăn; bụng đau liên tục, lan dần ra phía sau lưng.
|
Khi nghi ngờ viêm tụy cần phải đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. (ảnh: Đình Thi)
|
Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Kim Quế khuyến cáo, tụy là cơ quan quan trọng tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn và tham gia điều tiết đường huyết của cơ thể, với nhiều chức năng quan trọng. Do đó bảo vệ tuyến tụy khỏe giúp cơ thể hoạt động bình thường, ngoài việc phòng tránh các nguyên nhân tắc nghẽn cơ học gây viêm tụy cấp, còn phải duy trì chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, đặc biệt tránh sử dụng rượu bia khi không cần thiết, không hút thuốc lá. Khi nghi ngờ viêm tụy cần phải đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Ngay sau khi được chẩn đoán viêm tụy cấp, người bệnh cần được điều trị và theo dõi tích cực.
Kim Oanh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác