20/11/2024 02:38
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 7 trường hợp tử vong nghi do dại và các bệnh nhân đều không tiêm phòng vắc xin sau khi bị chó cắn, mèo cào. Bệnh dại khi đã lên cơn tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Do đó, người dân cần nghiêm túc thực hiện việc tiêm phòng dại để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, tính từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận 7/7 trường hợp mắc và tử vong do dại, trong đó huyện Krông Pắc 3/3, Krông Búk 1/1 và huyện Cư M’gar 3/3, tăng 03 trường hợp so với năm 2023. Ông Nguyễn Bá Quang – Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Địa bàn huyện vừa ghi nhận một trường hợp tử vong nghi do dại tại xã Ea Tar. Từ đầu năm đến nay, đây là trường hợp tử vong do nghi do dại thứ 3 trên địa bàn huyện. Điều đáng nói, tất cả các trường hợp tử vong đều bị chó cắn và không đi tiêm phòng vắc xin. Mặc dù đã đẩy mạnh tuyên truyền nhưng thực tế, nhiều người dân trên địa bàn huyện vẫn còn chủ quan trước bệnh dại. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho đàn chó, mèo trên địa bàn cũng còn thấp, khiến việc phòng, chống bệnh dại gặp không ít khó khăn. “Sau khi ghi nhận trường hợp tử vong do dại, Trung tâm đã nhanh chóng phối hợp với thú y địa phương và xã Ea Tar tiến hành điều tra, rà soát để tiêm phòng cho đàn chó tại xã. Đồng thời tích cực tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại”, ông Nguyễn Bá Quang - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar, chia sẻ.
|
Cán bộ thú y tiến hành điều tra, rà soát để tiêm phòng cho đàn chó trên địa bàn huyện Cư M'gar. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Thầy thuốc ưu tú, Th.s, Bs Hoàng Hải Phúc – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, đánh giá: Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do dại trên người chủ yếu là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và vắc xin hoặc tiêm muộn, không đúng chỉ định. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương chưa chặt chẽ. Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh dại, ngay sau khi ghi nhận trường hợp thứ 7 tử vong nghi do dại trên địa bàn huyện Cư M’gar, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã ban hành công văn về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn huyện này. Trong đó, CDC đề nghị huyện Cư M’gar chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn; tuyên truyền và vận động người dân đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng vắc xin dại kịp thời. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật, đặc biệt chú ý truyền thông về việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận. Tăng cường tiếp cận của người dân với vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại trên người, đặc biệt đối với các đối tượng có nguy cơ cao, người đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo trên địa bàn. Bên cạnh đó phối hợp với phòng Chăn nuôi và thú y huyện để triển khai hiệu quả, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật, nhằm chủ động phòng chống lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người. Ngoài ra, CDC cũng đề nghị UBND huyện Cư M’gar chỉ đạo phòng Chăn nuôi và thú y huyện phối hợp với các đơn vị y tế trong công tác giám sát và xử ý ổ dịch dại trên động vật, kịp thời chia sẻ thông tin để chủ động phòng chống lây nhiễm sang người, tăng cường truyền thông cho người nuôi chó, mèo các biện pháp đảm bảo an toàn cho người ở các khu vực công cộng, tránh để trường hợp chó cắn người gây hậu quả nghiêm trọng; truyền thông về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho động vật để tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin trên ít nhất 70% tổng đàn theo mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030 nhằm góp phần quan trọng trong việc loại trừ bệnh dại trên người.
Hiện nay, tình hình bệnh dại trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, các ổ dịch bệnh dại ghi nhận ở nhiều địa phương, tuy nhiên, bên cạnh những người dân chấp hành đúng các biện pháp phòng, chống bệnh dại thì vẫn còn rất nhiều người dân chủ quan, không chịu đi tiêm phòng vắc xin hoặc huyết thanh sau khi bị chó cắn, mèo cào để xảy ra nhiều trường hợp tử vong rất thương tâm. Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% ở cả người và động vật. Tuy nhiên, bệnh dại có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin. Do vậy khi bị chó mèo cắn, cào người bệnh cần tiêm vắc xin phòng dại sớm nhất có thể giúp tạo ra miễn dịch cho cơ thể ngăn chặn vi rút dại tấn công vào hệ thống thần kinh trung ương. Hiện nay vắc xin phòng dại đảm bảo được tính an toàn và hiệu quả cao, không có hại cho sức khỏe kể cả với phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh, người mắc các bệnh lý mạn tính... Do vậy khi bị chó mèo cào, cắn người bệnh cần chủ động đến cơ sở y tế để được xử lý và hướng dẫn tiêm phòng theo quy định. Ngay sau khi chó mèo cào, cắn thời điểm tiêm tốt nhất là trong vòng 6 giờ đầu tiên.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác