19/12/2024 03:19
Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới tới Tết nguyên đán, tuy nhiên, vừa qua Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã liên tiếp ghi nhận nhiều trường hợp tai nạn thương tích do pháo nổ, trong đó đa số bệnh nhân là thanh, thiếu niên, học sinh. Các bệnh nhân này có tổn thương phức tạp, tổn thương nhiều vị trí như bàn tay, mặt, thân người… khiến việc điều trị rất khó khăn, tốn nhiều thời gian và để lại di chứng nặng nề, thậm chí mất chức năng vĩnh viễn. Điều này dấy lên hồi chuông cảnh báo về việc tự ý mua bán, chế tạo và sử dụng pháo tự chế.
Ngày 14/12, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận 4 trường hợp bệnh nhân ở độ tuổi từ 11-13 nhập viện trong tình trạng đa chấn thương vì pháo nổ. Em P.C.H (12 tuổi, trú tại xã Tam Giang, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) – Nạn nhân trong vụ nổ pháo tự chế, chia sẻ: Cách đây mấy ngày, em và các bạn lên mạng xã hội tiktok đặt các nguyên liệu dùng để chế tạo pháo như lưu huỳnh, natri, bột nhũ nhôm… Sau khi nhận nguyên liệu, trưa 14/12, P.C.H và 2 bạn mình là L.H.A.N, L.B.H (cùng là học sinh lớp 6, trú tại xã Tam Giang, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) chế tạo pháo. “Ban đầu, bọn con bỏ các nguyên liệu vào ly thủy tinh, trộn đều và đốt. Tuy nhiên, do đốt không cháy nên bạn kêu con lại cùng xử lý. Sau khi đổ các chất bột ra 2 lần để kiểm tra chúng con đều không bị gì. Tuy nhiên, đến lần thứ 3 đổ ly bột nguyên liệu ra kiểm tra thì đột nhiên ly bột phát nổ khiến con bị nát bàn tay, bị thương vùng mặt, còn 2 bạn thì một bạn bị vào mắt, một bạn bị thương ở bụng. Nhập viện cấp cứu, con bị cắt cụt 2 ngón tay của bàn tay phải, con đau đớn và hối hận vô cùng”, em P.C.H tâm sự.
Nhìn con mình chịu đau đớn vì các vết thương do pháo nổ, chị H. – mẹ của bệnh nhân P.C.H vẫn chưa hết bàng hoàng khi con mình lại là nạn nhân của pháo nổ. Chị H. cho biết: Tôi từng nghe nhiều trường hợp bị pháo nổ trên ti vi, báo đài và luôn dặn con mình tuyệt đối không được tự ý chơi pháo. Khi đang đi làm, nghe tin báo con ở nhà bị thương nặng do pháo nổ, tôi thật sự không dám tin đó là sự thật. Chỉ vì tò mò, muốn khám phá mà các cháu dại dột quá, giờ đứa nào cũng bị thương, con tôi cũng phải cắt bỏ 2 ngón tay vì dập nát do pháo. Qua trường hợp của con tôi, tôi mong rằng các phụ huynh khác sẽ lưu ý và cảnh tỉnh cho con mình, đừng để xảy ra bất kỳ trường hợp nào như con tôi nữa.
|
Bác sĩ chăm sóc vết thương do pháo nổ cho bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. (ảnh: Quang Nhật)
|
Cũng đang nằm điều trị các vết thương bỏng nặng ở cánh tay và toàn bộ khuôn mặt do pháo nổ, em T.N.P (13 tuổi, trú tại xã Đắk R’La, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) buồn bã nhớ lại: Khi đi học, em gặp bạn và được bạn ấy đề nghị giúp cuốn vỏ pháo cho bạn, khi xong việc bạn hứa sẽ cho em một ít thuốc pháo. Khi mang thuốc pháo về nhà, do trời mưa, thấy pháo ẩm nên em mang pháo rang trên bếp. Lúc em vừa bật bếp rang thì pháo phát nổ khiến em bị bỏng nặng. Những ngày điều trị vết thương do bỏng, em đau đớn lắm, em rất hối hận vì đã tự ý sử dụng pháo để dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay.
|
Bệnh nhi bị bỏng mặt và tay do pháo nổ. (ảnh: Quang Nhật)
|
Ngay sau khi tiếp nhận các trường hợp bị thương do pháo nổ, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã khẩn trương phẫu thuật cấp cứu, lấy hết dị vật, cắt lọc làm sạch, xử lý vết thương kịp thời cho các nạn nhân. Hiện sức khỏe của các em đều ổn định và đang được tiếp tục theo dõi, điều trị. Theo bác sĩ Trần Minh Trực – Trưởng khoa Chấn thương – Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, những năm qua, đặc biệt vào thời điểm trước, trong và sau tết, số trường hợp bệnh nhân bị thương tích do pháo nổ tăng đột biến. Trung bình mỗi năm có trên 20 trường hợp nhập viện điều trị và các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng bỏng nặng, đa chấn thương, mù mắt, có trường hợp phải tháo bỏ chi… Các trường hợp nhập viện đa số là thanh, thiếu niên và nguyên nhân chủ yếu là do các em học sinh tò mò, học theo các video hướng dẫn chế tạo pháo trên mạng xã hội. “Các tổn thương thường gặp do pháo nổ, pháo tự chế gây ra thường rất nặng nề, do tiếp xúc gần nên khi hóa chất phát nổ, bệnh nhân dễ bị các tổn thương nặng ở vùng mặt, mắt, tay, cổ, ngực... Vùng tổn thương có thể nhanh chóng phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp. Vết bỏng nặng gây nhiễm độc và để lại những di chứng nặng nề. Tại Bệnh viện, đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm do pháo nổ tự chế gây ra, khiến dư luận lo lắng. Do đó, cần đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để các em học sinh hiểu rõ sự nguy hiểm của việc chế tạo pháo và tuyệt đối không bắt chước các hành động sử dụng, chế tạo pháo trên mạng”, bác sĩ Trực nói thêm.
Việc chế tạo và sử dụng pháo để lại nhiều hệ lụy. Tự chế pháo nổ là hành vi ẩn họa khôn lường, dễ dẫn đến cháy, nổ và có thể gây tử vong hoặc thương tật suốt đời cho người sử dụng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, tiềm ẩn nguy hiểm đối với sức khỏe, tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình và người vi phạm cũng sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trên mạng xã hội tràn lan các video hướng dẫn cách chế tạo pháo nổ, thu hút hàng nghìn lượt xem. Việc mua nguyên liệu để làm pháo nổ cũng rất dễ dàng, với nhiều tài khoản cá nhân rao bán công khai trên mạng. Dù lực lượng chức năng đã vào cuộc xử lý một số đối tượng và trang mạng vi phạm, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến. Các video hướng dẫn cách chế tạo pháo nổ vẫn tồn tại tràn lan, bất chấp các biện pháp xử phạt. Các em thanh, thiếu niên, học sinh thường có tính tò mò, thích thử nghiệm pháo nên dễ xảy ra tai nạn. Do đó, để hạn chế và không còn xảy ra các vụ tai nạn thương tâm do pháo nổ, bên cạnh các hoạt động của lực lượng chức năng, các cậc phụ huynh cần quan tâm giáo dục, quản lý để con em mình không tham gia mua bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt pháo nổ trái phép cũng như kiểm soát thông tin từ những trang mạng các em hay truy cập, nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác