11/09/2024 10:16
Trước diễn biến phức tạp của bệnh đậu mùa khỉ, nhằm chủ động đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh cho người dân trên địa bàn, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ theo 3 tình huống cụ thể.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu năm 2022, sau khi bệnh lây lan sang hơn 70 quốc gia. Trong ba năm 2021- 2023, thế giới ghi nhận 92.000 ca nhiễm và 167 trường hợp tử vong vì căn bệnh này, chủ yếu liên quan người nam quan hệ tình dục đồng giới và người có nhiều bạn tình.
Theo WHO, trong năm 2024, đặc biệt trong 2 tháng gần đây, số ca đậu mùa khỉ (mpox) tăng bất thường tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Nước này ghi nhận khoảng 15.600 ca mắc, trong đó khoảng 537 trường hợp tử vong. Vi rút đậu mùa khỉ nhánh Ib (Clade Ib) đang là nhánh trội trong đợt dịch tại nước này. Bước đầu ghi nhận, một số đặc điểm dịch tễ của bệnh khác biệt so với các đặc điểm dịch tễ trong đợt dịch trước đó xảy trong năm 2022 - 2024. Tại khu vực châu Âu và một số quốc gia khác, các trường hợp mắc trẻ hơn (khoảng 50% ở độ tuổi dưới 15 tuổi, khoảng 39% trẻ dưới 5 tuổi), có sự lây truyền qua nhóm mại dâm nữ (7,5%) và có sự lây nhiễm trong các thành viên trong hộ gia đình. Ngoài ra, 04 nước giáp với Cộng hòa Dân chủ Congo (Burundi, Kenya, Rwanda and Uganda) đã lần đầu ghi nhận các trường hợp mắc đậu mùa khỉ có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch bệnh đậu mùa khỉ đang xảy ra tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Hai nước khác ngoài khu vực châu Phi (Thụy Điển, Pakistan) cũng ghi nhận trường hợp mắc đậu mùa khỉ nhánh Ib.
Trước diễn biến của dịch đậu mùa khỉ lần này và nguy cơ lây lan sang các quốc gia khác, WHO đã công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế (PHEIC) đối với dịch bệnh đậu mùa khỉ ngày 14/8/2024. Một số quốc gia gần với Việt Nam như: Trung Quốc, Thái Lan cũng đã tăng cường các biện pháp y tế tại cửa khẩu nhằm kiểm soát dịch bệnh mpox xâm nhập.
Tại Việt Nam, từ 2022 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác các ca bệnh đậu mùa khỉ, với 202 trường hợp, 8 ca tử vong. Riêng tại khu vực phía Nam (KVPN) trong 2 năm 2023-2024 ghi nhận 200 trường hợp (8 ca tử vong) tại 15/20 tỉnh, trong đó TP. Hồ Chí Minh (156 trường hợp, chiếm 78,4% KVPN), Long An (8 trường hợp, 4%). Bệnh chủ yếu lây trong cộng đồng hẹp (đối tượng mại dâm, đặc biệt là đồng tính nam). Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 67 trường hợp, có 02 tử vong. Riêng ngày 17/8/2024, ngành y tế TP Hồ Chí Minh ghi nhận 49 người mắc bệnh đậu mùa khỉ.
|
Để phòng bệnh Đậu mùa khỉ, nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay. (ảnh: Quang Nhật)
|
Theo bác sĩ Hoàng Nguyên Duy – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, tại tỉnh, mặc dù chưa ghi nhận trường hợp mắc đậu mùa khỉ nhưng trước diễn biến phức tạp của bệnh, với mục tiêu phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ, cách ly, truy vết kịp thời tránh bỏ sót; Đảm bảo cơ số thuốc, trang thiết bị cần thiết sẵn sàng ứng phó bệnh đậu mùa khỉ, hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc mới và phòng lây nhiễm cho nhân viên y tế cũng như cộng đồng, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đã chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh theo 3 tình huống, cụ thể:
- Tình huống 1:
Chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại tỉnh Đắk Lắk sẽ phát hiện sớm trường hợp đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh về từ vùng có dịch để ngăn chặn, xử lý triệt để, tránh lây lan cho cộng đồng. Trong đó, tập trung kiện toàn, củng cố và tăng cường hoạt động của đội phản ứng nhanh trong phòng chống dịch. Xây dựng Kế hoạch phòng chống dịch Đậu mùa khỉ; chỉ đạo các đơn vị y tế triển khai các hoạt động tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh, giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch tại các huyện, thị xã, thành phố. Tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo dự phòng, cung ứng trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Báo cáo kịp thời về tình hình dịch bệnh và tổ chức thực hiện các chỉ đạo, điều hành BCĐ phòng, chống dịch tỉnh. Đồng thời kịp thời cung cấp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội về tình hình dịch bệnh tại địa phương và nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh. Truyền thông hướng dẫn người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân không hoang mang lo lắng và phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh. Thường xuyên giám sát các hoạt động tại Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thực hiện việc kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ mắc bệnh Đậu mùa khỉ để cách ly kịp thời. Chuẩn bị các trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm y tế, vật tư y tế, phòng hộ cá nhân... để lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên/Pasteur Nha Trang/ Pasteur Hồ Chí Minh xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh đậu mùa khỉ. Tổ chức hướng dẫn cách phòng chống lây nhiễm trong cơ sở điều trị; cập nhật về các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong giám sát, phòng chống dịch; tập huấn các phương pháp lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu cũng như thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ để đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp.
- Tình huống 2:
Xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào tỉnh Đắk Lắk sẽ tập trung phát hiện sớm khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch, điều tra truy vết nhằm hạn chế thấp nhất số ca mắc mới và lây lan ra cộng đồng. Lúc này sẽ kích hoạt hệ thống giám sát, các đội phản ứng nhanh trong tư thế sẵn sàng triển khai công tác phòng chống dịch. Báo cáo tình hình diễn biến của dịch thường xuyên cho BCĐ phòng chống dịch tỉnh kịp thời chỉ đạo trong công tác phòng chống dịch. Tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát và hướng dẫn công tác giám sát, điều tra dịch tễ và sẵn sàng xử lý ổ dịch tại các đơn vị y tế tại các địa phương. Tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ đậu mùa khỉ nhưng có yếu tố dịch tễ liên quan, giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của những người có tiếp xúc gần với ca bệnh trong vòng 21 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối, áp dụng việc báo cáo hàng ngày và chia sẻ thông tin kịp thời. Tăng cường giám sát trọng điểm và giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ đậu mùa khỉ tại các bệnh viện và cộng đồng để gửi xét nghiệm xác định sự lưu hành, biến đổi và mức độ lây lan của dịch bệnh. Đồng thời phối hợp với các Ban ngành triển khai đồng loạt các biện pháp phòng chống dịch. Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút kinh nghiệm và cập nhật các tài liệu chuyên môn trong công tác giám sát, xử lý ổ dịch để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm tình hình dịch bệnh, đồng thời tổ chức thường trực phòng chống dịch tại đơn vị, các đội chống dịch cơ động hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch. Thực hiện báo cáo hàng ngày và chia sẻ thông tin kịp thời. Tăng cường đẩy mạnh các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức để kịp thời cung cấp thông tin để người dân không hoang mang lo lắng và phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Truyền thông huy động cộng đồng, huy động các lực lượng tham gia phòng chống dịch bệnh ngay tại hộ gia đình, cơ quan công sở....
- Tình huống 3:
Dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Lúc này sẽ đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng; giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển biến nặng; giảm tỷ lệ tử vong. Tham mưu cho BCĐ phòng chống dịch tỉnh thông báo mức cảnh báo cộng đồng cao nhất. Xem xét mức độ nghiêm trọng đề xuất cấp có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Báo cáo hàng ngày tình hình diễn biến của dịch, thường xuyên theo hướng dẫn quy định. Tổ chức kiểm tra giám sát, hướng dẫn các địa phương và đánh giá việc triển khai công tác phòng chống dịch của các địa phương. Tiếp tục tăng cường giám sát các chùm ca bệnh Đậu mùa khỉ tại cộng đồng. Tiếp tục thực hiện giám sát các trường hợp nghi ngờ bệnh Đậu mùa khỉ tại các điểm giám sát trọng điểm, giám sát các trường hợp Đậu mùa khỉ tại các bệnh viện trên toàn tỉnh để kịp thời triển khai các biện pháp chống dịch. Chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp các trạm xá quân y đóng trên địa bàn và chính quyền các cấp triển khai quyết liệt công tác xử lý dịch, ngăn ngừa lây nhiễm tại khu vực nghi ngờ có nguồn lây bệnh (phun thuốc diệt khuẩn tại khu vực có nguồn lây…). Tổ chức khoanh vùng ổ dịch, triển khai các biện pháp phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ người dân trong khu vực có dịch. Tăng cường công tác khám tầm soát, lấy mẫu xét nghiệm tại các vùng có nguy cơ bùng phát dịch để kịp thời phát hiện sớm các ca bệnh mới và kịp thời triển khai các hoạt động phòng chống dịch hiệu quả. Duy trì các hoạt động báo cáo, các đội chống dịch thường xuyên để kịp thời ứng phó với diễn biến của dịch bệnh. Căn cứ tình hình diễn biến của dịch bệnh chủ động xây dựng nhu cầu kinh phí, hóa chất, sinh phẩm....trình các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt cấp bổ sung để bảo đảm cho công tác phòng chống dịch tiếp theo.
Để phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội, ngành Y tế khuyến cáo mỗi người dân cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời; đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ, cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ/mắc bệnh, động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác