20/01/2025 02:55
Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi, họng do hắt hơi, ho khạc. Ngành Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng chống bệnh cúm, nhất là thời điểm giao mùa.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cúm mùa là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất thế giới, với khoảng 650.000 ca tử vong mỗi năm, tương đương với mỗi một phút sẽ có một người tử vong do cúm. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ nhiễm cúm và lây nhiễm cúm trong cộng đồng. Theo kết quả thống kê của WHO, hàng năm có khoảng 1 tỷ ca nhiễm cúm, trong đó có tới 3 – 5 triệu ca cúm diễn biến nặng. Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp, do Influenza virus tuýp A (H1N1, H3N2) với gần 200 phân tuýp nhỏ và tuýp B (Yamagata, Victoria) gây ra. Cúm mùa thường gây ra các triệu chứng khởi phát dễ nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường như sốt, ớn lạnh, đau đầu, chóng mặt, đau nhức cơ, mệt mỏi toàn thân, cảm giác yếu ớt, ho nặng và kéo dài, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy… Tuy nhiên, những triệu chứng của cúm thường diễn biến với mức độ nghiêm trọng hơn, có thể biến chứng làm tăng nguy cơ viêm phổi gấp 100 lần, nhồi máu cơ tim gấp 6 lần và đột quỵ gấp 8 lần cùng tình trạng viêm não, viêm xoang, viêm tai giữa, suy hô hấp, hội chứng guillain-barré và tử vong.
|
Tiêm vắc-xin cúm mùa là biện pháp phòng bệnh tốt nhất. (Ảnh: Quang Nhật)
|
Tại Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng, nhiều năm qua do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết có nhiều thay đổi nắng –nóng bất thường, ô nhiễm môi trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm phát triển và lây lan. Chỉ tính riêng trong năm 2024, toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận trên 6.500 ca mắc cúm mùa. Trong đó, tập trung nhiều ở huyện Ea H'leo với trên 2.700 người mắc; huyện Ea Súp 902 trường hợp; huyện Lắk trên 600 trường hợp; huyện Krông Bông 577 trường hợp.
Bác sĩ Trần Kim Long, Phó phụ trách Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, Cúm mùa là bệnh thường gặp ở những người có thể trạng yếu và chủ quan với sức khỏe của mình. Bệnh dễ lây lan thành dịch mỗi khi giao mùa, thời tiết chuyển lạnh hoặc chuyển nóng thất thường như hiện nay. Bệnh cúm thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Bác sĩ Long cũng nhấn mạnh: tiêm vắc-xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh, nhất là sẽ tạo miễn dịch chéo, tránh dịch chồng dịch. Do đó, người dân không nên lơ là mà cần chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin để phòng bệnh. Sau lịch tiêm cơ bản, cần chú ý tiêm nhắc nhằm tăng cường kháng thể.
“Vắc-xin cúm giúp giảm nhiễm bệnh, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trên các đối tượng có nguy cơ. Đối với trẻ em, vắc-xin cúm mùa giúp giảm 60% nguy cơ nhiễm cúm, giảm 74% nguy cơ mắc cúm nặng đe dọa tính mạng. Đối với phụ nữ có thai giúp giảm 51% nguy cơ thai chết lưu, giảm 72% nguy cơ trẻ dưới 6 tháng tuổi nhập viện do cúm. Đối với nhân viên y tế, vắc-xin giúp giảm 66% trường hợp người bệnh nhập viện. Đối với người có bệnh nền, giúp giảm 70% nguy cơ tử vong ở bệnh nhân có bệnh hô hấp, giảm 55% nguy cơ tử vong ở bệnh nhân có bệnh mạch vành, giảm 58% nguy cơ tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường. Đối với người cao tuổi, vắc-xin cúm mùa giúp giảm nguy cơ 50% tử vong do mọi nguyên nhân, giảm 40% tỉ lệ mắc Alzheimer”, bác sĩ Long chia sẻ.
Ngoài tiêm đầy đủ các loại vắc-xin, người dân cần phòng bệnh bằng cách rửa mũi, súc họng bằng dung dịch nước muối sinh lý hằng ngày, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra ngoài, khi tiếp xúc đông người, nâng cao sức đề kháng bằng dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, tập thể dục. Giữ ấm cơ thể, khi thời tiết trở lạnh cần mặc đủ ấm, phù hợp với mức độ lạnh bên ngoài. Mặc thêm áo ấm, mũ len, mang thêm bao tay, tất, khăn, đeo khẩu trang khi ra đường, đội mũ kín tai, sử dụng nước ấm.
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc các bệnh về đường hô hấp, tuyệt đối không nên tự mua thuốc điều trị ở nhà mà cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa để được chẩn đoán bệnh và xác định các bệnh căn bệnh kèm theo (nếu có) nhằm có hướng điều trị thích hợp. Điều trị sớm các bệnh về đường hô hấp sẽ giúp kiểm soát và loại bỏ nhanh chóng bệnh, tránh biến chứng nguy hiểm.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
2. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
3. Tiêm vắc-xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.
4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.
5. Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.
6. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Bảo Trọng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác