20/09/2024 08:36
Phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là căn bệnh nguy hiểm, diễn biến âm thầm, tiến triển nặng dần và có thể gây ra các biến chứng, như tràn khí màng phổi, suy tim, suy hô hấp…thậm chí tử vong. Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể làm chậm tiến triển bệnh nếu người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị, có lối sống lành mạnh và không hút thuốc lá.
Trường hợp ông H.M.Đ, 65 tuổi, ở xã Ea Tam, huyện Krông Năng, có tiền sử hút thuốc lá đã hơn 50 năm. Ông mắc bệnh COPD từ nhiều năm trước, và từ khi mắc bệnh đến nay, trung bình mỗi năm ông Đ phải đến Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk từ 4 đến 5 lần để điều trị bệnh mỗi khi bệnh tái phát. Điều đáng nói, mặc dù các bác sĩ đã tư vấn, khuyên ông Đ nhiều lần về việc từ bỏ thuốc lá để bệnh COPD không tăng nặng nhưng ông Đ vẫn không cai được thuốc lá. Vì vậy, hiện nay, tình trạng bệnh của ông đã chuyển biến rất nặng, đáp ứng thuốc chậm, đến giai đoạn phải phụ thuộc oxi.
Trường hợp khác là ông L. N, 66 tuổi, ở xã Đắk Liêng, huyện Lắk, ông N cũng có thâm niên hút thuốc lá gần 50 năm nên việc từ bỏ thuốc lá đối với ông là điều vô cùng khó khăn. Cũng vì không bỏ được thuốc lá nên tình trạng COPD của ông cứ tái đi tái lại liên tục, bệnh ngày càng tiến triển nặng hơn. Gần đây sức khoẻ ông N yếu hẳn, không thể lao động hay làm những công việc nhẹ nhàng trong nhà vì ông thường xuyên bị khó thở, tức ngực và mệt mỏi. “Tôi cũng đã từng cai thuốc lá vài ba lần nhưng không thành công, tái đi tái lại liên tục. Khi lên sơn ho, khó thở, nhìn thuốc lá rất sợ nhưng khi bệnh đã ổn định, miệng nhợt nhạt lại không kiềm chế được cơn thèm thuốc”, ông L.N cho hay.
|
Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính điêu trị tại Bệnh viện Phổi Đắk Lắk. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Theo Tổ chức Y tế thế giới bệnh COPD là nguyên nhân tử vong xếp hàng thứ tư trên thế giới (sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não). Năm 2012 có hơn 3 triệu người chết do COPD, chiếm 6% tổng số ca tử vong trên toàn cầu. Tại Việt Nam tỉ lệ COPD là 6,7% dân số (cao nhất trong 12 nước ở khu vực châu Á Thái Bình Dương); tỉ lệ mắc COPD ở những người từ 40 tuổi trở lên là 4,2% (trong đó tỉ lệ mắc bệnh ở nam giới là 7,1% và nữ giới 1,9%). Bệnh không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ mà còn khiến người bệnh suy sụp về tinh thần vì phải điều trị suốt đời. Những yếu tố nguy cơ gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có thể kể đến, như: ô nhiễm môi trường ngoài trời, ô nhiễm môi trường không khí trong nhà như hít phải khí đốt nhiên liệu, bụi nghề nghiệp, hoá chất, nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên như bệnh viêm phổi, viêm phế quản, đặc biệt, những người hút thuốc lá, hút thuốc lào, hút thuốc lá thụ động nguy cơ mắc bệnh lên đến 90%. Người hút thuốc lá có tỷ lệ gây tàn phế và tử vong do phổi tắc nghẽn mãn tính cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc lá.
Tại Bệnh viện Phổi Đắk Lắk, trung bình một ngày bệnh viện điều trị nội trú từ 20-30 bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Bệnh nhân có độ tuổi từ 40 trở lên, chủ yếu nam giới, hầu hết những bệnh nhân này đều có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm. Bác sĩ CKII Rmah Lương – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Đắk Lắk cho biết: 100% bệnh nhân đến bệnh viện điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính đều là những người đã từng hoặc đang hút thuốc lá. Phụ nữ đang điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính dù không hút thuốc lá nhưng qua tìm hiểu thì thường xuyên hít khói thuốc từ những người hút thuốc trong gia đình.
“Nhiều bệnh nhân dù biết hút thuốc lá sẽ khiến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nặng hơn, ho nhiều hơn, mệt và khó thở hơn, tuy nhiên sau khi vừa điều trị dứt điểm thì bệnh nhân lại tiếp tục hút thuốc. Có trường hợp hôm nay xuất viện, ngày mai lại nhập viện do hút thuốc lá. Vòng lẩn quẩn đó cứ lặp đi lặp lại nhiều lần nên bệnh chỉ có tăng nặng dần”. Bác sĩ Rmah Lương cho biết thêm.
Cũng theo bác sĩ Rmah Lương, người mắc COPD thường có các triệu chứng ho khạc đờm. Ban đầu ho khạc đờm ít và khò khè nhẹ người bệnh không để ý đến không đi khám bệnh càng về sau người bệnh ho khạc đờm nhiều kèm theo khò khè khó thở, người mệt mỏi lúc này mới đi khám bệnh có thể bệnh ở giai đoạn III, IV. Đối với những người mắc bệnh COPD có hút thuốc lá hoặc thường xuyên hít khói thuốc lá làm suy giảm chức năng hô hấp, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tim, mạch dẫn đến hạn chế khả năng hoạt động và giảm chất lượng cuộc sống người bệnh. Do đó, đối với những bệnh nhân này, khi điều trị, điều đầu tiên bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân bỏ thuốc lá. Việc bỏ thuốc lá sẽ giúp tiến triển bệnh sẽ chậm lại, giảm đợt cấp, điều trị tối ưu hoá với mục đích bệnh nhân dễ thở, giảm tử vong.
Để phòng bệnh COPD, các bác sĩ khuyến cáo trước tiên là không hút thuốc, đang hút thuốc thì nên bỏ thuốc lá, những người không hút thì nên tránh xa những người hút thuốc lá vì khói thuốc lá, thuốc lào, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa thạch tín và rất nhiều chất hoá học độc hại khác làm gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp và gây ra các triệu chứng bùng phát bệnh. Nếu bị mắc phổi tắc nghẽn mãn tính, người bệnh nên cai thuốc lá ngay, không tiếp xúc với khói thuốc lá; khám sức khoẻ thường xuyên và tái khám theo lịch hẹn; tiêm vắc xin ngừa cúm hàng năm và vắc xin phế cầu 5 năm 1 lần là biện pháp hữu hiệu giúp giảm nhiễm trùng hô hấp và làm chậm tiến triển của bệnh.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác