04/10/2024 02:10
Sinh năm 1964, từng có hơn 20 năm “nghiện” thuốc lá nặng, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm bác sĩ Nguyễn Viết Lý, trưởng Trạm Y tế xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar đã bỏ thuốc thành công. Không những thành công trong việc bỏ thuốc lá mà chính ông còn tư vấn giúp cho nhiều người “cai nghiện” thuốc lá, góp phần không nhỏ trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Tâm sự về câu chuyện “cai thuốc lá” của mình, bác sĩ Nguyễn Viết Lý cho biết, bản thân hút thuốc lá từ lúc còn rất trẻ với loại thuốc lá tự cuốn. Ban đầu chỉ là sự tò mò, khám phá với mong muốn trải nghiệm cảm giác của khói thuốc với nhóm bạn cùng trang lứa, nhưng rồi dần dần tạo thành một thói quen khó bỏ.
“Đến năm 18 tuổi, tôi đã lệ thuộc hoàn toàn vào thuốc lá lúc nào không hay. Khi đi học tại trường Đại học và đi làm thói quen hút thuốc lá vẫn được duy trì hằng ngày. Đặc biệt, cứ mỗi lần đi trực ca, hay những đêm khó ngủ, tôi lại sử dụng thuốc lá nhiều hơn, với mức độ tăng lên từ 10 điếu, 20 điếu, rồi đến 30 điếu thuốc/ngày. Không chỉ “lén lút” hút thuốc ở cơ quan mà về nhà sau các bữa ăn tôi lại tìm đến thuốc lá, một lần hút từ 2 đến 3 điếu”, bác sĩ Lý chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Lý, việc hút thuốc lá lâu dài đã khiến ông luôn trong tình trạng hay bị ho, ốm vặt, đôi lúc cảm thấy khó thở, răng vàng... Hơn nữa, hút thuốc cũng gây nhiều bất tiện, không thể chú tâm trong công việc, mất thời gian và tiêu tốn nhiều tiền bạc. Đặc biệt, vốn là một bác sĩ hơn ai hết bản thân ông cũng hiểu rất rõ về tác hại của hút thuốc lá, cũng như hít phải khói thuốc lá.
“Tôi cũng đã từng nghĩ đến bỏ thuốc, nhưng với tính chất đặc thù của công việc, phải trực đêm, thức khuya để nghiên cứu, đã nhiều lần khiến tôi không thể rời bỏ được thuốc lá. Tuy nhiên, do gia đình, bạn bè người thân khuyên nhủ và cảm thấy sức khoẻ giảm xuống nhiều nên tôi quyết tâm từ bỏ. Đầu năm 2004, trong một đợt ho kéo dài gần 20 ngày đã thôi thúc tôi nhanh chóng từ bỏ thuốc lá và đã thành công từ đó đến nay”, bác sĩ Lý tâm sự.
|
Bác sĩ Nguyễn Viết Lý tư vấn cho nhiều người tự bỏ thuốc lá thành công.
|
Chia sẻ kinh nghiệm cai nghiện thuốc lá của mình, bác sĩ Lý cho biết, thời gian đầu tôi áp dụng biện pháp giảm dần sự lệ thuộc vào thuốc lá bằng cách chơi thể thao, ngậm kẹo…sau đó là bỏ hẳn. Tuy nhiên, những ngày đầu thì thấy rất áp lực vì thuốc lá đã từng trở thành thói quen trong sinh hoạt. Do vậy, trong người thường rất khó chịu, mỗi ngày 3 đến 4 lần xuất hiện trạng thái thẫn thờ. Trong quá trình bỏ thuốc lá không thể tránh khỏi những tác động đến sức khỏe như ho khạc kéo dài, tăng cân, cơ thể cảm thấy mệt mỏi, ốm yếu... Tuy nhiên, các triệu chứng đó dần mất đi, cơ thể tôi trở về trạng thái bình thường khi ăn uống điều độ và kết hợp tập luyện thể dục thể thao.
“Sau khi bỏ thuốc lá cảm giác mệt mỏi, thẫn thờ không còn, những cơn ho hay khặc đờm dần mất hết, ban đêm không còn cảm giác khó thở mà giấc ngủ ngon hơn, cảm giác ăn ngon miệng. Sau 2 tháng thấy tăng cân, da dẻ hồng hào, người hoạt bát, khỏe mạnh, đam mê công việc hơn, về gia đình thấy vợ con vui vẻ. Bây giờ tôi thấy rất yêu đời, tôi muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân”, bác sĩ Lý vui mừng chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Lý, việc cai thuốc lá thành công hay không, trước tiên là tùy thuộc vào sự quyết tâm của mỗi người. Đa số những người nghiện thuốc lá đều có một vài lần nghĩ đến những tác hại của khói thuốc gây ra để áp dụng các biện pháp từ bỏ hút thuốc. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công do sự quyết tâm của bản thân không đủ lớn. Thậm chí tìm mọi lý do để biện minh cho sự thất bại của mình. Muốn cai nghiện thuốc lá, yếu tố đầu tiên cần phải có và mang tính quyết định đó là sự quyết tâm và niềm tin mới có thể thành công.
“Có nhiều lý do dẫn đến tái nghiện, đôi khi chỉ là sự cả nể với bạn bè. Nhiều người thường nghĩ tái nghiện là thất bại trong việc cai thuốc lá. Nhưng theo nghiên cứu của Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá thì có khoảng 90% người cai thuốc lá lần đầu tiên bị tái nghiện. Tuy nhiên, việc tái nghiện đó là bước đầu tiên để đi đến cai thuốc lá thành công. Rất ít người từ bỏ ngay lập tức mà phải xây dựng kế hoạch cụ thể và thực hiện từng bước từ bỏ thuốc lá. Điều đó sẽ khiến cho cơ thể dần thích nghi và ít chịu sự tác động hơn so với phương pháp bỏ ngay lập tức và hiệu quả thành công sẽ cao hơn. Tuy nhiên sự quyết tâm của người muốn từ bỏ thuốc lá cũng cần phải được duy trì bền bỉ hơn.” Bác sĩ Lý chia sẻ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, 50% người hút thuốc lá sẽ chết sớm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, tuổi thọ trung bình giảm khoảng 15 năm so với người không hút thuốc lá. Cai thuốc lá sớm giúp làm chậm tiến triển của các loại bệnh liên quan đến thuốc lá. Người cai thuốc lá sẽ cảm nhận được lợi ích của cai thuốc lá rất nhanh.
Hy vọng, với muôn vàn lợi ích của việc bỏ thuốc lá mang lại, mọi người hãy vì sức của chính bản thân, của những người thân trong gia đình và những người xung quanh mà nên có kế hoạch cho bản thân để bỏ thuốc lá. Bỏ thuốc lá cũng không quá khó, không thể không thực hiện được, thậm chí có thể là đơn giản. Tuy nhiên cần phải có quyết tâm cao, có ý chí vững thì sẽ bỏ được thuốc lá.
Bảo Trọng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác