26/03/2025 04:07
Trước nguy cơ dịch sởi bùng phát tại nhiều địa phương, hiện nay, huyện Buôn Đôn đang dồn tổng lực triển khai thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ em thuộc các nhóm tuổi theo quy định của Ngành y tế. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất để kịp thời ngăn chặn sự lây lan của bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do bệnh gây ra.
Theo báo cáo, từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn huyện Buôn Đôn đã ghi nhận 55 trường hợp mắc sởi. Trong đó, xã Ea Wer là địa phương có số ca mắc nhiều nhất với 21 trường hợp. Ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Wer cho biết, là địa phương có 44,5% người dân là người DTTS, địa bàn rộng, đời sống còn nhiều khó khăn nên nhiều năm qua địa phương gặp nhiều khó khăn khi thực hiện tiêm chủng toàn diện cho trẻ. Nguyên nhân là do nhận thức về công tác tiêm chủng của đồng bào chưa thật đầy đủ, chưa chú trọng đến việc tiêm chủng vắc xin nên dịch có thể bùng phát mạnh. Nếu như tháng 1/2025 toàn xã ghi nhận 1 trường hợp mắc sởi thì đến tháng 2 là 9 ca, và đến nửa đầu tháng 3 ghi nhận thêm 10 ca.
.jpg)
|
Ông Y Si Thắt Ksơr, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Cục Phòng bệnh Bộ y tế.
|
"Mặc dù chúng tôi đã đến tận nhà vận động tiêm chủng nhưng do hầu hết các gia đình đi làm rẫy xa nhà nên ngại cho các cháu tiêm chủng hay một số cháu mới theo cha mẹ đi làm ăn xa trở về cũng chưa kịp tiêm chủng, dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng thấp. Dịp này, chúng tôi sẽ phối hợp với ngành y tế thực hiện việc triển khai đẩy mạnh tiêm vắc xin, phấn đấu với tỷ lệ các cháu được tiêm đủ số liều vắc xin đạt cao nhất ", ông Hạnh nói.
Bà Đào Thị Thúy, Phụ trách Trạm Y tế xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn cho biết, số ca mắc sởi ở trên địa bàn xã tăng mạnh từ cuối tháng 2 đến nay, chủ yếu thuộc nhóm trẻ chưa tiêm vắc xin hoặc chưa đến độ tuổi tiêm chủng. Vì người DTTS rất ngại việc tiêm vắc xin, do vậy cán bộ y tế xã luôn tìm cách truyền đạt để họ hiểu về tác dụng của vắc xin và nỗ lực tiêm phòng, tăng cường dinh dưỡng cho các trẻ.
"Trạm Y tế xã đang phối hợp với chính quyền địa phương đi tới từng hộ gia đình có con nhỏ để tuyên truyền, vận động người dân đưa con em đi tiêm phòng bệnh sởi. Chúng tôi cũng tiến hành tuyên truyền, phổ biến lợi ích của việc tiêm chủng vắc xin để bảo vệ sức khỏe để người dân hiểu và thực hiện”, bà Thúy nói.
.jpg)
|
Cán bộ Trạm Y tế xã Ea Huar tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ.
|
Trước diễn biến dịch sởi đang phức tạp, huyện Buôn Đôn đang tiến hành rà soát các nhóm trẻ để tiêm bù, tiêm vét vắc xin phòng bệnh. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho Trạm y tế các xã tham mưu cho chính quyền địa phương, kêu gọi các cấp, ngành, đoàn thể và người có uy tín tham gia vào công tác phòng, chống dịch.
Mới đây, tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Cục Phòng bệnh Bộ Y tế về kiểm tra đánh giá tiến độ triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống bệnh sởi trên địa bàn, ông Y Si Thắt Ksơr, Phó chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết, hiện nay tỷ lệ tiêm vắc xin sởi ở địa bàn vẫn chưa đạt yêu cầu một phần là do nhận thức của một bộ phận người dân chưa quan tâm đến vấn đề tiêm chủng. Do vậy, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh sởi lây lan nhanh tại địa phương. Để đảm bảo công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh cho trẻ đạt hiệu quả, lãnh đạo địa phương sẽ đồng hành cùng với ngành y tế để quyết tâm thực hiện tốt chiến dịch tiêm vắc xin lần này.
“Ngay sau khi nhận công văn số 2551/UBND-KGVX ngày 18/3 của UBND tỉnh về việc đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin phòng chống bệnh sởi, chúng tôi đã chỉ đạo các cấp, các ngành, UBND các xã phối hợp với Trạm y tế và các cơ sở giáo dục tiến hành rà soát và tổ chức tiêm cho trẻ thuộc các nhóm tuổi theo đúng quy định. Đồng thời thực hiện chế độ thông tin, báo cáo triển khai đầy đủ, kịp thời cho cấp trên”, ông Y Si Thắt Ksơr nói.
Theo bà Hồ Thị Tuyết Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh truyền nhiễm phát triển. Đặc biệt, đối với bệnh sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm có sức lây lan rất nhanh trong cộng đồng và nguy cơ bùng phát mạnh, đặc biệt ở khu vực tỷ lệ tiêm vắc xin đạt thấp. Do vậy, nhiều năm qua do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 trong thời gian qua và việc gián đoạn cung ứng các vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ em. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vắc xin trong những năm gần đây sẽ là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh bao gồm bệnh sởi. Nếu như năm 2024 toàn huyện chỉ ghi nhận 29 trường hợp thì 3 tháng đầu năm 2025, bệnh nhân mắc sởi tại địa phương đã tăng lên 55 trường hợp.
Cũng theo bà Lan, đến nay, huyện đã tiếp nhận 430 liều vắc xin sởi cho trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi; vắc xin cho trẻ từ 01 đến 10 tuổi 880 liều. Để hoàn thành chiến dịch tiêm vắc xin sởi trong đợt này, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch tham mưu cho UBND huyện triển khai chiến dịch tập trung cao bắt đầu từ ngày 26/3 với quyết tâm hoàn thành trước 31/3.
“Chúng tôi đã chỉ đạo trạm y tế các xã tiến hành điều tra hộ gia đình, lập danh sách các trẻ chưa tiêm vắc-xin phòng sởi; tổ chức buổi tiêm chủng, triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi, vắc-xin mở rộng tại trạm y tế xã, phối hợp với các cơ sở giáo dục, các ban, ngành, tổ chức liên quan để bố trí điểm tiêm chủng theo quy định, tránh bỏ sót đối tượng; thực hiện kiểm tra, giám sát công tác tổ chức buổi tiêm chủng, thực hiện quy trình chuyên môn và bảo quản vắc-xin, vừa đảm bảo tiến độ triển khai chiến dịch vừa đảm bảo an toàn tiêm chủng. Cùng đó quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, giám sát, xử lý kịp thời các ca bệnh sởi trên địa bàn theo đúng quy định của Bộ Y tế”, bà Lan chia sẻ.
Bảo Trọng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác