03/01/2025 04:48
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới cũng như ở Việt Nam trong thời gian qua. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk một số dịch bệnh truyền nhiễm vẫn tiếp tục được ghi nhận kéo dài. Mùa đông xuân thời tiết thay đổi bất thường, mưa ẩm kéo dài thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Mặt khác, việc gia tăng giao lưu, đi lại trong dịp Tết, lễ hội là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, bùng phát. Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm gia cầm tăng cao cũng dẫn đến nguy cơ xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm mới, nguy hiểm. Để chủ động kiểm soát hiệu quả dịch bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết và mùa lễ hội xuân năm 2025, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch số 297 ngày 31/12/2024 về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm dịp Tết và mùa Lễ hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, năm 2025 với mục tiêu khống chế kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội.
Để đảm bảo các mục tiêu của kế hoạch, Sở Y tế đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm như: Công tác chỉ đạo; Công tác tuyên truyền; Công tác giám sát, xử lý dịch; Công tác thu dung bệnh nhân; Công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch; Công tác tiêm chủng vắc xin; Công tác đảm bảo hậu cần cho phòng chống dịch.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu Phòng Nghiệp vụ Y Dược - Sở Y tế tham mưu văn bản cho UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương, các Sở, ngành duy trì triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế với quan điểm không chủ quan, lơ là, kiên quyết ngăn chặn các nguồn lây, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; duy trì và thực hiện hiệu quả các tổ phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng. Tham mưu Giám đốc Sở chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện chức năng nhiệm vụ trong công tác giám sát phòng, chống, chẩn đoán, điều trị, truyền thông phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm dịp Tết và mùa Lễ hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, năm 2025.
|
Duy trì và thực hiện hiệu quả các tổ phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng (Ảnh: Đình Thi)
|
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: Hướng dẫn cụ thể về mặt chuyên môn để các đơn vị trực thuộc, các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động phối hợp triển khai thực hiện. Chỉ đạo triển khai, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện tiêm chủng đảm bảo hiệu quả, an toàn và kịp tiến độ đề ra. Cung cấp tài liệu chuyên môn cho các cơ quan thông tin đại chúng, các Ban, ngành, đoàn thể phục vụ cho công tác truyền thông, tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, lợi ích của tiêm vắc xin và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu, phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời, đặc biệt là bệnh COVID-19, MERS-CoV, cúm A(H7N9), bệnh cúm A(H5N1), A(H5N6), chú trọng triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại, các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp (bạch hầu, sởi, rubella...) và các bệnh lưu hành (tay chân miệng, sốt xuất huyết...), xử lý triệt để các ổ dịch, khoanh vùng, không để bùng phát lan lộng và báo cáo theo quy định.
|
Tổ chức triển khai thực hiện tiêm vắc xin đảm bảo theo đúng mục tiêu, chỉ tiêu đề ra (Ảnh: Đình Thi)
|
Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố: Khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết và mùa lễ hội xuân năm 2025 trên địa bàn và tổ chức triển khai thực hiện tiêm vắc xin đảm bảo theo đúng mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Tập huấn cho đội ngũ phòng, chống dịch những kiến thức trong giám sát, phát hiện bệnh dịch; công tác khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm và trang bị kỹ năng truyền thông phòng chống dịch cho cộng đồng. Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ điều trị, chăm sóc bệnh nhân, hạn chế mức thấp nhất trường hợp tử vong. Báo cáo kế hoạch với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của địa phương để nhận được sự hỗ trợ trong quá trình thực hiện.
Các Bệnh viện trên địa bàn: Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ điều trị, chăm sóc bệnh nhân, hạn chế mức thấp nhất trường hợp tử vong. Phối hợp chặt chẽ giữa hệ điều trị và hệ dự phòng trong việc chia sẻ thông tin, lấy mẫu bệnh phẩm để khẳng định chẩn đoán. Tổ chức các đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân mắc bệnh tại cộng đồng, cũng như tăng cường nhân lực cho tuyến dưới khi có yêu cầu. Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện chẩn đoán, cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
Hồng Vân
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác