20/01/2025 02:28
Trong nhiều năm qua, do ảnh hưởng các yếu tố của thời tiết, sự chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống bệnh của người dân nên dịch sốt xuất huyết ở tỉnh Đắk Lắk có nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với sự chủ động của Ngành Y tế và sự tham gia tích cực của chính quyền các địa phương nên dịch bệnh sốt xuất huyết luôn được kiểm soát, góp phần hạn chế số ca tử vong do bệnh, từng bước nâng cao sức khỏe nhân dân.
Những năm qua, các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng đang phải chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết nắng mưa đan xen là môi trường thuận lợi để muỗi vằn phát triển. Ngoài điều kiện khí hậu nắng nóng, mưa nhiều, công tác vệ sinh môi trường chưa tốt, ngoài ra còn có nguyên nhân là do ý thức của người dân còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là việc huy động cộng đồng, nhân lực cho các hoạt động diệt bọ gậy, phun hóa chất tại nhiều nơi còn nhiều khó khăn, dẫn đến việc xử lý ổ dịch còn chưa triệt để, khiến dịch diễn biến phức tạp, kéo dài.
|
Ngành y tế Đắk Lắk chủ động phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực ổ dịch. (Ảnh: Đình Thi)
|
Trước những diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, hằng năm Ngành y tế Đắk Lắk đã xây dựng các phương án để giảm các trường hợp mắc và tử vong do sốt xuất huyết xuống mức thấp nhất. Theo đó, sau khi nhận thông tin có ca sốt xuất huyết, ngành y tế đã cử cán bộ tiến hành điều tra, xác minh dịch tễ về ca mắc, giám sát véc-tơ truyền bệnh tại khu vực ghi nhận ca bệnh, đồng thời triển khai công tác diệt lăng quăng, bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi tại các hộ gia đình. Đồng thời, tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực giám sát, chẩn đoán, điều trị; giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch; truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; các cơ sở điều trị tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị hiệu quả các ca bệnh, tránh lây nhiễm chéo, hạn chế thấp nhất tử vong.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp từ dự phòng đến điều trị nên tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết ở tỉnh Đắk Lắk đã được kiểm soát, từng bước hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc và tử vong. Đặc biệt, trong năm 2024, mặc dù số ca sốt xuất huyết tăng gần gấp đôi nhưng con số tử vong do dịch đã giảm còn một nửa so với năm 2023. Cụ thể, năm 2023 số ca mắc sốt xuất huyết là 4.970 trường hợp, 06 trường hợp tử vong. Nhưng năm 2024, số ca mắc sốt xuất huyết là 7.372 trường hợp, tăng gần 50% so với năm 2023, trong số đó có 03 trường hợp tử vong.
|
Ngành y tế chủ động thu dung điều trị hiệu quả các ca bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong do bệnh sốt xuất huyết. (Ảnh: Đình Thi)
|
Thầy thuốc ưu tú, thạc sĩ, bác sĩ CKII Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường gia tăng vào mùa mưa, khoảng tháng 7 đến tháng 9. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
|
Thạc sĩ, bác sĩ CKII Hoàng Hải Phúc phát biểu tại lớp tập huấn nâng cao năng lực giám sát phòng chống dịch sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác phòng, chống dịch ở trên địa bàn tỉnh. (ảnh: Đình Thi)
|
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.
Năm 2025, tình hình sốt xuất huyết sẽ có những diễn biến phức tạp, dự báo đây là năm chu kỳ dịch của giai đoạn 3 năm, số ca mắc tiếp tục tăng cao và công tác phòng, chống dịch bệnh còn nhiều khó khăn. Theo đó, để chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm số ca tử vong do sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xây dựng kế nhằm chủ động phòng, chống sốt xuất huyết không để dịch bùng phát và lan rộng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng và thay đổi hành vi trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại địa phương. Trong đó, sẽ đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền đến cộng đồng về các kiến thức cơ bản của bệnh và vận động người dân thực hiện diệt lăng quăng, bọ gậy tại các hộ gia đình, cơ quan, xí nghiệp và vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cũng đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương. Tổ chức vệ sinh môi trường, phun hóa chất tại các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch. Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể. Xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diện rộng.
“Nguy hiểm của sốt xuất huyết là nhiều người thấy sốt nhưng không xét nghiệm, tự mua thuốc giảm sốt về uống, tự ý truyền nước, khi nặng mới tới bệnh viện. Tuy nhiên, đây là căn bệnh nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong nếu ở ngày thứ 3-7 của bệnh bị thoát huyết tương dẫn đến sốc, hoặc xuất huyết nặng kèm tình trạng sốc, suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch… nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời. Trong quá trình chăm sóc người bệnh tại nhà, cần lưu ý chế độ dinh dưỡng bởi lúc này chức năng gan bị ảnh hưởng có thể khiến bệnh nhân ăn không ngon miệng. Người bệnh nên chia nhỏ các bữa ăn, ưu tiên cách chế biến mềm, lỏng để dễ hấp thu và quan trọng cần bổ sung đủ nước giúp làm mát cơ thể như oresol, nước dừa, nước hoa quả…Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nhóm B, lây truyền qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn, bệnh chưa có thuốc đặc trị, hiện nay trên thị trường đã có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết, việc tiêm vắc xin phòng sốt xuất huyết có thể kích thích cơ thể tạo ra kháng thể đặc hiệu, chủ động với các tuýp vi rút Dengue gây bệnh sốt xuất huyết, nhờ đó giảm thiểu đáng kể nguy cơ mắc bệnh, giảm thiểu tối đa những hệ lụy đáng tiếc đến sức khỏe bản thân và cộng đồng, nhưng giá thành còn quá cao so với mặt bằng chung của người có thu nhập thấp. Để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, không để sốt xuất huyết lây lan thành dịch trong cộng đồng, hơn ai hết mỗi người dân phải nêu cao ý thức tự giác phòng chống dịch bệnh, tuyệt đối không lơ là chủ quan trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay. Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy tại hộ gia đình và nơi sinh sống với phương châm “không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết” nhằm tiêu diệt tác nhân gây bệnh” thầy thuốc ưu tú, thạc sĩ, bác sĩ CKII Hoàng Hải Phúc, chia sẻ.
Bảo Trọng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác