06/12/2024 09:49
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thời tiết thay đổi bất thường, mưa ẩm kéo dài thuận lợi cho các loại vi rút cúm phát triển. Mặt khác do nhu cầu đi lại, giao thương, du lịch giữa các tỉnh ngày càng tăng cao, vì vậy nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm nói chung và dịch bệnh Cúm A/H1pdm – một trong những vi rút cúm mùa thông thường - trong thời gian tới là rất cao. Do đó, người dân cần lưu ý thực hiện các biện pháp để phòng bệnh.
Cúm A/H1pdm là bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh có thể lây qua đường hô hấp hoặc lây theo đường tiếp xúc trực tiếp vi rút. Cúm A/H1pdm (cúm A/H1N1) được phát hiện lần đầu trong đại dịch cúm năm 2009 hay còn gọi là cúm A/H1pdm 2009 (pandemic), đây là chủng cúm mùa thông thường. Mặc dù cúm A/H1pdm có tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với cúm A/H5N1 (dưới 1%), nhưng vi rút này lại lây lan nhanh, đặc biệt trong cộng đồng đông dân cư. Tại tỉnh Bình Định, trong vòng hai tuần qua, tỉnh này đã ghi nhận 09 trường hợp xét nghiệm dương tính với Cúm A/H1pdm, trong đó có 04 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H1pdm. Theo Sở Y tế tỉnh Bình Định, những ca tử vong do cúm A/H1pdm có dấu hiệu chuyển nặng nhanh chóng.
Tại tỉnh Đắk Lắk, theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 6.578 trường hợp mắc cúm thông thường, năm 2023 ghi nhận 5.945 trường hợp và từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận gần 5.700 trường hợp mắc bệnh, trong đó tập trung nhiều tại các huyện Ea H’leo, Krông Bông, Cư M’gar, Ea Súp, Lắk... Theo bác sĩ CKI Trần Kim Long – Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, cúm A/H1pdm là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính thuộc dạng cúm theo mùa do chủng vi rút cúm A/H1N1 (tên khoa học virus pdm09 (A)) gây ra. Cúm A/H1pdm hiện là một trong những vi rút cúm mùa thông thường. Tuy nhiên, những trường hợp không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể diễn biến nặng, đặc biệt ở các nhóm đối tượng nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, hoặc những người mắc bệnh mạn tính, bác sĩ Long cho biết.
|
Để phòng các biến chứng nguy hiểm của bệnh cúm, phụ nữ mang thai nên đi tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cúm. (ảnh: Đình Thi)
|
Khi mắc cúm, người dân cần đặc biệt chú ý đến những triệu chứng báo hiệu biến chứng nguy hiểm, như: Khó thở hoặc thở nhanh; Tím tái, môi hoặc đầu ngón tay đổi màu; Lơ mơ, mất tỉnh táo, hoặc hạ thân nhiệt bất thường (dưới 36⁰C); Đau ngực, huyết áp tụt; Không ăn uống được, nôn nhiều, mất nước (khô môi, mắt trũng). Những dấu hiệu này có thể là biểu hiện của viêm phổi nặng, suy hô hấp hoặc suy đa tạng. Đây là những biến chứng có nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bác sĩ Long lưu ý, khi mắc cúm, người dân tuyệt đối không nên lạm dụng thuốc Tamiflu (oseltamivir) - Một loại thuốc kháng vi rút thường được sử dụng để điều trị cúm A bởi Tamiflu chỉ nên được sử dụng trong những trường hợp nặng, có nguy cơ biến chứng, theo chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý dùng thuốc không chỉ gây lãng phí mà còn tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ không mong muốn, đặc biệt ở trẻ em.
Để giảm nguy cơ mắc cúm A/H1pdm và các loại cúm mùa khác, bác sĩ Trần Kim Long khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm, đặc biệt cho trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và người có bệnh lý nền. Giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Đeo khẩu trang ở nơi đông người, tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng cúm. Duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất và nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức đề kháng. Khi có triệu chứng nghi ngờ mắc cúm, người dân nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh tự ý mua thuốc hoặc bỏ qua các dấu hiệu nguy hiểm.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh Cúm A/H1pdm trên địa bàn, xử lý triệt để ca bệnh/ ổ dịch được phát hiện, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát, lây lan; Vừa qua, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Công văn đề nghị các bệnh viện và Trung tâm Y tế trên địa bàn khẩn trương triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh như tăng cường giám sát, phát hiện ca bệnh có biểu hiện của hội chứng cúm, nghi ngờ cúm tại các cơ sở khám, chữa bệnh và tại cộng đồng. Tổ chức điều tra dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm nhằm phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch và khoanh vùng, xử lý đúng hướng dẫn, hạn chế lây lan ra cộng đồng. Đồng thời tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút tại các cơ sở điều trị để triển khai kịp thời các hoạt động đáp ứng chống dịch. Đẩy mạnh giám sát dựa vào sự kiện tại các bệnh viện và cộng đồng cũng như tăng cường công tác truyền thông phòng bệnh, đặc biệt là tiêm chủng vắc xin phòng bệnh trên nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh, nguy cơ gặp các biến chứng nặng nếu mắc bệnh như nhân viên y tế, trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi, người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…), người cao tuổi… và chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện đảm bảo công tác xử lý ổ dịch kịp thời khi có dịch xảy ra.
Đối với các đơn vị thuộc hệ điều trị, Sở Y tế đề nghị các đơn vị khi phát hiện trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm cần áp dụng ngay biện pháp cách ly, thông báo kịp thời cho Trung tâm Y tế tuyến huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để phối hợp giám sát, phòng, chống dịch bệnh. Các trường hợp nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ cần được xem xét, chỉ định sử dụng ngay thuốc kháng vi rút; xem xét điều trị dự phòng bằng thuốc kháng vi rút Oseltamivir (Tamiflu) cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc cúm biến chứng có tiếp xúc với người bệnh.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác