20/01/2025 02:46
Tết Ất Tỵ đang đến gần, khi nhu cầu mua sắm tăng cao cũng là lúc người dân đang đối diện với nỗi lo về an toàn thực phẩm (ATTP). Để giảm bớt sự lo lắng cho người tiêu dùng, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, Ban chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã vào cuộc để tăng cường kiểm tra, xử lý, đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa an toàn cho người dân trong dịp tết.
Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về là không khí mua bán các mặt hàng diễn ra tấp nập khắp các nẻo đường từ thành phố đến vùng thôn quê, ngoài sản phẩm thông dụng của các công ty sản xuất trong nước, trên thị trường còn có sự góp mặt khá phong phú các mặt hàng bánh kẹo, đồ uống, mứt hoa quả, nước giải khát, rượu, hạt dưa, hạt bí đủ loại… Nguy cơ các mặt hàng phục vụ tết mất an toàn vệ sinh thực phẩm là điều rất dễ xảy ra nếu điều kiện sản xuất của các cơ sở đều trong tình trạng tạm bợ, thủ công và vệ sinh không đảm bảo. Ngoài ra, nguyên liệu chế biến các mặt hàng ăn uống nếu không được bảo quản hợp lý, thậm chí vì lợi nhuận người sản xuất còn sử dụng thêm nhiều phụ gia, hóa chất độc hại để bảo quản và làm bắt mắt người tiêu dùng thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ là rất lớn. Nhiều mặt hàng phục vụ tết được bày bán tràn lan tại các chợ với đủ chủng loại rất phong phú, tiềm ẩn nguy cơ "3 không": Không nhãn mác, không ngày sản xuất và không hạn sử dụng.
|
Để mua được hàng hoá đảm bảo chất lượng, mọi người hãy cảnh giác và tuân thủ nguyên tắc nói không với thực phẩm trôi nổi trên thị trường. (ảnh: Đình Thi).
|
Ghi nhận tại các chợ thành phố Buôn Ma Thuột, những ngày gần đây, hình ảnh dễ dàng nhìn thấy nhất là nhiều loại bánh kẹo được bày bán theo cân, theo kí. Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc xuất xứ, các tiểu thương đều khẳng định đó là hàng công ty, đóng gói trong bao bì lớn để nhập với giá rẻ hơn so với bao bì nhỏ, có nhãn mác… Cùng với đó là các loại mứt tết, trái cây sấy khô với màu sắc bắt mắt nhưng không có nhãn mác, sản phẩm chỉ được đóng trong các bao bì lớn, được tiểu thương nhập về và phân chia thành các túi nhỏ để bán lẻ với giá rẻ hơn so với cùng loại sản phẩm được bày bán trong các siêu thị, cửa hàng lớn. Nhiều người không khỏi lo lắng khi mua sắm thực phẩm cho ngày Tết ở các chợ. Chị T.L.K, phường Ea Tam, Tp. Buôn Ma Thuột chia sẻ: “Tất cả người dân không phải ai cũng có điều kiện để đến mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng lớn có uy tín, nhiều người vẫn chọn các chợ truyền thống để mua sắm tết. Mặc dù vấn đề về ATTP luôn được các ngành chức năng quan tâm nhưng nhìn chung tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất hiện tại các chợ vẫn còn diễn ra. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của gia đình, tôi thường lựa chọn những quầy hàng quen biết, rõ nguồn gốc để mua thực phẩm. Đối với thực phẩm rau củ các loại, tôi thường vào internet tra cứu cách nhận biết hàng hóa do Việt Nam sản xuất rồi đặt mua mỗi khi đi chợ, hoặc đặt mua rau củ sạch do nông dân sản xuất tại các nơi có uy tín”.
|
Ban chỉ đạo ATVSTP tỉnh thành lập các đoàn thanh kiểm tra về ATTP dịp Tết Ất Tỵ và mùa lễ hội Xuân 2025. (ảnh: Đình Thi).
|
Ông Trần Quang Hưng, Phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Để góp phần đảm bảo ATTP, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, thời gian qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực. UBND tỉnh cũng đã có kế hoạch triển khai về công tác An toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, trong thời gian từ ngày 25/12/2024 đến 25/3/2025, UBND tỉnh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm do Thanh tra các Sở chủ trì: Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra 8 huyện, thành phố: Thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Ea Súp, huyện Ea H’leo, huyện Cư Kuin, huyện Krông Bông, huyện M’Đrắk, huyện Buôn Đôn và huyện Krông Buk. Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết và Lễ hội Xuân, như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm…và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong đó các đoàn thanh kiểm tra của tuyến tỉnh tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp huyện và xã thực hiện kiểm tra. Về nội dung kiểm tra, đối với cơ quan quản lý nhà nước về ATTP, kiểm tra việc tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành các cấp về ATTP; kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP; điều kiện của cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, điều kiện ATTP của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; chất lượng an toàn của sản phẩm, thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ; đăng ký công bố sản phẩm; ghi nhãn, quảng cáo, lấy mẫu kiểm nghiệm…
Ông Trần Quang Hưng cho biết thêm: vào những dịp Tết thì nguồn cung ứng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả, sản phẩm bánh kẹo, đồ chế biến sẵn rất dồi dào với đa dạng chủng loại. Tuy nhiên, các ngành chức năng không thể kiểm soát tất cả các mặt hàng trên thị trường, để đảm bảo an toàn thực phẩm, do đó để có thể mua được hàng hoá đảm bảo chất lượng, mọi người hãy cảnh giác và tuân thủ nguyên tắc nói không với thực phẩm trôi nổi trên thị trường, tránh mua những sản phẩm không ghi rõ tên, nguồn gốc xuất xứ, địa chỉ của nhà sản xuất và không ghi hạn sử dụng. Thực hiện tốt nguyên tắc mua sắm thông minh, ăn uống hợp lý, không nên có thói quen mua và tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết tránh đồ ăn dễ bị hỏng lại mất ngon và lãng phí. Chỉ nên chuẩn bị thực phẩm cho 2 đến 3 ngày tết và cần có chế độ ăn hợp lý cho những thành viên, theo độ tuổi trong gia đình.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác