13/09/2024 10:33
Trước những diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng, Sở Y tế Đắk Lắk đã chỉ đạo các đơn vị y tế trong và ngoài công lập triển khai các biện pháp tích cực, chủ động phòng chống nhằm kiểm soát sự gia tăng số ca mắc mới, không để tử vong do dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho học sinh.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 600 trường hợp mắc tay chân miệng, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch bệnh tay chân miệng cho cán bộ y tế thuộc Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở giáo dục chú trọng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong trường học. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh tay chân miệng với nhiều hình thức đa dạng; Giám sát chặt chẽ tình hình dịch tại cộng đồng và cơ sở y tế; kiểm tra giám sát các đơn vị về nội dung triển khai phòng chống dịch; phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch tay chân miệng trong trường học.
|
Nhân viên Y tế trường học tham gia lớp tập huấn về công tác y tế trường học do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức. (Ảnh: Quang Nhật)
|
Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế cần phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục tại địa phương triển khai các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng trong trường học; Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch tay chân miệng tại trạm y tế; yêu cầu các trạm y tế hướng dẫn các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và các cơ sở trông giữ trẻ… trên địa bàn xã, phường, thị trấn biết và thường xuyên thực hiện biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng, đặc biệt là vệ sinh khử khuẩn tại các cơ sở giáo dục.
|
Rửa tay thường xuyên là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh tay - chân - miệng. (Ảnh: Quang Nhật)
|
Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã cùng các trạm y tế tích cực, chủ động giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, tại các cơ sở y tế được phân công giám sát; tổ chức khoanh vùng, cách ly và xử lý ổ dịch kịp thời, không để dịch lan rộng. Đồng thời, tuyên truyền các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi cho trẻ để phòng chống bệnh tay chân miệng.
Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh cần đảm bảo đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, tập huấn cho cán bộ y tế về phác đồ cấp cứu và điều trị tay chân miệng; tổ chức tốt việc thu dung, sàng lọc, cấp cứu và điều trị bệnh nhân, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện, cố gắng không để xảy ra tử vong do dịch bệnh tay chân miệng.
Trước đó, vào trung tuần tháng 8/2024, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức các lớp tập huấn y tế trường học cho đội ngũ cán bộ y tế thuộc Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố, cán bộ là chuyên viên công tác tại Sở GD&ĐT; Phòng GD&ĐT; nhân viên y tế trong các trường ở các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh. Tham dự và chỉ đạo tại các lớp tập huấn y tế trường học, Thạc sĩ, bác sĩ CK II Hoàng Hải Phúc, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk khẳng định: bộ phận y tế chuyên trách trong các trường học là đội ngũ cán bộ không chỉ là người phản ứng nhanh trong các trường hợp sơ cứu ban đầu khi học sinh gặp tai nạn thương tích hay đau ốm thông thường mà còn quán xuyến cả vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm,… Khi có dịch bệnh, họ phải kịp thời nắm bắt chỉ đạo chuyên môn cấp trên để triển khai đến giáo viên, học sinh, thậm chí cả các bậc phụ huynh. Do vậy, trong thời điểm, các loại bệnh truyền nhiễm đang có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, đội ngũ nhân viên y tế trường học cần có sự phối hợp chặt chẽ và làm theo hướng dẫn của Ngành Y tế để nhanh chóng xử lý các tình huống khi dịch bệnh xảy ra ngay tại cơ sở; nhất là thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông giáo dục sức khỏe và quản lý sức khỏe học sinh, góp phần làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, thực hiện tốt chương trình Y tế trường học..
Theo bác sĩ Trần Kim Long, Phó phụ trách Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, hiện nay đang là thời gian bắt đầu năm học mới, có nhiều nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng nếu các trường học và đặc biệt các cơ sở giáo dục mầm non, nhà trẻ gia đình không thực hiện tốt các biện pháp cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống bệnh tay chân miệng. Do tính chất lây truyền, đặc biệt trong thời điểm trẻ tập trung vào năm học mới, điều kiện thời tiết thuận lợi, điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo là yếu tố thuận lợi cho sự lây lan và phát triển của dịch bệnh tay chân miệng. Trong đó, bệnh gặp chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi.
Bác sĩ Trần Kim Long cũng đưa ra một số dấu hiệu cảnh báo về bệnh tay chân miệng trở nặng, để người dân cần chú ý:
- Trẻ sốt trên 38,50c kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
- Giật mình: đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ chú ý quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
- Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, quấy khóc cả đêm không ngủ (Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp).
- Một số dấu hiệu khác: khó thở, nôn nhiều, nôn khan, khó nuốt, yếu chân tay, đi loạng choạng…
Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được xác định mức độ bệnh, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.
Để tích cực phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, học sinh, ngay từ đầu năm học mới, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mạnh mẽ người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:
Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
|
Cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín để tạo sức đề kháng tốt nhất cho trẻ. (Ảnh: Quang Nhật)
|
Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.
Bảo Trọng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác