13/12/2024 05:09
Những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn gặp nhiều khó khăn, như: sự thiếu hụt về dinh dưỡng, điều kiện sống khó khăn, sự thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe và những phong tục tập quán lạc hậu đã dẫn đến tỷ lệ trẻ tử vong dưới 1 tuổi còn cao tại vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2024, Tổ chức Save the Children International phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, và Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk triển khai Dự án “Cải thiện sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk” đã góp phần giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh (TSS) cộng đồng DTTS tại các địa phương thụ hưởng dự án.
Với mục tiêu tập trung hỗ trợ sức khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ và trẻ em DTTS tại các khu vực khó tiếp cận nhất ở Việt Nam để góp phần giảm tỷ lệ tử vong mẹ và TSS cộng đồng DTTS tại Đắk Lắk vào giữa năm 2024, Dự án được triển khai thực hiện tại các huyện M'Đrắk và Ea Súp tỉnh Đắk Lắk. Đây là hai trong số các huyện nghèo nhất của tỉnh với tỷ lệ hộ nghèo từ 34,5% - 43,1%, dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 45,5% - 48,6%. Năm 2020, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh tại hai huyện này lần lượt là 15,8 và 15,6/1.000 trẻ đẻ sống, cao nhất so với các huyện khác trong tỉnh. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân và thấp còi của hai huyện này cũng thuộc loại cao nhất trên địa bàn tỉnh, lần lượt là 20,0% và 20,4% (nhẹ cân) và 21,2% và 28,0% (thấp còi).
|
Từ khi triển khai Dự án, nhận thức về thực hành bà mẹ và TSS trong cộng đồng DTTS đã được nâng lên, góp phấn giảm tỷ lệ tử vong và sự phát triển toàn diện của trẻ về lâu dài.
|
Theo bác sĩ CKI sản phụ khoa Đoàn Thị Hồng Nhung, Trưởng Khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, cán bộ phụ trách trực tiếp thực hiện Dự án “Cải thiện sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số” tại Đắk Lắk chia sẻ, những năm qua do kiến thức về chăm sóc bà mẹ và TSS của người dân ở vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS tại chỗ còn nhiều hạn chế là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ trẻ tử vong dưới 1 tuổi cao tại vùng DTTS. Do vậy, việc cải thiện sức khỏe bà mẹ và TSS trong cộng đồng dân tộc thiểu số có ý nghĩa rất quan trọng góp phần giảm tỷ lệ tử vong và sự phát triển toàn diện của trẻ về lâu dài. Minh chứng rõ nét nhất đó là qua quá trình triển khai Dự án, nhận thức về thực hành bà mẹ và TSS trong cộng đồng DTTS đã được nâng lên. Từ tháng 9/2022, các hoạt động truyền thông bắt đầu được triển khai rộng khắp thông qua: website, Facebook, Zalo, đài truyền thanh huyện, đài phát thanh xã, nói chuyện về sức khỏe, tư vấn tại cơ sở y tế, truyền thông cộng đồng tại các thôn, xã.
“Việc rà soát, thử nghiệm tài liệu truyền thông về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và TSS phù hợp với cộng đồng DTTS có sự tham gia của 52 người có uy tín, bước đầu góp phần cải thiện kiến thức, thực hành về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và TSS ở phụ nữ có thai và thành viên cộng đồng DTTS. Các lớp tập huấn đã góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ các tuyến tỉnh, huyện, xã và thôn và cải thiện chất lượng chăm sóc cho bà mẹ và TSS. Đến nay, Dự án cũng đã triển khai đơn nguyên sơ sinh tại bệnh viện huyện và góc sơ sinh tại trung tâm y tế xã, thành lập 10 đội chăm sóc bà mẹ và TSS lưu động để khám thai, chăm sóc bà mẹ sau sinh và trẻ sơ sinh tại thôn, tập huấn cho đội tình nguyện viên về sơ cứu và chuyển tuyến an toàn…” bác sĩ Nhung nói.
Mới đây, tại buổi làm việc với Đoàn cán bộ Tổ chức cứu trợ trẻ em (Tổ chức Save the Children) - Văn phòng đại diện tại Việt Nam, ông Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng ban quản lý Dự án tại Đắk Lắk khẳng định những hỗ trợ của Tổ chức cứu trợ trẻ em tại Hàn Quốc trong những năm qua là phù hợp với tỉnh Đắk Lắk. Dự án đã đem lại kết quả khả quan, sức khỏe bà mẹ và TSS trên địa bàn hai huyện Ea Súp và M’Đrắk không chỉ được cải thiện, cán bộ y tế đơn vị thụ hưởng Dự án được nâng cao trình độ chuyên môn, bệnh viện và trạm y tế của hai huyện được hỗ trợ nhiều thiết bị y tế phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và TSS, hiệu quả nhất chính là tuyên truyền giúp người dân thay đổi hành vi một cách rõ rệt.
|
Đoàn cán bộ Tổ chức cứu trợ trẻ em (Tổ chức Save the Children) - Văn phòng đại diện tại Việt Nam đi kiểm tra thực tế ở các điểm triển khai Dự án tại tỉnh Đắk Lắk.
|
Tuy nhiên, việc triển khai Dự án hiện nay vẫn gặp nhiều thách thức bởi thời điểm triển khai Dự án cũng là thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, toàn ngành y tế ưu tiên trong công tác phòng chống COVID-19 và các dịch bệnh khác, nguồn nhân lực thiếu nên cán bộ kiêm nhiệm chưa có kinh nghiệm tổ chức hoạt động. Trong khi đó, tình hình khám thai tại cơ sở y tế của các bà mẹ người DTTS chưa đảm bảo đủ số lần theo quy định của Bộ Y tế, vẫn còn tình trạng phụ nữ sinh con tại nhà, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, sinh con thiếu tháng vẫn cao, việc sử dụng dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ còn thấp, chăm sóc sau sinh, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe trẻ em ở một số địa bàn chưa được chú trọng.
“Hiện nay tỉnh Đắk Lắk là một trong những tỉnh có đông thành phần DTTS, rào cản trong giao tiếp về ngôn ngữ ảnh hưởng rất lớn đến công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi hành vi. Văn hoá và quan điểm về chăm sóc sức khỏe vẫn còn lạc hậu, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn diễn ra…Với những khó khăn đó, tỉnh Đắk Lắk mong muốn Tổ chức cứu trợ trẻ em tại Hàn Quốc tiếp tục đồng hành duy trì Dự án tại những huyện đang triển khai và nhân rộng những huyện đặc biệt khó khăn khác. Hỗ trợ các mô hình đào tạo tại tỉnh, nhằm nhân rộng các hiệu quả tích cực từ Dự án; cải thiện các vấn đề về dinh dưỡng cho đồng bào DTTS; cải thiện các vấn đề về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên…” ông Nguyễn Trung Thành, chia sẻ.
Bảo Trọng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác