04/12/2024 08:19
Vàng da sơ sinh là bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh. Xuất hiện ở khoảng 60% trẻ đủ tháng và 80% trẻ sinh non. Vàng da sơ sinh có hai mức độ nhẹ và nặng. Ở thể nặng, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có nguy cơ để lại biến chứng, trẻ có thể tử vong hoặc bị di chứng não suốt đời. Mặc dù là bệnh phổ biến nhưng một số bậc phụ huynh chưa nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của bệnh và tự điều trị theo ý mình mà không tham vấn ý kiến bác sĩ. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ.
Vàng da sơ sinh là hiện tượng da (có thể da vùng mặt hoặc toàn thân), kết mạc mắt trẻ có màu vàng. Nguyên nhân là do tăng chất bilirubin gián tiếp – một thành phần được giải phóng ra khi hồng cầu bị vỡ. Ở trẻ sơ sinh, đời sống hồng cầu ngắn hơn người trưởng thành, khi hồng cầu vỡ thì gây ra chất vàng da, chất này sẽ được đào thải ra phân và nước tiểu của trẻ.
Vàng da trẻ sơ sinh có thể được nhận biết bằng mắt thường khi quan sát trẻ trong điều kiện ánh sáng bình thường. Tuy nhiên nếu không để ý, theo dõi trẻ kỹ, nhiều cha mẹ không phát hiện con mình bị vàng da cho đến khi trẻ được bác sĩ khám. Trường hợp của chị H’Hoai Niê (29 tuổi) ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk là một ví dụ. Chị H’Hoai có bất thường về ngôi thai nên đến ngày chuyển dạ chị được chỉ định chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh mổ lấy thai. Chị nhập khoa Sản, BVĐK Thiện Hạnh và sinh được một bé gái ngay sau đó. Sau 2 ngày sinh, bác sĩ kiểm tra, phát hiện bé bị vàng da và chỉ định chiếu đèn điều trị. Chị H’Hoa Niê, bác gái của bé cho biết mẹ và bác nhìn thấy da bé hơi vàng nhưng không biết đây là bệnh.
Trường hợp khác là chị Đàm Thị Sinh (33 tuổi) ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Đây là lần sinh con thứ 3 nhưng chị Sinh không biết về bệnh vàng da sơ sinh. Khi bác sĩ khám và chẩn đoán bé bị vàng da, chị khá lo lắng, sợ bé bị bệnh nặng. Tuy nhiên sau khi được tư vấn, điều trị bệnh bằng phương pháp chiếu đèn, tình trạng vàng da của bé đã giảm rõ rệt.
|
Trẻ sơ sinh được chiếu đèn điều trị vàng da tại Phòng chăm sóc tích cực cho trẻ sơ sinh (NICU) khoa Nhi, BVĐK Thiện Hạnh.
(ảnh: Quang Nhật)
|
Bệnh vàng da sơ sinh có hai thể chính, là vàng da sinh lý, còn gọi là vàng da nhẹ và vàng da bệnh lý, còn gọi là vàng da nặng. Vàng da bệnh lý có những biểu hiện như: vàng da sớm trong vòng 1-2 ngày đầu sau sinh; tốc độ vàng da lan nhanh, từ mặt đến đùi, cẳng chân, bàn chân; kèm theo hiện tượng ngủ li bì, bỏ bú hoặc một số bé có hiện tượng co, gồng người, co giật. Nói về mức độ nguy hiểm của bệnh vàng da nặng, bác sĩ Trần Thị Mỹ Giêng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cho biết: “Đối với vàng da sinh lý, hầu như không cần điều trị, bác sĩ chỉ tư vấn mẹ cho bé bú tốt, bé đi cầu đi tiểu tốt là được. Còn đối với vàng da bệnh lý thì bắt buộc phải điều trị, phương pháp chủ yếu là chiếu đèn hoặc thay máu đối với trường hợp rất nặng. Nếu vàng da nặng không điều trị thì rất nguy hiểm. Chúng ta biết là vàng da do hàm lượng bilirubin gián tiếp trong máu tăng cao, khi nó tăng quá cao ngoài sức đào thải của cơ thể bé thì nó có thể qua hàng rào máu não, đến não, gây tổn thương tế bào não không hồi phục, hay còn gọi là bệnh vàng da nhân gây ra bại não về sau.
Theo bác sĩ Trần Thị Mỹ Giêng, vàng da là bệnh phổ biến ở trẻ sơ sinh nhưng hiện một số bậc cha mẹ chưa hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh và tự điều trị cho trẻ mà không tham vấn ý kiến bác sĩ. Sai lầm trong điều trị thường gặp nhất là phơi nắng. Khoa học hiện đại đã chứng minh phơi nắng không làm giảm vàng da, bởi vì ánh sáng trong đèn chiếu điều trị vàng da là ánh sáng xanh có bước sóng phù hợp, còn trong ánh nắng mặt trời thì có nhiều loại ánh sáng, nhiều bước sóng, trong đó còn có tia cực tím, tia UV có thể gây tổn thương da, ung thư da, trong khi làn da của trẻ sơ sinh vô cùng mỏng manh và nhạy cảm. Ngoài ra, một số người tự mua đèn chiếu không rõ nguồn gốc điều trị cho bé ở nhà. Đèn chiếu trong y tế phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn y khoa, đồng thời, người thực hiện kĩ thuật chiếu đèn cũng cần có chuyên môn để điều chỉnh bước sóng, khoảng cách chiếu phù hợp, song song với đó là chú ý quan sát một số tác dụng phụ của việc chiếu đèn như sạm da, mất nước, đi tiêu phân lỏng,… để xử trí kịp thời.
|
Điều trị vàng da cho trẻ sơ sinh bằng phương pháp chiếu đèn tại BVĐK Thiện Hạnh.
(ảnh: Quang Nhật)
|
Hiện tại có 2 phương pháp điều trị vàng da bệnh lý được y văn công nhận, đó là chiếu đèn và thay máu. Phương pháp thay máu chỉ áp dụng cho những bé vàng da rất nặng trong những giờ đầu sau sinh hoặc vàng da bắt đầu có biến chứng tổn thương não. Trên thực tế, nếu làm tốt khâu sàng lọc sớm ngay từ những ngày đầu sau sinh thì hầu như không gặp tình trạng nặng này. Phương pháp phổ biến, đơn giản và hiệu quả nhất hiện nay là chiếu đèn. Chiếu đèn là dùng ánh sáng màu xanh, với bước sóng phù hợp, ở khoảng cách 30-40cm với cơ thể em bé. Khi chiếu đèn phải bịt mắt và mặc tã (bỉm) để bảo vệ mắt và cơ quan sinh dục của bé. Đặc biệt khi chiếu đèn phải tích cực cho bé bú, để bé thải chất vàng da ra phân, nước tiểu. Sau khoảng hơn 10 giờ đồng hồ chiếu đèn thì chất vàng da được đào thải khá tốt.
Về dự phòng bệnh vàng da, bác sĩ Trần Thị Mỹ Giêng cho biết chỉ dự phòng ở đối tượng nguy cơ cao, đó là trẻ sinh non. Bởi vì hầu hết trẻ sinh non đều bị vàng da, vì vậy bác sĩ thường chỉ định chiếu đèn sớm cho các bé, bắt đầu từ ngày thứ 2 sau sinh. Trường hợp nữa là tiên lượng bất đồng nhóm máu mẹ con. Vì đây là bệnh hoàn toàn có thể điều trị được nên việc dự phòng từ trong bào thai là không cần thiết. Điều quan trọng là gia đình phải chú ý quan sát, phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh những sai lầm mà bác sĩ đã nêu ở trên. Ngoài ra, trong quá trình mang thai, người mẹ nên ăn uống đủ các nhóm chất; làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại; khám thai định kỳ, tiêm chủng đầy đủ. Sau sinh, mẹ tiếp tục bổ sung đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo chất lượng, số lượng sữa cho bé bú.
Thu Huế
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác
- Ngày hội Hiến máu tình nguyện năm 2024 tại huyện Buôn Đôn ( 04/12/2024)
- Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (huyện Krông Bông) đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá tại trường học ( 03/12/2024)
- Những lưu ý khi bổ sung Vitamin A cho trẻ ( 03/12/2024)
- Sự cần thiết của việc khám, tư vấn sức khoẻ tiền hôn nhân ( 02/12/2024)
- Lợi ích của việc xét nghiệm HIV sớm ( 02/12/2024)
- Ngày thế giới phòng, chống AIDS - (World AIDS Day) ( 02/12/2024)
- Gia tăng tình trạng mắc bệnh sởi ở người lớn ( 27/11/2024)
- Cảnh giác với bệnh cúm mùa, chủng cúm A/H1pdm ( 27/11/2024)
- Sân khấu hóa truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá tại trường học ( 26/11/2024)
- Đoàn công tác của ANRS thăm và làm việc tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk ( 22/11/2024)
- Bệnh Zona thần kinh ( 20/11/2024)
- Gia tăng các trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại, người dân không nên chủ quan khi bị chó cắn, mèo cào ( 20/11/2024)
- Để Luật phòng chống tác hại của thuốc lá thực sự đi vào cuộc sống ( 19/11/2024)
- Lạm dụng tai nghe ở giới trẻ hiện nay ( 18/11/2024)
- Xét nghiệm đường máu định kỳ hàng năm để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường ( 15/11/2024)
- Thông tư quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh theo mức lương cơ sở quy định tại Nghị định 73/2024/NĐ-CP ( 15/11/2024)
- Những điều nên làm khi bỏ thuốc lá ( 14/11/2024)
- Ghi nhận buổi truyền thông Phòng chống tác hại của thuốc lá cho người dân xã Ea H’Leo, huyện Ea H’Leo ( 12/11/2024)
- Trường THPT Ngô Gia Tự với công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ( 11/11/2024)
- Trung tâm Y tế huyện Krông Năng với việc thực hiện môi trường không khói thuốc lá ( 08/11/2024)