16/12/2024 08:04
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe người mắc bệnh, đặc biệt đối với trẻ em, nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng. Do đó, bên cạnh việc nâng cao ý thức trong việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh, phụ huynh cần lưu ý các vấn đề khi chăm sóc trẻ mắc bệnh để phòng các biến chứng của sởi.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 12/12, trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 800 trường hợp mắc sởi, tập trung nhiều nhất tại Tp. Buôn Ma Thuột với gần 400 trường hợp, huyện Lắk gần 90 trường hợp, Krông Pắc hơn 70 trường hợp… Tại Khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 700 trường hợp bệnh nhi mắc sởi, hiện Khoa vẫn đang điều trị cho hơn 70 bệnh nhi mắc sởi. Trong đó, rất nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện điều trị với các biến chứng nặng của bệnh sởi như tiêu chảy, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc… Theo bác sĩ Trần Thị Thúy Minh – Trưởng khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, hầu hết các trường hợp trẻ mắc sởi đều chưa được tiêm phòng vắc xin trong đó có nhiều trẻ mắc sởi rất nặng, nhất là ở những trẻ mắc các bệnh lý nền về tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, nhiều trẻ phải thở ô xy nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
|
Trẻ bị sởi với các biểu hiện phát ban trên mặt và cơ thể. (ảnh : Quang Nhật)
|
Chăm sóc con 8 tháng tuổi đang điều trị bệnh sởi tại Khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, chị M.H (trú tại tỉnh Nam Định), chia sẻ: Cách đây 3 tuần gia đình đưa bé từ Nam Định vào Đắk Lắk thăm ông bà ngoại, không ngờ thời gian ở chơi bé lại mắc sởi. Trước đây chị có nghe về bệnh sởi nhưng khi con của chị mắc bệnh, chị mới nhận ra căn bệnh này nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ rất nhiều. “Con tôi sốt cao liên tục trong 6 ngày, sau đó bé bị ho rất nặng, tiêu chảy ngày đi cầu lỏng 6 đến 8 lần, bé còn bị phát ban toàn thân, biến chứng lên cả mắt. Nhìn con chỉ mới mấy tháng tuổi đã phải vật lộn với bệnh tôi lo lắng vô cùng. Để đảm bảo sức khỏe cho con, tôi được các bác sĩ hướng dẫn cách giữ vệ sinh cho bé bằng cách nhỏ nước muối sinh lý vào mắt, mũi, miệng và cho bé bú sữa mẹ, bổ sung các chất dinh dưỡng cho bé để bé có sức đề kháng vượt qua bệnh”, chị M.H nói.
Tới lịch tiêm vắc xin sởi nhưng do bé ốm, sốt nên gia đình chưa đưa bé đi tiêm thì bé đã bị mắc sởi. Do chưa tiêm phòng, khi mắc sởi, bé P.N.M (1 tuổi) bị nhiều biến chứng nặng do bệnh sởi gây ra. Chị N.L.K (trú tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) – mẹ bé P.N.M, cho biết: Ngày đầu tiên cứ nghĩ con sốt bình thường nhưng sau đó bé sốt li bì liên tục 4-5 ngày, tới ngày thứ 6 bé xuất hiện các nốt đỏ ở sau tai, mặt và cổ. Lúc này tôi cứ tưởng con bị sốt phát ban nhưng khi đưa con lên bệnh viện thì bé được chẩn đoán mắc sởi với các biến chứng về tiêu hóa gây tiêu chảy và viêm phổi. Đến nay bé đã mắc sởi ở ngày thứ 8 và ngày thứ 3 điều trị ở bệnh viện.
|
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc sởi kèm các biến chứng đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. (ảnh : Quang Nhật)
|
Theo bác sĩ Trần Thị Thúy Minh – Trưởng khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... Trẻ em là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, nhất là khả năng bị những biến chứng nặng nề của bệnh như viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm phổi, nặng sẽ bị viêm màng não. “Phát ban sởi khác với các phát ban khác đó là khi sốt phát ban thông thường, hồng ban có dạng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể của trẻ và sau khi bay thường không để lại dấu tích gì trên da trẻ. Đối với sởi, các ban đỏ xuất hiện từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 6 của bệnh. Lúc đầu, ban xuất hiện ở sau tai, sau đó lan ra mặt, dần xuống ngực bụng và ra toàn thân. Đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn (ban gồ lên mặt da), khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng thường gọi là “vằn da hổ”. Thực tế có không ít phụ huynh dễ nhầm sốt phát ban và sởi. Do đó, phụ huynh cần lưu ý phân biệt giữa sốt phát ban và bệnh sởi sẽ giúp ích rất nhiều trong việc theo dõi, chăm sóc trẻ mắc sởi”, bác sĩ Minh khuyến cáo.
Cũng theo bác sĩ Minh, khi trẻ mắc sởi, phụ huynh cần lưu ý chăm sóc trẻ đúng cách. Cụ thể, khi trẻ mắc bệnh, nên cho trẻ cách ly, tránh nơi đông người. Để trẻ nằm trong không gian thoáng khí, đủ ánh sáng, cho trẻ nghỉ ngơi, ngủ đủ. Đặc biệt chú ý vệ sinh răng miệng, thân thể cho trẻ, giữ ấm khi trời lạnh. Cần tắm rửa sạch sẽ cho trẻ để phòng nguy cơ nhiễm trùng, tránh tập tục kiêng nước, kiêng gió. Nhỏ mũi, mắt cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9% hoặc dung dịch nhỏ mắt mũi 3-4 lần/ngày, cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu, tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng, các thức ăn giầu vitamin đặc biệt là vitamin A. Đồng thời cho trẻ uống đủ nước, ORS hoặc nước hoa quả. Khi trẻ tiêu chảy cho trẻ bú nhiều hơn, chú ý bù đủ nước và điện giải, chườm ấm khi trẻ sốt nhẹ, uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao. Đặc biệt, phụ huynh cần lưu ý chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ và cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có dấu bệnh nặng để được khám và điều trị kịp thời. Một số dấu hiệu nặng của bệnh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế như trẻ mệt, li bì hoặc kích thích, bú kém, bỏ bú, trẻ co giật, rối loạn ý thức, nôn tất cả mọi thứ, trẻ sốt cao liên tục, trẻ khó thở, thở rít, thở rút lõm lồng ngực…
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác