22/03/2025 08:14
Hiện nay, tại các cơ sở y tế, số người nhập viện do nhiễm cúm mùa tăng cao, trong đó có không ít trường hợp bị biến chứng nặng. Do đó, việc phát hiện và điều trị sớm bệnh cúm mùa để giảm nguy cơ phát triển của mầm bệnh là cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra do vi rút cúm gây ra. Có 4 chủng vi rút cúm là A, B.C, D, trong đó cúm A là cúm mùa phổ biến nhất. Cúm mùa là bệnh nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh cúm nhẹ có thể phát triển thành nặng và phức tạp hơn, gây biến chứng như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não và thậm chí tử vong. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh cúm. Người lớn khỏe mạnh thông thường sẽ hồi phục tốt nếu được điều trị kịp thời, ở trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch suy yếu nếu mắc cúm có thể để lại hậu quả nghiêm trọng hơn.

|
Việc điều trị cúm chủ yếu là điều trị triệu chứng, nghỉ ngơi, cách ly phòng lây nhiễm, sau vài ngày sẽ tự khỏi và không có biến chứng. (ảnh: Đình Thi)
|
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 1 tỷ ca mắc cúm, với 3-5 triệu ca bệnh nặng và từ 290.000 đến 650.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa. Theo thống kê của khoa Nội nhiễm, Bệnh viện đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột, trong 2 tháng đầu năm 2025, khoa đã tiếp nhận và điều trị cho gần 200 bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó có 50% số người mắc các chủng cúm nói chung và bệnh cúm mùa nói riêng. Đa số thường gặp ở người lớn tuổi, trẻ em, người có suy giảm miễn dịch. Những bệnh nhân mắc bệnh đang điều trị tại khoa đều có bệnh lý nền, có bệnh không đến cơ sở y tế ngay mà tự ý sử dụng các bài thuốc dân gian tại nhà, gây biến chứng viêm phổi, viêm cơ tim.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân L.V.T. (68 tuổi, ở xã Ea Ta, huyện Cư M’gar). Ông đang điều trị tại khoa Nội Bệnh viện đa khoa TP Buôn Ma Thuột, ông được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh cúm mùa trên bệnh nền tăng huyết áp.
Trường hợp khác là bệnh nhân L.T.L trú tại phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột cũng đang điều trị tại khoa Nội Bệnh viện đa khoa TP Buôn Ma Thuột với chẩn đoán mắc cúm mùa kèm bệnh nền đái tháo đường. Đáng lo ngại là bệnh nhân đã tự ý dùng thuốc dân gian tại nhà khi xuất hiện các triệu chứng cúm và bệnh đã diễn biến nặng hơn.

|
Cần lưu ý, việc tiêm phòng vắc xin cúm cần nhắc lại hằng năm chứ không phải tiêm 1 lần mà miễn dịch lâu dài. (ảnh: Đình Thi)
|
Theo bác sĩ chuyên khoa, có rất nhiều người nhầm lẫn giữa bệnh cúm và cảm lạnh do triệu chứng cúm và cảm tương đồng với nhau. Ngoài các dấu hiệu nhận biết bệnh cúm là đau họng, sổ mũi và hắt hơi (giống với cảm lạnh) thì bệnh cúm còn có các dấu hiệu cảnh báo: Sốt vừa đến cao (trên 38 độ C); cảm giác ớn lạnh; đau đầu, chóng mặt; đau nhức cơ bắp; mệt mỏi toàn thân, cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực; buồn nôn, tiêu chảy (thường xuất hiện ở trẻ em nhiều hơn). Tất cả các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng một hoặc hai tuần. Việc điều trị cúm chủ yếu là điều trị triệu chứng, nghỉ ngơi, cách ly phòng lây nhiễm, sau vài ngày sẽ tự khỏi và không có biến chứng. Thông thường, bệnh cúm diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 5-7 ngày nhưng với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Kim Quế - Trưởng khoa Nội nhiễm, Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột khuyến cáo, để phòng bệnh cúm, người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, đảm bảo dinh dưỡng, tăng cường vận động thể dục thể thao; tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh. Người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu, người mắc các bệnh nền, bệnh mạn tính, bệnh ung thư, phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi... nên chủ động tiêm phòng cúm hằng năm để phòng bệnh. Vắc xin cúm mùa sẽ giúp hệ miễn dịch của chúng ta chống đỡ được vi rút khi có dịch cúm; nếu mắc bệnh sẽ giảm nguy cơ tiến triển nặng. Cần lưu ý, việc tiêm phòng vắc xin cúm cần nhắc lại hằng năm chứ không phải tiêm 1 lần mà miễn dịch lâu dài.
Đối với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, nếu mắc cúm mùa cần phải được theo dõi chặt chẽ, vì vi rút cúm ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai có thể gây dị tật thai. Vì vậy, phụ nữ trước khi mang thai cần chủ động tiêm vắc xin phòng cúm, kể cả khi đã có thai vẫn có thể tiêm được vắc xin phòng cúm. Bệnh cúm mùa có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng ngừa nhờ tiêm vắc xin. Ở người già, vắc xin cúm làm giảm 60% tỷ lệ mắc bệnh và 70 - 80% tỷ lệ tử vong có liên quan đến cúm.
Kim Oanh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác