24/12/2024 03:27
Có nhiều tác nhân gây tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên vi rút Rota là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy nặng, nhập viện, thậm chí tử vong ở trẻ nhỏ trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Ở các nước đang phát triển, vi rút Rota gây ra hơn 500.000 ca tử vong mỗi năm cho trẻ em dưới 5 tuổi, vi rút Rota cũng là một trong những nguyên nhân gây lồng ruột ở trẻ nhỏ. Tại Việt Nam, 56% trường hợp tiêu chảy cấp nhập viện ở trẻ nhỏ là do vi rút Rota.
Vi rút Rota lây truyền chủ yếu qua đường phân - miệng, ngoài ra có thể lây theo đường hô hấp từ trẻ em đã bị nhiễm sang trẻ em khác và đôi khi là người lớn. Trẻ em có thể gây nhiễm cho người khác cả trước và sau khi khởi phát bệnh. Người là ổ chứa vi rút Rota duy nhất, những người bị nhiễm bệnh thải ra một lượng lớn vi rút Rota, phân của người bệnh hoặc phân của người lành mang vi rút Rota làm ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước, ngoài ra còn gây ô nhiễm thực phẩm hay các vật dụng khác. Vi rút Rota sống bền vững trong môi trường, có thể sống nhiều giờ trên bàn tay, nhiều ngày trên các bề mặt rắn, đặc biệt vi rút Rota có thể tồn tại nhiều tháng nếu không được khử trùng.
|
Ảnh minh họa vi rút Rota.
|
Một người có thể mắc tiêu chảy cấp do vi rút Rota nhiều lần vì có nhiều chủng Rota khác nhau, nhưng những lần nhiễm trùng tiếp theo có xu hướng ít nghiêm trọng hơn lần đầu. Ở trẻ nhỏ, bệnh thường xuất hiện đột ngột với triệu chứng tiêu chảy phân nước, sốt và nôn. Triệu chứng thường xuất hiện sau giai đoạn ủ bệnh 2 đến 3 ngày và kéo dài trung bình khoảng 5 đến 7 ngày.
Mất nước nghiêm trọng là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh. Tiêu chảy cấp do vi rút Rota là nguyên nhân gây mất nước đứng hàng thứ 2 sau phẩy khuẩn Tả do số lần tiêu chảy trong ngày thường từ 10-20 lần, một số trường hợp trẻ có thể đi ngoài trên 20 lần/ngày. Cả ba triệu chứng của bệnh vi rút Rota (sốt, nôn mửa, tiêu chảy) đều khiến trẻ mất nước. Tình trạng mất nước có thể gây ra co giật, tổn thương não, tử vong. Những biểu hiện cho thấy trẻ bị mất nước nghiêm trọng là chóng mặt, choáng váng, môi/lưỡi/da khô, tiểu ít, không đi tiểu trong vòng 4-6 giờ ở trẻ nhỏ hoặc 6-8 giờ ở trẻ lớn, kích thích, quấy khóc. Ngoài hiện tượng mất nước, trẻ bị tiêu chảy kéo dài còn dẫn tới biến chứng chán ăn, bỏ ăn, dần dần suy dinh dưỡng và kiệt sức. Trẻ suy giảm miễn dịch có thể mắc bệnh nặng hơn hoặc dai dẳng hơn.
Yếu tố nguy cơ của vi rút Rota
- Trẻ bú bình không đảm bảo vệ sinh, nguy cơ tiêu chảy cao gấp nhiều lần so với trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc không bú bình.
- Ăn bổ sung không đúng cách: cho trẻ ăn thức ăn nấu để lâu ở nhiệt độ phòng, thức ăn bị ô nhiễm trước và sau khi chế biến.
- Nước uống không sạch (không đun sôi hoặc để lâu) hoặc nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm.
- Dụng cụ, tay người chế biến thức ăn bị nhiễm bệnh.
- Xử lý chất thải đã nhiễm bệnh không đúng cách, quan niệm phân trẻ không bẩn như phân người lớn.
- Không có thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn…
Nguyên tắc điều trị
Tiêu chảy cấp do vi rút Rota điều trị bằng kháng sinh không hiệu quả. Ở thể nhẹ không có biến chứng, bệnh thường tự khỏi sau 3 đến 4 ngày. Việc điều trị chủ yếu là phòng biến chứng: bù nước và chất điện giải khi trẻ bị mất nước. Đối với trẻ bị bệnh nhẹ, sau khi đưa trẻ đến khám ở các cơ sở y tế, có thể để trẻ ở nhà và chăm sóc theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. Đặc biệt chú ý các điểm sau:
- Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Có thể dùng nước đun sôi để nguội, nước ép nguyên chất, cháo, súp, nước dừa, nước canh rau hoặc cho trẻ uống Oresol theo hướng dẫn của thầy thuốc.
- Cho trẻ ăn ít nhất 6 bữa/ ngày. Nếu trẻ nôn, ngưng 10 phút sau đó ăn/ uống chậm lại.
- Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ vì các thuốc này có thể làm giảm nhu động ruột làm liệt ruột khiến phân không thải được ra ngoài.
Biện pháp dự phòng
Gần như không thể phòng tránh tuyệt đối tình trạng tiêu chảy ở trẻ em, tuy nhiên có một số biện pháp giúp giảm nguy cơ mắc bệnh như:
- Cho trẻ bú sữa mẹ: Khuyến nghị mẹ nên cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và duy trì ít nhất đến năm 1 tuổi. Không cho trẻ uống sữa tươi chưa tiệt trùng hoặc thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng (mốc, ôi thiu, lên men…)
- Đảm bảo vệ sinh ăn uống: đảm bảo trẻ uống nước đã đun sôi/ nước tinh khiết. Hạn chế nước trái cây và thức uống có đường trong thực đơn của trẻ. Bảo quản/ rã đông thực phẩm đúng cách, ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập.
- Tránh cho trẻ dùng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh nếu không thực sự cần thiết.
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ: Ngăn ngừa lây nhiễm bằng cách thường xuyên rửa tay trẻ bằng xà phòng hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn tay. Không cho trẻ tiếp xúc với những trẻ bị tiêu chảy hoặc nôn trớ.
- Đảm bảo vệ sinh môi trường: Giữ các bề mặt trong phòng tắm, phòng khách (bồn rửa mặt, tay nắm cửa, giường tủ…) sạch sẽ.
- Quan trọng nhất là chủ động phòng bệnh bằng vắc xin ngừa vi rút Rota đường uống cho trẻ.
Vắc xin ngừa Rota trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam được Bộ Y tế cấp phép sử dụng là Rotarix của Công ty GlaxoSmithKline Biologicals S.A sản xuất và Rotavin của POLYVAC sản xuất trong nước. Đây là hai loại vắc xin được Bộ Y tế triển khai trong tiêm chủng mở rộng từ năm 2024 và hoàn toàn miễn phí. Lịch uống vắc xin khuyến cáo cho trẻ từ 2 tháng tuổi trong đó liều 1 lúc trẻ 2 tháng, liều 2 cách liều thứ nhất tối thiểu 1 tháng, cần hoàn thành lịch uống vắc xin trước 6 tháng tuổi và chỉ sử dụng cùng loại vắc xin của cùng 1 nhà sản xuất cho cùng một trẻ để đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất.
|
Vắc xin Rotarix là vắc xin sống, giảm độc lực do Công ty GlaxoSmithKline Biologicals S.A sản xuất. Vắc xin Rotarix hỗn hợp dung dịch uống, dạng lỏng trong và không màu.
|
Tại Việt Nam, trước khi đưa vắc xin Rota vào Chương trình TCMR đã có hàng triệu liều vắc xin Rota được sử dụng an toàn tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ mỗi năm. WHO khuyến cáo tất cả các quốc gia cần đưa vắc xin Rota vào Chương trình TCMR, đến nay, trên toàn cầu đã có hơn 120 quốc gia sử dụng vắc xin này trong chương trình TCMR trong đó có Việt Nam. Tại tỉnh Đắk Lắk, dự kiến trong tháng 12 năm 2024 sẽ bắt đầu triển khai cho uống vắc xin Rota trong tiêm chủng thường xuyên, hình thức có thể sử dụng cùng với các vắc xin trong Chương trình TCMR như vắc xin 5 trong 1, DPT, IPV, Viêm gan B, vắc xin ngừa phế cầu khuẩn. Vắc xin Rota cũng có thể dùng với các vắc xin sống giảm độc lực khác như OPV, BCG…Các bằng chứng đã cho thấy vắc xin ngừa vi rút Rota không gây ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của các vắc xin khác. Đối với những trẻ hoãn, chưa uống đủ liều vắc xin Rota, cần tổ chức uống vét ngay trong tháng để hạn chế mất cơ hội tiếp cận do giới hạn tuổi chỉ định vắc xin Rota. Mục tiêu đảm bảo an toàn tiêm chủng và đảm bảo cho trẻ em dưới 1 tuổi được uống 2 liều vắc xin Rota trong tiêm chủng thường xuyên đạt tỷ lệ ≥ 90% tại các địa phương triển khai.
Thanh Nga
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác