02/01/2025 01:49
Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 1,9 triệu người với 49 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 35% dân số. Cùng với việc tập trung thực hiện mục tiêu xây dựng địa phương trở thành một trong những trung tâm về dịch vụ y tế kỹ thuật cao của khu vực Tây Nguyên, trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đầu tư, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, chú trọng y tế dự phòng nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn diện cho mọi người dân.
Tập trung phòng bệnh từ xa, từ sớm
Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, trong những năm qua ngành Y tế Đắk Lắk luôn chú trọng công tác y tế dự phòng và coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Theo đó, Ngành đã tập trung nhân lực, đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng từ tuyến tỉnh đến cơ sở, đảm bảo hiệu quả hoạt động phòng chống dịch bệnh và các chương trình Y tế. Trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh với vai trò là đơn vị tham mưu, quản lý về công tác y tế dự phòng đã phối hợp chặt chẽ với hệ thống y tế tuyến huyện và tuyến xã/phường, tăng cường các hoạt động giám sát sự kiện y tế công cộng nhằm kịp thời phát hiện các bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng; tổ chức giám sát phòng chống dịch, đảm bảo môi trường sống an toàn cho nhân dân.
Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ CKII Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, năm 2024, tình hình dịch bệnh ở địa phương diễn biến phức tạp, đặc biệt do hậu quả kéo dài của đại dịch COVID-19, khiến tỷ lệ tiêm chủng một số loại vắc-xin trên địa bàn chưa đạt yêu cầu, một số bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin trên địa bàn tỉnh gia tăng, trong đó có 818 ca mắc sởi, không có trường hợp tử vong (so sánh với năm 2023 không ghi nhận trường hợp mắc sởi). Bên cạnh đó sự biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường làm gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 7272 ca mắc, 03 ca tử vong, tăng cao so với cùng kỳ năm trước (năm 2023: 4973 trường hợp mắc và 06 ca tử vong). Một số bệnh nổi bật khác như dại ghi nhận 07 trường hợp mắc và tử vong trong năm 2024, các bệnh truyền nhiễm khác cơ bản ổn định, không ghi nhận sự gia tăng bất thường trên phạm vi toàn tỉnh.
Trước tình hình dịch bệnh đa dạng và phức tạp, Ngành y tế Đắk Lắk đã triển khai nhiều biện pháp kiểm soát và phòng chống như thực hiện khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện, nhằm khống chế không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện các đợt tiêm chủng mở rộng, tiêm vắc xin quy mô lớn. Tính đến tháng 11 năm 2024, Ngành Y tế đã triển khai tiêm Vắc xin Sởi - Rubella cho trẻ em từ 1-5 tuổi và nhân viên y tế, kết quả: Sởi mũi 1 cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt tỷ lệ 88,8%; Sởi mũi 2 cho trẻ em từ 18-24 tháng tuổi đạt 87,6%. Bên cạnh tiêm chủng thường quy, ngành y tế cũng đã tổ chức chiến dịch tiêm chủng sởi cho trẻ em 1-5 tuổi đạt 67,2%, nhân viên y tế 97,6% và đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng ngừa bệnh sởi.
|
Ngành Y tế đã triển khai tiêm Vắc xin Sởi - Rubella cho trẻ em từ 1-5 tuổi.
|
Ngoài ra, hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức các đợt phun hóa chất diệt muỗi, phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết như loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng, phát quang bụi rậm quanh nhà…Chỉ tính riêng trong tháng 10 năm 2024, toàn tỉnh đã huy động 4.287 người tham gia thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy phòng, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết với 50.579 hộ gia đình được giám sát, hướng dẫn vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, Ngành y tế cũng đã triển khai các chiến lược truyền thông giáo dục sức khỏe để thay đổi hành vi của người dân và cung cấp thông tin chính thống, kịp thời và minh bạch giúp người dân không hoang mang trước dịch bệnh và để người dân tích cực tham gia vào các biện pháp phòng ngừa. Các nội dung được hướng dẫn bao gồm: Hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ; xử lý nguồn nước và vệ sinh môi trường ứng phó với bão, lũ lụt; cách sử dụng máy phun hoá chất và một số lưu ý khi sử dụng máy ở tuyến huyện.
“Nhờ sự chủ động, tăng cường công tác giám sát tại cộng đồng và các cơ sở y tế nên ngành y tế đã phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng xử lý kịp thời không để dịch lây lan, bùng phát trên diện rộng, điều trị kịp thời và hạn chế tử vong ở mức thấp nhất. Đặc biệt, chính nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Sở Y tế đã tạo đà cho công tác y tế dự phòng từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe toàn dân. Người dân được bảo vệ nhờ công tác y tế dự phòng, được hưởng những dịch vụ y tế chuyên sâu, chất lượng cao, nhiều bước tiến mới trong hợp tác quốc tế về y tế… Điều này đã và đang góp phần bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh”, Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ CKII Hoàng Hải Phúc, chia sẻ.
Từng bước củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở
Xác định vai trò quan trọng của hệ thống y tế cơ sở đối với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành y tế tỉnh Đắk Lắk luôn quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị trong hệ thống. Theo ông Nay Phi La, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân; củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, nhiệm kỳ 2020 - 2025, những năm qua, ngành Y tế Đắk Lắk đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng Y tế theo từng giai đoạn cụ thể. Đồng thời, Ngành y tế cũng tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh để tập trung đầu tư các nguồn lực, vận dụng các cơ chế, chính sách của trung ương, của tỉnh để đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, hướng tới sự hài lòng, tin cậy của người dân. Theo đó, đến nay toàn tỉnh hiện có 15 Bệnh viện đa khoa và chuyên khoa. Trong đó, 08 Bệnh viện công lập và 07 Bệnh viện tư nhân; có 06 Trung tâm y tế tuyến tỉnh; 02 Chi Cục; 15 Trung tâm Y tế tuyến huyện, thị xã, thành phố; mạng lưới Y tế trên địa bàn tỉnh đang từng bước được đầu tư, nâng cấp từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn huy động xã hội hóa và các dự án viện trợ nước ngoài, đặc biệt tỉnh cũng rất quan tâm đến y tế cơ sở. Tổng số giường bệnh trên địa bàn tỉnh có 5.130 giường; trong đó, tuyến tỉnh: 2.430 giường bệnh; Tuyến huyện: 2.700; Số giường bệnh/vạn dân đạt 29 giường bệnh/vạn dân. Tỷ lệ xã 100% xã có Trạm y tế. Từ điểm xuất phát là địa phương có hệ thống y tế cơ sở thiếu thốn về trang thiết bị, xuống cấp về cơ sở hạ tầng, đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có 100% xã, phường, thị trấn có Trạm Y tế; số bác sĩ/vạn dân đạt 8,3 bác sĩ/vạn dân. Tỷ lệ Trạm y tế xã có bác sĩ phục vụ đạt 92,9%. Đây là mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất, là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật. Trong công tác phòng, chống dịch Covid -19, các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh là mắt xích quan trọng trong việc kiểm soát tình hình, ngăn chặn dịch bệnh.
“Ngành y tế Đắk Lắk luôn xác định mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất, là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật. Do đó, cần có luồng gió mới để y tế cơ sở có thể thu hút được bệnh nhân. Những năm qua, cùng với bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ, nhiều kỹ thuật mới, phương pháp y học tiến bộ được Ngành Y tế tỉnh nhà ứng dụng thành công, đem lại hy vọng, niềm vui, sự hài lòng cho các bệnh nhân, đồng thời, làm giảm đáng kể tình trạng chuyển tuyến và quá tải tại các bệnh viện tuyến trên. Việc tiếp nhận chuyển giao và nhanh chóng triển khai làm chủ các gói kỹ thuật cao, kỹ thuật mới, hiện đại và chuyên sâu trong khám và chữa bệnh tại các tuyến y tế cơ sở đã và đang tạo điều kiện cho người dân, có cơ hội được tiếp cận và hưởng các kỹ thuật cao trong chăm sóc sức khỏe, mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh, nhất là đối với bệnh nhân nghèo được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại địa phương theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở”, ông Nay Phi La cho biết.
|
Việc ứng dụng các thiết bị kỹ thuật cao, hiện đại và chuyên sâu trong khám và chữa bệnh đã tạo điều kiện cho người dân có cơ hội được tiếp cận và hưởng các kỹ thuật cao trong chăm sóc sức khỏe.
|
Bước sang năm 2025, ngành Y tế Đắk Lắk sẽ tiếp tục tập trung nâng cao toàn diện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đẩy mạnh triển khai các kỹ thuật chuyên sâu và các kỹ thuật cao để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người dân trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới. Tăng cường chất lượng dịch vụ y tế dự phòng, bảo đảm đủ năng lực tổng hợp, phân tích mô hình bệnh tật trên địa bàn tỉnh, dự báo, giám sát và phát hiện sớm dịch bệnh để tham mưu các biện pháp, chính sách đáp ứng kịp thời việc khống chế có hiệu quả dịch bệnh.
Đặc biệt, trước xu thế công nghệ số tiên tiến, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, phát triển nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật tạo sự phát triển đồng đều trên cả 2 lĩnh vực phòng bệnh và khám chữa bệnh. Phát triển hệ thống y tế hoàn thiện cả về quy mô và chất lượng; xây dựng đội ngũ y, bác sĩ trưởng thành về năng lực, mẫu mực về y đức, ngày càng thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bảo Trọng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác