25/09/2024 04:02
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Do đó, để bảo vệ sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em, sắp tới Bộ Y tế sẽ bổ sung tiêm thêm một liều vắc xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia.
Theo đó, để triển khai tiêm chủng vắc xin Uốn ván - Bạch hầu (Td) trong Chương trình TCMR trên phạm vi toàn quốc, ngày 24/9, Cục Y tế dự phòng đã ban hành công văn đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm đầu mối phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực hướng dẫn các tỉnh, thành phố tổ chức tiêm vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi trong tháng 9/2024. Đồng thời trao đổi, thống nhất đề xuất phân bổ 1.377.000 liều Td cho toàn bộ 63 tỉnh, thành phố báo cáo về Cục Y tế dự phòng xem xét, phê duyệt; phân bổ ngay đến các tỉnh, thành phố sau khi được phê duyệt để sẵn sàng triển khai từ tháng 10/2024.
|
Sắp tới, Bộ Y tế sẽ triển khai tiêm thêm 1 mũi vắc xin bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ 7 tuổi. (ảnh: Đình Thi)
|
Bác sĩ Lê Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu đã được triển khai trong Chương trình TCMR ở nước ta từ năm 1985. Hiện nay, vắc xin có chứa thành phần bạch hầu đã triển khai tiêm trong chương trình với 3 liều để tạo miễn dịch cơ bản khi trẻ 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi, 4 tháng tuổi và 1 liều nhắc lại khi trẻ 18-24 tháng tuổi. Đến nay, căn cứ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và theo xu hướng quốc tế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BYT, trong đó bổ sung thêm một liều vắc xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ 7 tuổi. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Như vậy, Việt Nam sẽ triển khai tiêm 5 liều vắc xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ từ 2 tháng tuổi, lịch tiêm này hoàn toàn phù hợp theo khuyến cáo của Tổ chức WHO nhằm tạo miễn dịch lâu dài, cũng như lịch tiêm chủng của quốc gia trên thế giới, đảm bảo mức độ miễn dịch cơ bản cần thiết cho trẻ em ở Việt Nam trong các độ tuổi quan trọng. Tại Đắk Lắk, theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2019 toàn tỉnh ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Năm 2020, Đắk Lắk ghi nhận 6 trường hợp mắc bạch hầu tại huyện Cư M’gar. Sau đó, được sự hỗ trợ của Trung ương và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, ngành Y tế đã tích cực triển khai đồng loạt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu như tiêm chủng vắc xin cho tất cả các đối tượng. Và từ năm 2021-2023, tỷ lệ bao phủ vắc xin bạch hầu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đạt trên 94%. “Khác với các tỉnh khác, do từ năm 2021-2023, toàn tỉnh đã được bao phủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu, nên số lượng trẻ 7 tuổi trên địa bàn tỉnh được tiêm phòng bạch hầu đạt tỷ lệ khá cao. Tuy nhiên, để đảm bảo các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng đều được tiêm phòng đầy đủ, thời gian tới, CDC sẽ tiến hành rà soát và triển khai tiêm vắc xin bạch hầu cho những trẻ 7 tuổi chưa được tiêm phòng nhằm tạo sự miễn dịch tốt nhất cho trẻ”, bác sĩ Lê Phúc nhấn mạnh.
Bạch hầu là một bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Vi khuẩn bạch hầu sản sinh ra độc tố gây tổn thương đường hô hấp trên và có thể lan ra toàn cơ thể, gây biến chứng nghiêm trọng. Hiện nay, đã có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, do bệnh vẫn chưa được loại trừ ở Việt Nam nên việc tiêm vắc xin phòng bệnh là biện pháp phòng ngừa quan trọng và hiệu quả nhất. Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm các vaccine có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch, để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm, đưa trẻ tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể. Người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định cũng như khuyến cáo của cơ quan y tế. Người dân cần tiếp nhận thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng chính thống, không hoang mang, không tự ý tiêm chủng vắc xin chứa thành bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của của cơ quan y tế trong vùng có dịch và theo hướng dẫn của từng loại vắc xin có chứa thành phần bạch hầu.Trong trường hợp cần thiết, người dân nên liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn về các biện pháp phòng bệnh, đảm bảo thực hiện tiêm chủng đúng đối tượng, đúng liều và đúng thời điểm cũng như an toàn, hiệu quả phòng bệnh.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác