15/11/2024 04:30
Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa, có đặc điểm tăng glucose máu mạn tính do tuyến tụy không bài tiết đủ insulin hoặc hormon insulin không hoạt động bình thường hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.
Vì sao cần tầm soát bệnh đái tháo đường?
Bệnh đái tháo đường gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi. Đáng lưu ý, có tới 70% trường hợp đái tháo đường típ 2 có thể dự phòng hoặc làm chậm xuất hiện bệnh bằng chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất, giữ cân nặng hợp lý và có lối sống lành mạnh.
Đáng lo ngại là đái tháo đường típ 2 diễn tiến âm ỉ, âm thầm và nhiều khi bệnh nhân mới được chẩn đoán đã có biến chứng của bệnh, có những bệnh nhân lần đầu tiên được chẩn đoán bệnh đã mắc những biến chứng nặng nề của bệnh đái tháo đường. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm bệnh đái tháo đường típ 2 giúp làm giảm bớt gánh nặng điều trị, giảm mức độ trầm trọng của bệnh và phòng chống một cách hiệu quả những biến chứng nặng nề của đái tháo đường.
|
Xét nghiệm đường máu mao mạch sàng lọc đái tháo đường.
|
Ai nên xét nghiệm đường máu để tầm soát đái tháo đường?
Bộ Y tế khuyến cáo làm xét nghiệm để tầm soát, phát hiện đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường ở người lớn không có triệu chứng, biểu hiện lâm sàng:
a) Người trưởng thành ở bất kỳ tuổi nào có thừa cân hoặc béo phì (BMI ≥ 23 kg/m2) và có kèm một trong số các yếu tố nguy cơ sau:
- Có người thân đời thứ nhất (bố mẹ, anh chị em ruột, con đẻ) bị đái tháo đường.
- Tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch.
- Tăng huyết áp.
- HDL cholesterol <35mg/dL (0,9mmol/L) và hoặc triglyceride >250mg/dL (2,8 mmol/L).
- Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang.
- Ít hoạt động thể lực.
- Các tình trạng lâm sàng khác liên quan với kháng insulin (như dấu gai đen: acanthosis nigricans).
b) Phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ cần theo dõi lâu dài, xét nghiệm ít nhất mỗi 3 năm.
c) Tất cả mọi người từ 45 tuổi trở lên.
d) Nếu các kết quả bình thường, xét nghiệm sẽ được làm lại trong vòng 1-3 năm sau hoặc ngắn hơn tùy theo kết quả ban đầu và các yếu tố nguy cơ.
“Mọi người đừng quên làm xét nghiệm đường máu định kỳ hàng năm để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường”.
Mỹ Anh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác