20/01/2025 02:42
Hiện nay, thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ hạ thấp gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người. Đối với người cao tuổi hệ miễn dịch suy giảm, thường mắc nhiều bệnh mạn tính và khả năng điều chỉnh thân nhiệt của cơ thể giảm nên sức khỏe dễ bị tổn thương hơn vào mùa lạnh. Các bệnh thường gặp ở người cao tuổi vào mùa lạnh là bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,…), bệnh tim mạch (Tăng huyết áp, đột quỵ não…), bệnh cơ xương khớp (viêm khớp, thoái hoá khớp,…).
Đang điều trị nội trú tại Khoa Lão, BVĐK vùng Tây Nguyên, bà T.T.M 74 tuổi (trú tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Tôi nằm điều trị tại đây gần một tuần. Tôi bị bệnh tiểu đường hơn 10 năm, mỗi khi trời lạnh tôi thấy cơ thể rất mệt, lần này cũng vậy nên tôi phải nhập viện.
Hay trường hợp của ông Ph.Nh.T 76 tuổi, người nhà ông cho biết: Ông T bị viêm phế quản, những ngày trời lạnh ông thường khó thở. Thấy ông T khó thở, lại không ăn uống được nên gia đình phải cho ông T đến cơ sở y tế để điều trị.
Bác sĩ chuyên khoa II Niê Lê Thị H’Xuân, trưởng Khoa Lão, BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết: Vào mùa lạnh khoa thường tiếp nhận số lượng bệnh nhân nhiều hơn. Trung bình một ngày tại Khoa Lão, BVĐK vùng Tây Nguyên tiếp nhận và điều trị cho khoảng 20-30 bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp như bệnh viêm phế quản, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tăng huyết áp, viêm khớp, viêm dạ dày, tiểu đường…
|
Mùa lạnh người cao tuổi thường mắc các bệnh về đường hô hấp như bệnh viêm phế quản, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… (ảnh: Đình Thi).
|
Để đảm bảo sức khỏe cho người cao tuổi trong mùa lạnh, bác sĩ H’Xuân cũng đưa ra lời khuyên: Trong mùa lạnh người cao tuổi đặc biệt cần giữ ấm cơ thể. Mặc đủ ấm, chú ý giữ ấm vùng cổ, tay, chân. Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ năng lượng để có sức đề kháng tốt trong mùa lạnh. Mỗi bữa ăn cần đủ bốn nhóm chất: tinh bột, đạm, dầu mỡ, vitamin và khoáng chất. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả để bổ sung vitamin và khoáng chất, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, phòng ngừa táo bón, thừa cân béo phì, giúp cho người cao tuổi hạn chế tái phát các bệnh do chuyển hóa và hạn chế nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch.
Đối với chế độ luyện tập thể dục: Người cao tuổi cần duy trì tập luyện thể dục đều đặn để đảm bảo sức khoẻ, tăng cường sự dẻo dai và linh hoạt của cơ thể. Đồng thời, việc luyện tập thể dục đều đặn còn giúp người cao tuổi giảm nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính như tim mạch, tiểu đường và các vấn đề về cơ xương khớp,... Tập thể dục thường xuyên cũng giúp giảm căng thẳng, lo âu và nâng cao chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên, người cao tuổi cần lựa chọn các hình thức luyện tập phù hợp với tuổi tác, cơ địa để tránh gây hại đến sức khỏe, nguy cơ gây chấn thương, đột quỵ.
Đối với bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính (tăng huyếp áp, đái tháo đường…) cần tuân thủ chế độ uống thuốc đều đặn và tái khám định kỳ: Việc khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi rất quan trọng, vì vừa theo dõi được tình trạng sức khỏe của cơ thể, vừa sớm phát hiện được những bất thường xảy ra trong cơ thể để kịp thời chữa trị.
Lưu ý, người cao tuổi khi nằm nghỉ và ngủ dậy, không nên ngồi dậy đột ngột mà nên nằm lại vài giây, nên xoay đầu và nghiêng người lại, chống tay dậy từ từ. Hãy khởi động các khớp trước khi bước chân xuống giường. Khi ngủ dậy nếu thấy cảm giác lạ như tê nửa người, bại một bên chân hoặc tay, cần nằm nghỉ và mời bác sỹ tới khám, không cạo gió, không cố tập thể dục.
Tuổi già, cơ thể suy yếu, sức đề kháng giảm, thường mắc nhiều bệnh do các cơ quan, bộ phận của cơ thể bị già hoá nhưng tốc độ già hoá lại khác nhau, vì vậy biểu hiện bệnh tật ở người già thường không điển hình. Ở người già, ranh giới giữa sinh lý (quá trình hoá già tự nhiên) với bệnh lý thường không rõ nên việc kiểm tra sức khoẻ định kỳ hoặc khi có biểu hiện bất thường cần đến cơ sở y tế là rất cần thiết.
Để tránh những điều rủi ro xảy ra đối với sức khỏe người cao tuổi rất cần sự quan tâm, cảm thông chia sẻ của con cháu cũng như những người thân xung quanh. Đặc biệt người cao tuổi cần chú ý đến việc giữ gìn sức khỏe của chính bản thân mình.
Hồng Vân
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác