24/09/2024 03:55
Khám sức khoẻ định kỳ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh tật. Thế nhưng hiện nay, việc khám sức khoẻ định kỳ chưa được người dân chú trọng. Thực tế đã có nhiều bệnh nhân phát hiện bệnh muộn khiến cho cơ hội điều trị bệnh bị giảm sút, tăng nguy cơ biến chứng và có khả năng tử vong cao.
Khám sức khoẻ định kỳ là việc kiểm tra sức khoẻ để đánh giá tổng quan tình trạng sức khoẻ của mỗi người. Các bác sĩ khuyến cáo tất cả mọi người nên khám sức khoẻ định kỳ ít nhất một năm 1 lần. Những trường hợp có triệu chứng bệnh thì phải đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Việc khám sức khoẻ định kỳ giúp phát hiện các vấn đề bất thường về sức khoẻ nếu có hoặc phát hiện bệnh vào giai đoạn sớm thì việc điều trị sẽ hiệu quả hơn, khả năng hồi phục sức khoẻ nhanh hơn, tiết kiệm được thời gian và chi phí điều trị. Tuy nhiên, thực tế hầu hết người dân ít có thói quen này, họ chỉ đi khám bệnh khi đã có những bất thường về sức khoẻ. Đơn cử như trường hợp ông N.P.B, 68 tuổi (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) miệt mài với công việc đồng áng mà chưa bao giờ đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Những khi trái gió, trở trời, cơ thể có dấu hiệu yếu, mệt, phát sốt thì giải pháp quen thuộc của ông là gọi người đến nhà truyền nước hoặc tự ý mua thuốc uống. Gần đây, ông bị đau bụng, bản thân tự chẩn đoán cho rằng do bưng bê nặng bị căng cơ gây đau bụng nên ông không đi kiểm tra sức khoẻ. Nhiều ngày sau đó, những cơn đau càng ngày càng tăng, tái đi tái lại nhiều lần trong ngày, không thể chịu đựng được nữa ông mới báo với gia đình để đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu. Sau khi được làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán ông bị viêm túi mật hoại tử phải phẫu thuật cấp cứu. “Trước đây tôi nghĩ có bệnh mới phải đi khám. Nhưng sau khi trải qua lần phẫu thuật này tôi nhận thấy phải khám sức khoẻ định kỳ thì mới biết được tình trạng sức khoẻ để có cách phòng tránh và kịp thời điều trị”, ông B chia sẻ.
|
Mọi người nên khám sức khoẻ định kỳ để hạn chế tối đa những thương tổn và ngăn ngừa biến chứng của bệnh lý. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Trường hợp khác là ông N.V.P (Xã Ia Tmốt, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với tình trạng bí tiểu, đau tức vùng lưng phải, đột quỵ lần 2 gây yếu liệt nửa người bên trái, suy thận sau thận do sỏi, bí tiểu do bàng quang thần kinh, nhiễm khuẩn đường tiết niệu kháng thuốc. Được biết, ông P phát hiện sỏi thận đã lâu nhưng không đến bệnh viện điều trị và cũng không đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ mà ở nhà tự mua thuốc uống cho tan sỏi. Một năm sau ông có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, đo huyết áp phát hiện huyết áp cao, ông tiếp tục tự mua thuốc huyết áp uống được 3 tháng thì đột quỵ. Ông P cho hay: “Khi bị sỏi thận tôi chủ quan không đến đúng bác sĩ chuyên khoa để khám bệnh, cũng không khám sức khoẻ định kỳ mà tự ý uống các loại thuốc nam, thuốc tan sỏi thời gian dài, bệnh không cải thiện mà tiến triển nặng hơn. Đến khi chuyển sang giai đoạn suy thận và đột quỵ thì sức khoẻ đã giảm sút, khó hồi phục, việc điều trị bây giờ cũng rất khó khăn, thời gian nằm viện dài”.
Rất may cả hai trường hợp nêu trên đều được cứu chữa kịp thời và qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên cũng có rất nhiều trường hợp đáng tiếc, bệnh nhân khi được chẩn đoán bệnh đã ở giai đoạn nặng. Lúc này y học chỉ có thể can thiệp để kéo dài sự sống hoặc giảm bớt đau đớn cho người bệnh chứ không thể điều trị khỏi.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng Khoa ngoại thận tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên: người dân hiện vẫn chưa chú trọng khám sức khoẻ định kỳ, thậm chí khi đã có bệnh rồi nhưng vẫn không kiểm tra tình trạng bệnh thường xuyên. Điển hình nhất là Khoa đang điều cho khoảng 150 bệnh nhân thì hầu hết bệnh nhân khi có triệu chứng mắc bệnh hoặc bệnh nặng mới đến bệnh viện để khám. Cũng do không khám sức khoẻ định kỳ nên có khoảng 40% bệnh nhân nhập viện khi cơ thể đã có nhiều biến chứng nguy hiểm, việc điều trị kéo dài và sức khoẻ cũng khó hồi phục.
“Biện pháp đơn giản và khoa học nhất để phát hiện bệnh sớm, hạn chế tối đa những thương tổn và ngăn ngừa biến chứng của bệnh lý là kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Mỗi người nên đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần, đặc biệt là những người cao tuổi cần được khám sức khoẻ thường xuyên hơn, bởi ở độ tuổi này sức đề kháng và khả năng hấp thu dinh dưỡng đã giảm nhiều, các chức năng của cơ thể cũng không còn hoạt động tốt như trước. Do đó họ dễ mắc bệnh và thường gặp là: mỡ máu, tiểu đường, tim mạch, loãng xương… Nguy hiểm hơn là các bệnh ác tính như ung thư tử cung, ung thư dạ dày…Hoặc những người có bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch cần được theo dõi 3-6 tháng một lần hoặc theo lời khuyên của các bác sĩ. Nên khám sức khỏe định kỳ cho dù có bệnh hay không. Việc làm này không chỉ là để theo dõi tình hình sức khỏe hiện tại mà còn sớm phát hiện bệnh, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời giúp người bệnh vừa tiết kiệm chi phí vừa phòng chống bệnh tốt hơn. Đối với những trường hợp có bệnh, đang điều trị và theo dõi thì cần đi khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để có hướng điều trị và xử lý kịp thời khi bệnh có chiều hướng xấu”, bác sĩ Hoàng khuyến cáo./.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác