25/09/2024 09:23
Khói thuốc lá có chứa tới 7.000 loại hóa chất. Trong số này, có hàng chục chất là tác nhân gây ung thư với những thành phần điển hình như nicotine, carbon monoxide, xyanua, chì… Khi người phụ nữ mang thai, dù chủ động hay thụ động hít phải khói thuốc lá, những chất độc hại này sẽ truyền lại cho thai nhi gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Hiểu rõ tác hại của khói thuốc lá, nên khi mang thai, chị T.M.T (trú tại phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) rất chú ý bảo vệ sức khỏe của mình tránh khói thuốc lá. Tuy nhiên, theo chị T, hiện nay tại các điểm công cộng như quán cà phê, nhà hàng, quán ăn nhiều người còn vô tư hút thuốc lá gây ảnh hưởng rất lớn tới những người xung quanh khiến chị rất khó chịu. “Thuốc lá gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe nên trước khi chuẩn bị mang thai, chồng tôi đã bỏ hẳn thuốc lá để tạo môi trường tốt nhất cho sự phát triển của con. Tôi biết hút thuốc lá là quyền của mỗi người, không thể cấm. Nhưng hi vọng nhà nước sẽ có biện pháp để việc hút thuốc lá không còn phổ biến như hiện nay nhằm bảo vệ sức khỏe của mỗi người, nhất là phụ nữ mang thai và trẻ em là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng của khói thuốc lá”, chị T chia sẻ.
|
Khói thuốc lá mang lại nhiều hệ lụy cho sức khỏe của phụ nữ mang thai cũng như ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.
|
Bác sĩ CKII Nguyễn Quang Hùng – Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cho biết: Mang thai là một hành trình kỳ diệu, là món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho người phụ nữ. Tuy nhiên, có một kẻ thù thầm lặng đang đe dọa đến sự an toàn và hạnh phúc của cả mẹ và bé, đó chính là thuốc lá. Đối với người lớn trưởng thành, hút thuốc là có thể ảnh hưởng đến sức khỏe như mắc các bệnh về phổi, tim mạch… Riêng đối với phụ nữ mang thai và thai nhi, tác hại do khói thuốc lá gây ra là khôn lường. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, việc hút thuốc lá trong thai kỳ, dù là trực tiếp hay hít phải khói thuốc (hút thụ động), đều gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, nguy cơ sẩy thai và thai chết lưu tăng cao bởi các chất độc hại trong thuốc lá làm giảm lượng oxy cung cấp cho thai nhi, gây tổn thương nhau thai và tăng nguy cơ sẩy thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ. Khói thuốc lá làm co mạch máu tử cung, giảm cung cấp máu cho thai nhi, dẫn đến sinh non và trẻ sinh ra thường nhẹ cân. Bên cạnh đó, các chất độc hại trong thuốc lá có thể gây ra các dị tật bẩm sinh ở thai nhi, đặc biệt là ở hệ thần kinh, tim mạch và hô hấp. Khói thuốc lá làm nguy cơ trẻ sơ sinh tử vong đột ngột cao hơn ở những trẻ có mẹ hút thuốc trong thai kỳ. Trẻ sinh ra từ mẹ hút thuốc thường chậm phát triển về thể chất và trí tuệ so với trẻ bình thường và có nguy cơ cao hơn mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Nicotine và các chất độc khác có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của thai nhi, dẫn đến các vấn đề về hành vi và học tập. Ngoài ra, thuốc lá còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác cho mẹ bầu như: nhau tiền đạo, vỡ ối sớm, tăng huyết áp thai kỳ, giảm khả năng sản xuất sữa mẹ... Hút thuốc lá trong thai kỳ còn liên quan đến nguy cơ cao bị tiền sản giật và nhau tiền đạo.
Để bảo vệ trẻ lúc mang thai, khi chào đời, cho đến lúc trưởng thành, bác sĩ Hùng khuyến cáo: Đối với phụ nữ mang thai, đặc biệt là những người hút thuốc hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc, việc chăm sóc sức khỏe là vô cùng cần thiết. Thuốc lá mang lại nhiều hệ lụy cho sức khỏe, do đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo đối với phụ nữ mang thai cần ngừng hút thuốc lá trong thai kỳ là cần thiết để giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh bởi không có mức độ an toàn nào của việc hút thuốc lá trong thai kỳ. Việc cai thuốc có thể khó khăn, nhưng vì sức khỏe của con, các mẹ hãy cố gắng hết mình. Quá trình mang thai, thai phụ nên tránh xa khói thuốc thụ động. Đồng thời có chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cả mẹ và bé, đặc biệt là axit folic, sắt, canxi. Khám thai định kỳ, đúng lịch để theo dõi sự phát triển của thai nhi và phát hiện sớm các vấn đề bất thường. Ngoài ra, các bà mẹ nên giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc, tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn giúp cải thiện sức khỏe, giảm căng thẳng và chuẩn bị tốt cho quá trình sinh nở. “Một thai kỳ khỏe mạnh là món quà vô giá mà mỗi người mẹ đều mong muốn. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và thai nhi, phụ nữ mang thai tuyệt đối không nên hút thuốc và tránh tiếp xúc với khói thuốc. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc cai thuốc, hãy tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ hoặc các chuyên gia tư vấn”, bác sĩ Hùng chia sẻ thêm.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác