02/12/2024 02:19
Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS là ngày lễ quốc tế diễn ra vào ngày 01 tháng 12 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức về nạn dịch AIDS do việc lây nhiễm HIV và để tưởng nhớ các nạn nhân đã chết vì HIV/AIDS. Chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống AIDS do Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đề ra năm 2024 là “Take the Rights Path” - Đảm bảo quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.
UNAIDS nhấn mạnh rằng, với việc đặt con người làm trung tâm và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, thế giới có thể chấm dứt AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.
“Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS” được James W. Bunn và Thomas Netter, hai viên chức thông tin đại chúng cho “Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS” của Tổ chức Y tế Thế giới tại Genève, Thụy Sĩ đưa ra ý tưởng lần đầu vào tháng 8 năm 1987. Bunn và Netter nêu ý kiến của họ cho Dr. Jonathan Mann, Giám đốc Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS (nay gọi là Chương trình chung của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS). Dr. Mann thích sáng kiến này, đã chấp thuận và đồng ý với khuyến nghị về việc tổ chức “Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS” đầu tiên vào ngày 1 tháng 12 năm 1988.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hải Sơn, Phó Cục trưởng
Cục Phòng chống HIV/AIDS, Tại Việt Nam, ước tính hiện nay có khoảng 267.000 người đang sống chung với HIV. Đến nay, đã có 100% số tỉnh, thành phố; 701/705 quận/huyện có người nhiễm HIV (chiếm 99,43%) và trên 96% số xã/phường báo cáo có người nhiễm HIV/AIDS. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 11.421 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.263 trường hợp tử vong. Dịch HIV/AIDS vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhất là trong những năm gần đây, hình thái lây nhiễm HIV có sự thay đổi rõ rệt từ lây truyền qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy sang lây truyền qua đường tình dục; nhất là ở nhóm MSM (nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới) liên tục chiếm tỷ lệ cao trong số mới phát hiện hằng năm (trên 40%).
Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đặt ra 3 mục tiêu 95-95-95: 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; và 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. So với mục tiêu 95-95-95, Việt Nam đang phấn đấu và đã đạt được từng chỉ tiêu cụ thể: 87% người biết tình trạng nhiễm HIV; 79% người biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị ARV và 95% người được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.
Để đạt các mục tiêu đã đề ra, công tác phòng chống HIV/AIDS đã được triển khai đồng bộ, có trọng điểm. Trong năm 2024, việc giám sát ca bệnh được triển khai đồng bộ tại 63/63 tỉnh, thành phố thông qua hệ thống HIV-INFO 4.0. Đã có 100% người nhiễm HIV được quản lý trên hệ thống HIV-INFO 4.0. Việc giám sát trọng điểm HIV triển khai tại 20/63 tỉnh thành phố theo Quyết định số 64/QĐ-AIDS về việc ban hành Hướng dẫn địa bàn, đối tượng, phương pháp chọn mẫu và quy trình tổ chức triển khai giám sát trọng điểm. Các hoạt động và mô hình tư vấn, xét nghiệm HIV được triển khai đa dạng. Toàn quốc hiện có hơn 1.300 phòng xét nghiệm sàng lọc và 251 phòng xét nghiệm khẳng định HIV: Tuyến Trung ương có 31 phòng; tuyến tỉnh 80 phòng, tuyến huyện 136 phòng, tư nhân có 4 phòng xét nghiệm. Việc xét nghiệm nhiễm mới HIV được triển khai tại 50/63 tỉnh, thành phố. Kết quả nhiễm mới HIV nhằm cung cấp các bằng chứng khoa học cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Kết quả này cung cấp dữ liệu cấp độ quần thể về nhiễm mới HIV để phân tích nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, xác định điểm nóng cần lập kế hoạch dự phòng và đáp ứng y tế công cộng.
Cùng với đó là việc triển khai đồng bộ báo cáo định kỳ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS qua hệ thống phần mềm báo cáo Thông tư số 05 xuống các tuyến tỉnh/huyện/xã. Số liệu báo cáo được cập nhật đầy đủ định kỳ theo quý, chất lượng số liệu được cải thiện và nâng cao, số liệu báo cáo được sử dụng thường xuyên trong việc lập kế hoạch triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý điều hành và quản lý chuyên môn trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS được tích cực triển khai. Kế hoạch xây dựng hệ thống thông tin y tế và chuyển đổi số hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2024-2030 đã được triển khai đồng bộ.
Dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm mới nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn tồn tại và sự hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư còn thấp, là rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của người nhiễm HIV và các nhóm đích nguy cơ cao.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong năm 2024 có 92 trường hợp HIV được phát hiện nội tỉnh, 20 bệnh nhân AIDS tử vong, tích lũy có 2.192 trường hợp mắc HIV; 203 người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; có 54 trường hợp được quản lý trước điều trị ARV và điều trị dự phòng lao; số bệnh nhân hiện đang được quản lý điều trị ARV tại tỉnh là 807 người lớn và 16 trẻ em trong đó đang điều trị tại Khoa Phòng chống HIV/AIDS của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh 610 người lớn; Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho 16 phụ nữ mang thai, có 16.415 phụ nữ được xét nghiệm HIV trong thời kỳ mang thai; Hoạt động truyền thông đã thực hiện 330 lượt truyền thông về phòng chống HIV/AIDS, phân phát 100 bao cao su cho các đối tượng nguy cơ.
Cho đến nay không có cách nào chữa khỏi bệnh cho người bị nhiễm HIV, các nhà khoa học vẫn đang tập trung nghiên cứu nhằm tìm ra các loại vắc xin, thuốc đặc hiệu để tiêu diệt HIV. Tuy nhiên, nhờ việc xã hội ngày càng tiếp cận nhiều hơn với các biện pháp dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc HIV hiệu quả nên nhiễm HIV đã trở thành một tình trạng sức khỏe mãn tính có thể kiểm soát được, giúp người nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh và lâu dài. Các phương pháp tiếp cận chính để phòng chống HIV thường được sử dụng kết hợp do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề xuất bao gồm:
Sử dụng bao cao su an toàn;
Xét nghiệm và tư vấn về HIV và STIs (bệnh lây truyền qua đường tình dục);
Xét nghiệm và tư vấn về mối liên hệ với chăm sóc bệnh lao (TB);
Cắt bao quy đầu;
Sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) để dự phòng;
Giảm tác hại cho người tiêm chích và sử dụng ma tuý;
Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Vì vậy, biết cách tự phòng tránh cho bản thân và cho cộng động kết hợp với các biện pháp tuyên truyền hiệu quả được coi như là một vắc xin để phòng ngừa HIV/AIDS trong bối cảnh hiện nay.
Hãy cùng cộng đồng chung tay đoàn kết, chia sẻ, trách nhiệm vì một tương lai “Chấm dứt bệnh AIDS”.
Thanh Nga
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác