19/12/2024 10:13
Ngày 18/12, Viện Dinh dưỡng, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện hoạt động cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững và Chiến lược quốc gia dinh dưỡng năm 2024, định hướng kế hoạch năm 2025 cho 63 tỉnh thành phố trên toàn quốc. Tham dự hội nghị có PGS.TS. Trần Thanh Dương – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, đại diện lãnh đạo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cùng nhiều lãnh đạo và cán bộ công tác trong lĩnh vực dinh dưỡng đến từ các tỉnh, cùng đánh giá thành quả của các hoạt động cải thiện dinh dưỡng trong năm qua, cũng như nhận diện khó khăn vướng mắc để cùng tháo gỡ trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết: Việt Nam đang chịu đồng thời ba gánh nặng về dinh dưỡng: thiếu dinh dưỡng, thừa dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng. Đến 2023, theo kết quả của Hệ thống giám sát dinh dưỡng toàn quốc, ở trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ nhẹ cân còn 9,7%, thấp còi 18,2%, gầy còm là 4,4%, trong khi đó thừa cân béo phì đã tăng đến 9,4%. Để giải quyết các gánh nặng này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2045 theo Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 5/1/2022. Bộ Y tế đã xây dựng và phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về Dinh dưỡng theo Quyết định 1294/QĐ-BYT ngày 19/5/2022, theo đó phân công cụ thể cho các Vụ, Cục, đơn vị liên quan thuộc ngành Y tế tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc kế hoạch, bao gồm cả 11 Chương trình, Đề án, Dự án can thiệp về dinh dưỡng... 3 chương trình quốc gia thực hiện mục tiêu của Chiến lược Quốc gia Dinh dưỡng đã được Chính phủ phê duyệt, bao gồm Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Các chương trình này đều có nội dung cải thiện dinh dưỡng, ưu tiên cho bà mẹ và trẻ em. Bộ Y tế cũng đã ban hành các văn bản gồm: Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 721/QĐ-BYT ngày 23/3/2022; Kế hoạch hoạt động tổng thể của Bộ Y tế thực hiện “Cải thiện dinh dưỡng” trong Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 2593/QĐ-BYT ngày 23/09/2022; Hướng dẫn thực hiện nội dung “cải thiện dinh dưỡng” thuộc chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1768/QĐ–BYT ngày 30/06/2022 và cập nhật sửa đổi theo Quyết định số 3452/QĐ-BYT ngày 6/9/2023. Đây là những tài liệu quan trọng để các đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia dinh dưỡng.
|
Toàn cảnh Hội nghị. (ảnh: Hải Phúc)
|
Năm 2025 là một năm quan trọng, khi chúng ta cần phải tiến hành tổng kết đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về Dinh dưỡng của ngành Y tế và kết thúc giai đoạn 2021-2025 của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo. Trong thời gian tới, toàn ngành cùng quyết tâm phấn đấu đạt được các mục tiêu đề ra của Kế hoạch hành động và Chương trình MTQG nhằm “Thực hiện dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương, vùng, miền, dân tộc, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ, trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo trên toàn quốc, góp phần giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo một cách bền vững”, PGS.TS. Trần Thanh Dương chia sẻ.
|
PGS.TS. Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng phát biểu tại Hội nghị. (ảnh: Hải Phúc)
|
Nhờ việc triển khai nhiều hoạt động về dinh dưỡng mà thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu về dinh dưỡng đáng ghi nhận như giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) cả 3 thể (thấp còi, nhẹ cân và gầy còm), trong đó tỷ lệ thấp còi từ 56,5% năm 1990 xuống còn 29,3% năm 2010 và 19,6% năm 2020 (giảm được 27,2% tức gần 1%/năm). Bên cạnh đó tỷ lệ SDD nhẹ cân đã giảm từ 41,1% năm 1990 xuống còn 11,5% năm 2020; Việt Nam đã đạt mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ vào năm 2008, tức sớm hơn 7 năm (19,9% năm 2008). Tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng cũng đạt được nhiều kết quả, trong đó phải kể đến đầu tiên là thành công của việc cải thiện tình trạng thiếu vitamin A. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng trẻ dưới 5 tuổi duy trì ở ngưỡng 14,2% năm 2010 và xuống còn 9,5% năm 2020. Cải thiện tình trạng thiếu máu dinh dưỡng, tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai đã giảm từ 52,3% năm 1995 xuống còn 25,6% năm 2020 (giảm 1 nửa) sau 25 năm; tỷ lệ thiếu máu của trẻ dưới 5 tuổi giảm tương tự từ 45,2% xuống còn 19,6% và phụ nữ tuổi sinh đẻ từ 41,2% xuống còn 16,2%. Tuy nhiên Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số gánh nặng về dinh dưỡng như tình trạng SDD thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi là 18,2% (năm 2023) vẫn ở ngưỡng trung bình có YKSKCĐ của TCYTTG, trong đó đặc biệt còn tồn tại vùng Trung du và Miền núi phía Bắc là 24,8% và Tây Nguyên là 25,9%. Tình trạng gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở tất cả các đối tượng. Trong đó phải kể đến là thừa cân, béo phì ở trẻ 5-19 tuổi gia tăng từ 8,5% năm 2010 lên đến 19,0% vào năm 2020 (tăng hơn gấp đôi sau 10 năm), đặc biệt khu vực thành thị cao gấp đôi nông thôn. Tỷ lệ thừa cân, béo phì người trưởng thành 19 – 65 tuổi tăng từ 12,0% năm 2010 lên 19,6% năm 2020 (tăng 1,6 lần sau 10 năm); cho thấy các nguy cơ bệnh không lây nhiễm. Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng đặc biệt là thiếu kẽm ở các đối tượng PNTSĐ, PNCT và trẻ dưới 5 tuổi. Tỷ lệ kẽm huyết thanh thấp của trẻ dưới 5 tuổi toàn quốc là 53,3%, thuộc mức cao về YNSKCĐ. Bên cạnh đó là sự gia tăng của các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng (cao huyết áp, Bệnh ung thư, đái tháo đường, tim mạch) do các hành vi thói quen, lối sống không lành mạnh diễn ra trong khoảng thời gian dài gây ra. Tại Việt Nam, theo báo cáo của TCYTTG năm 2022, có khoảng 592,300 số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm, chiếm 81% số trường hợp tử vong do tất cả các nguyên nhân. Có 42% người trên 60 tuổi được phát hiện có ít nhất một bệnh không lây nhiễm tại vùng nông thôn Việt Nam.
Để công tác dinh dưỡng đạt nhiều kết quả hơn nữa, hội nghị thống nhất trong năm 2025 sẽ tập trung triển khai các hoạt động nhằm thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công theo Quyết định số 1294/QĐ-BYT ngày 19/5/2022 của Bộ Y tế về việc Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng (CLQGDD) đến năm 2025, trong đo tập trung vào giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm như nâng cao năng lực hệ thống triển khai Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng; Hoàn thiện cơ chế chính sách về dinh dưỡng; Xây dựng hệ thống giám sát, theo dõi, báo cáo số liệu, chỉ số; Đẩy mạnh hoạt động dinh dưỡng hợp lý, an toàn nhằm chăm sóc và nâng cao sức khỏe và tầm vóc của người dân cùng các hoạt động Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, chăm sóc dinh dưỡng trẻ nữ vị thành, chăm sóc dinh dưỡng người cao tuổi, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho người dân. Chú trọng các hoạt động dinh dưỡng học đường, dinh dưỡng lâm sàng tiết chế, dinh dưỡng phòng chống thừa cân, béo phì, dinh dưỡng phòng chống bệnh không lây nhiễm và tích cực các hoạt động truyền thông về dinh dưỡng, ứng phó về dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp, tăng cường phối hợp ban ngành đoàn thể và theo dõi, đánh giá Chiến lược Quốc gia Dinh dưỡng.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã được nghe và thảo luận về các báo cáo tham luận gồm: Báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2022-2024 và kế hoạch thực hiện 2025; Hướng dẫn triển khai các hoạt động đánh giá 16 chỉ tiêu thuộc hoạt động của Chiến lược quốc gia năm 2025; Báo cáo kết quả thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 2024 và định hướng 2025. Kết quả giám sát các chương trình MTQG năm 2024 và khuyến nghị; Tham luận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh về Kế hoạch hoạt động triển khai Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2022-2024 và kế hoạch 2025… Các báo cáo tham luận đã được trình bày, đem lại nhiều thông tin hữu ích cho những hoạt động tiếp theo trong năm 2025.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác