25/10/2024 08:38
Thời gian vừa qua, TP. Buôn Ma Thuột là địa phương ghi nhận số trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh như sốt xuất huyết (SXH), sởi, tay chân miệng cao của tỉnh. Trước diễn biến phức tạp của các dịch bệnh, TP. Buôn Ma Thuột đã và đang tích cực cùng chính quyền các cấp triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống để khống chế, không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột, tính đến ngày 24/10, tại TP. Buôn Ma Thuột ghi nhận 170 trường hợp bệnh nhân mắc tay chân miệng; 187 trường hợp bệnh nhân mắc sởi và hơn 2.000 bệnh nhân mắc SXH, trong đó có 1 trường hợp tử vong với 64 ổ dịch. Bác sĩ Võ Minh Hùng – Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Hiện nay, các dịch bệnh trên địa bàn thành phố có diễn biến phức tạp. Do đó, Trung tâm Y tế đã tập trung toàn bộ nguồn lực để khống chế mức độ bùng phát và triển khai cấp bách các biện pháp phòng chống SXH, sởi cũng như tay chân miệng. Đối với bệnh sởi, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, Trung tâm Y tế đã chỉ đạo các xã, phường tiến hành rà soát, thống kê số trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vắc xin phòng sởi. Đồng thời, nhanh chóng tổ chức chiến dịch tiêm bù, tiêm vét trên toàn địa bàn thành phố. Đến nay, đã có hơn 1.800 mũi tiêm vắc xin sởi được triển khai tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi, đạt tỷ lệ hơn 83%. Số trẻ còn lại chưa được tiêm, các đơn vị đang tích cực rà soát, tiêm bổ sung để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ. Đối với dịch bệnh SXH, để công tác phòng, chống dịch bệnh này đạt hiệu quả, Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột đã chỉ đạo các trạm y tế kết hợp với cộng tác viên y tế thôn, buôn, tổ dân phố tiến hành giám sát chặt chẽ ca bệnh, giám sát các khu vực có ổ dịch cũ và khu vực có yếu tố nguy cơ cao để xử lý kịp thời. Ngày 19/10 vừa qua, Trung tâm cũng đã phát động chiến dịch dọn dẹp vệ sinh môi trường trên toàn bộ 21 xã, phường của thành phố. Đồng thời củng cố, duy trì đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng, chống SXH từ cấp thành phố đến các xã, phường và đội ngũ cộng tác viên phòng, chống SXH; Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất diệt muỗi, máy phun hóa chất, để sẵn sàng đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch. “Hiện nay, Trung tâm chỉ có 1 máy phun đeo vai phục vụ phun hóa chất diệt muỗi. Trước tình hình dịch bệnh gia tăng trên diện rộng, để công tác phòng, chống dịch SXH đạt hiệu quả, Trung tâm đã đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp triển khai phun tại các ổ dịch. Bên cạnh đó, vào thứ 7, chủ nhật hằng tuần, chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy tại các xã, phường sẽ tiếp tục duy trì đến hết năm 2024 để tăng hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH”, bác sĩ Hùng chia sẻ.
|
Người dân trên địa bàn phường Tân Lập cùng chung tay dọn dẹp vệ sinh môi trường phòng chống SXH.
|
Là một trong những địa bàn ghi nhận số trường hợp mắc SXH cao trên địa bàn thành phố với 255 trường hợp, những ngày qua, công tác phòng, chống dịch bệnh được cán bộ Trạm Y tế phường Tân Lập cũng như người dân hết sức quan tâm. Theo bà Phan Thị Vân – Phó Trưởng trạm Phụ trách Trạm Y tế phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, Trạm đẩy mạnh tuyên truyền trên loa đài địa phương, đưa thông tin vào các hội nhóm Zalo, Facebook khuyến khích người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Hưởng ứng chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, những ngày qua, toàn bộ người dân của 10 tổ dân phố, 2 buôn thuộc phường Tân Lập đã đồng loạt ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, loại bỏ các chỗ nước đọng với khẩu hiệu hành động “Không có loăng quăng, không có muỗi sẽ không có SXH”.
|
Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột cùng Trạm Y tế phường Tân Lập tuyên truyền người dân phòng chống SXH với khẩu hiệu "Không có lăng quăng,bọ gậy thì không có SXH".
|
Tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, chị Trần Minh Anh (trú tại phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), cho biết: Mấy tuần trước nhà chị có người bị SXH phải điều trị ở bệnh viện. Vì bệnh nặng nên gia đình chị ai cũng lo lắng và biết mức độ nguy hiểm của bệnh SXH. Do đó, chị và các thành viên trong gia đình ý thức hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh. “Tổ dân phố kêu gọi mọi người cùng chung tay dọn dẹp vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, dọn dẹp sạch sẽ, tạo không gian thoáng đãng ở nơi làm việc, sinh sống, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng/bọ gậy, muỗi, ý thức được tầm quan trọng của chiến dịch này nên dù bận buôn bán, các thành viên trong gia đình tôi vẫn sắp xếp thời gian và tham gia tích cực với mong muốn cùng mọi người lan tỏa thông điệp phòng, chống dịch bệnh SXH”, chị Minh Anh nói.
Để hạn chế thấp nhất người mắc SXH, sởi cũng như các dịch bệnh khác trong thời gian tới, một số giải pháp trọng tâm tiếp tục được Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột tiếp tục triển khai, đó là tiếp tục tham mưu cho Sở Y tế cũng như UBND thành phố các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và tập trung các nguồn lực, quyết tâm khống chế dịch bệnh SXH, sởi cũng như các bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn; Khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch bệnh; tăng cường các biện pháp giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để khoanh vùng xử lý ổ dịch, cách ly, điều trị kịp thời, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương vận động và cùng với người dân tham gia phòng chống dịch bệnh SXH trên toàn thành phố; Tăng cường và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, truyền thông phòng, chống dịch bệnh như truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình; truyền thông gián tiếp qua xe loa, qua hệ thống loa công cộng, qua phát thanh, truyền hình... để người dân nâng cao ý thức cùng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác