24/12/2024 03:18
Mùa đông - xuân là thời điểm thuận lợi xảy ra rất nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nguyên nhân vì nhiệt độ lạnh, mưa nhiều, thời tiết nồm và ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút phát triển gây bệnh ở người và bùng phát thành dịch, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và đường tiêu hóa. Đồng thời, đây là dịp diễn ra nhiều lễ hội, mọi người gia tăng đi lại nên có nguy cơ lây nhiễm các bệnh nguy hiểm và gây ra tình trạng bùng phát dịch bệnh mùa đông xuân. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề hiện nay cũng khiến cho hệ miễn dịch của con người suy giảm, số ca mắc bệnh về đường hô hấp gia tăng.
Các dịch bệnh đang bùng phát vào mùa đông - xuân như:
Sởi: Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp do vi rút Polynosa morbillorum gây ra. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng chủ yếu xảy ra vào mùa đông xuân. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tính đến 19/12/2024 tỉnh đã ghi nhận 817 trường hợp mắc Sởi ở 15/15 đơn vị huyện, nhiều nhất tại TP. Buôn Ma Thuột, các huyện Lắk, Krông Pắc, Cư M’gar, Cư Kuin... đáng chú ý bệnh nhân mắc Sởi đã ghi nhận ở mọi độ tuổi, cả trẻ em và người lớn, trong đó chủ yếu vẫn là các trẻ nhỏ chưa từng tiêm phòng hoặc tiêm chưa đầy đủ các mũi vắc xin có thành phần sởi.
Rubella: Bệnh do vi rút Rubella gây ra. Bệnh Rubella thường phát triển mạnh vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Con đường lây truyền qua đường hô hấp khi người lành tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người bệnh. Giai đoạn dễ lây nhiễm bệnh Rubella nhất là từ 7 ngày trước đến 7 ngày sau khi phát ban đỏ. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, năm 2024 địa bàn tỉnh đã ghi nhận sự trở lại của vi rút Rubella sau rất nhiều năm không ghi nhận trường hợp mắc, tính đến 19/12/2024 tỉnh đã ghi nhận 27 trường hợp mắc Rubella tại TP. Buôn Ma Thuột, các huyện Buôn Đôn, Cư Kuin, Cư M’gar, Ea H’leo, Ea Kar, Krông Ana và Lắk.
Thủy đậu: Nguyên nhân Thủy đậu thường bùng phát dịch bệnh mùa đông xuân là do khí nồm ẩm của mùa xuân, nhất là giai đoạn chuyển từ đông sang xuân khiến cho vi rút Varicella Zoster gây bệnh phát triển mạnh. Tại Đắk Lắk, từ đầu năm tới nay có 368 bệnh nhân mắc Thủy đậu được báo cáo từ các cơ sở y tế toàn tỉnh.
Tay chân miệng: Bệnh tay chân miệng chưa có thuốc đặc trị, chưa có vắc xin phòng bệnh, đây là một bệnh nhiễm trùng thường xảy ra ở trẻ nhỏ và rất dễ gây thành dịch lớn. Bệnh thường xảy ra quanh năm, cao điểm là vào mùa đông xuân. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, Tay chân miệng là bệnh liên tục ghi nhận qua các năm, trong năm 2024 tính đến 19/12/2024 tỉnh đã ghi nhận 772 trường hợp mắc bệnh tại 15/15 huyện, thị xã, thành phố.
Cúm: Mùa đông xuân là thời gian thuận lợi cho các chủng vi rút cúm hoạt động và gây bệnh ở người. Cúm ác tính có thể gây nên những tổn thương phổi rất nhanh chóng, thậm chí có thể dẫn tới tử vong, đặc biệt ở nhóm trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai. Tại tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm tới 19/12/2024 có hơn 5.700 trường hợp mắc cúm đã được báo cáo.
Ho gà: Bệnh do trực khuẩn ho gà thuộc họ Pavrobacteriaceae gây ra, là một bệnh truyền nhiễm cấp tính. Lây chủ yếu qua đường hô hấp, biểu hiện lâm sàng bằng những cơn ho dữ dội và thở rít vào. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng chủ yếu là vào mùa đông xuân, thời tiết thường xuyên ẩm ướt, không khí không nóng cũng không lạnh khiến cho vi khuẩn ho gà sinh sôi và phát triển nhanh chóng. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, năm 2024 địa bàn tỉnh đã ghi nhận sự trở lại của bệnh Ho gà sau rất nhiều năm không ghi nhận trường hợp mắc, tính đến 19/12/2024 tỉnh đã ghi nhận 28 trường hợp mắc rải rác tại các huyện, bệnh xảy ra trên đối tượng chưa tiêm phòng đầy đủ các mũi tiêm vắc xin chứa thành phần Ho gà ngay từ đầu đời.
Não mô cầu: Viêm màng não mô cầu là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp. Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây nên. Bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng lại dễ bùng phát dịch bệnh vào mùa đông xuân.
Tiêu chảy: Dịch tiêu chảy là bệnh dịch xuất hiện quanh năm. Tình trạng bệnh xảy ra do nhiều nguyên nhân như không đảm bảo an toàn thực phẩm, sống trong vùng dịch bị bệnh tiêu chảy cấp,... vấn đề về tiêu chảy cấp xuất hiện là do ảnh hưởng trong hệ tiêu hóa của mỗi con người, nếu thay đổi thời tiết kết hợp với thức ăn không đảm bảo sẽ tạo điều kiện cho bệnh dễ phát triển và lây lan thành dịch. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, năm 2024 trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 2.551 trường hợp mắc tiêu chảy được báo cáo từ các cơ sở y tế.
|
Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông - xuân mọi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO.
|
Để chủ động trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm mùa đông - xuân, mới đây, Cục Y tế dự phòng đã có Công văn số 1432/DP-DT ngày 16/12/2024 đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung:
(1). Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, chủ động giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong cộng đồng, các cơ sở y tế, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và xử lý triệt để các ổ dịch;
(2). Tiếp tục tổ chức triển khai tiêm chủng thường xuyên, đảm bảo tiến độ và độ bao phủ vắc xin theo kế hoạch đã được phê duyệt, rà soát quản lý đối tượng tiêm chủng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ trong tiêm chủng mở rộng và tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống bệnh sởi theo kế hoạch của Bộ Y tế;
(3). Thực hiện tốt việc phân luồng, khám sàng lọc bệnh, đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị, kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế, đặc biệt chú ý các trường hợp có nguy cơ cao;
(4). Tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành;
(5). Rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, vật tư, thiết bị, nhân lực đáp ứng các yêu cầu trong phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Thanh Nga
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác