04/04/2025 03:22
Thời gian vừa qua, số trường hợp mắc sởi liên tục gia tăng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk khiến số ca mắc sởi nhập viện tại các cơ sở y tế cũng tăng nhanh, theo đó cũng làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Để không xảy ra tình trạng này và đảm bảo thực hiện tốt công tác khám, điều trị bệnh nhân mắc sởi, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt triển khai các công tác phân luồng khám bệnh, thu dung, điều trị bệnh nhân mắc sởi. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng phương án trong trường hợp ghi nhận gia tăng các trường hợp nhập viện do sởi.
Chăm sóc con đang nằm điều trị tại Khoa nhi Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vì mắc viêm phổi, chị Trần Thị Nhung (trú tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: Con tôi chỉ mới 6 tháng tuổi nhưng đã phải nằm viện hơn một tuần vì mắc viêm phổi. Khi nhập viện là lúc có rất nhiều trẻ mắc sởi đang điều trị tại Bệnh viện. Vì con chưa được tiêm phòng vắc xin sởi lại đang mắc bệnh nên tôi không khỏi lo lắng, sợ con bị lây nhiễm chéo bệnh sởi. Tuy nhiên, khi chăm sóc con tại đây, tôi thấy các bác sĩ thực hiện rất tốt việc phòng lây nhiễm chéo, trẻ mắc sởi được điều trị ở khu riêng biệt nên tôi cũng yên tâm phần nào.
.jpg)
|
Để phòng lây nhiễm chéo, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã dành một tầng riêng làm khu vực chuyên điều trị bệnh sởi. (ảnh: Quang Nhật)
|
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh – Trưởng khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, thời gian qua, Khoa đã tiếp nhận và điều trị khoảng 800 trường hợp trẻ mắc sởi và hiện nay, trung bình mỗi ngày Khoa điều trị cho hơn 60 trường hợp. Do số lượng bệnh nhi mắc sởi đông và sởi là bệnh truyền nhiễm, lây truyền nhanh qua đường hô hấp nên rất dễ xảy ra nguy cơ lây nhiễm chéo tại Khoa nếu không kịp thời thực hiện tốt công tác phân luồng khám bệnh, thu dung, điều trị bệnh nhân mắc sởi. Hiểu rõ điều đó, ngay từ khi tiếp nhận các trường hợp mắc sởi đầu tiên, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã chủ động tập trung chú trọng công tác phòng chống lây nhiễm chéo, tổ chức phân luồng ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh. Đồng thời, bố trí khu khám bệnh, điều trị riêng cho người bệnh sởi hoặc người nghi mắc sởi. Tại Khoa nhi Tổng hợp đã dành hẳn 1 tầng gồm 120 giường bệnh để chuyên điều trị cho trẻ mắc sởi. Khu điều trị có lối đi riêng dành cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế. Quá trình khám, điều trị cho bệnh nhân mắc sởi, tất cả nhân viên y tế đều tuân thủ nghiêm ngặt công tác phòng lây nhiễm chéo, có sẵn dung dịch sát khuẩn tay chứa cồn ở những nơi thăm khám, chăm sóc người bệnh. Công tác vệ sinh, làm sạch, khử khuẩn các bề mặt dễ bị nhiễm vi sinh vật như các vật dụng xung quanh người bệnh, thành giường, tủ đầu giường và các vật dụng thường xuyên sờ vào như tay nắm cửa, vật dụng trong nhà vệ sinh cũng được nhân viên y tế chú ý làm sạch, cũng như thường xuyên nhắc nhở người nhà, bệnh nhân thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm chéo.
.jpg)
|
Trẻ được điều trị sởi tại khu điều trị sởi thuộc Khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. (ảnh: Quang Nhật)
|
Tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, công tác thu dung, điều trị cho bệnh nhân mắc sởi vẫn đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của Bộ Y tế. Công tác phòng lây nhiễm chéo được Bệnh viện chú trọng triển khai. Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Trước sự gia tăng về số trường hợp mắc sởi trong thời gian qua, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch sởi và không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo, ngay từ năm 2024, Bệnh viện đã xây dựng và triển khai phương án phòng, chống bệnh sởi tại Bệnh viện với 3 phương án. Trong đó, Bệnh viện đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch. Ban chỉ đạo có trách nhiệm nắm bắt tình hình dịch bệnh tại Bệnh viện và trên địa bàn khi có dịch xảy ra để có biện pháp chỉ đạo tổ chức, điều phối các đơn vị liên quan nhằm tiếp nhận điều trị bệnh nhân có hiệu quả, tránh lây lan. Song song đó, Bệnh viện cũng thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh phòng, chống dịch nhằm giám sát, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch tại bệnh viện, thực hiện công tác tiếp nhận, thu dung, cách ly, điều trị, quản lý ca bệnh theo phân tuyến, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, người nhà và cộng đồng theo quy định. Các đội cơ động còn thực hiện chẩn đoán và điều trị theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và thực hiện nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện khi có tình huống xảy ra. “Để không xảy ra lây nhiễm chéo, Bệnh viện có một khu điều trị riêng dành cho các bệnh nhân mắc sởi với 30 giường bệnh. Khi dịch bệnh lan rộng và số ca mắc bệnh gia tăng, khu điều trị sởi sẽ tăng lên 60 giường hoặc hơn tùy vào tình hình dịch bệnh. Tại khu điều trị sởi, Bệnh viện thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát và hướng dẫn trong công tác tiếp nhận, thu dung, sàng lọc, cách ly và điều trị bệnh cũng như tăng cường giám sát công tác kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm tránh lây lan chéo trong Bệnh viện. Bên cạnh đó, Bệnh viện còn tăng cường đẩy mạnh các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức nhằm kịp thời cung cấp thông tin để người dân không hoang mang lo lắng và phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh sởi”, bác sĩ Hoa chia sẻ thêm.
Theo các chuyên gia y tế, sởi là một trong những bệnh dễ lây nhiễm nhất trên thế giới, tốc độ lây nhanh hơn cả COVID-19. Vi rút sởi vẫn tồn tại và hoạt động trong không khí hoặc các bề mặt nhiễm lên đến 2 giờ khi người bệnh ra khỏi khu vực/phòng. Trung bình 1 người mắc bệnh lây cho 12-18 người, do đó, việc lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế là rất cao. Chính vì vậy, nếu các bệnh viện không tuân thủ thực hiện nghiêm hướng dẫn về phân luồng, thu dung, điều trị, cách ly người bệnh của Bộ Y tế thì dịch bệnh sởi sẽ lây lan khó kiểm soát. Trước tình trạng gia tăng các trường hợp mắc sởi, vừa qua, Bộ Y tế cũng đã có văn bản hoả tốc gửi các đơn vị y tế về việc tăng cường công tác phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng Y tế các Bộ chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý tiếp tục thực hiện các công việc trọng tâm như triển khai xây dựng, rà soát, cập nhật Kế hoạch phòng, chống bệnh sởi trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị trong tình huống gia tăng các trường hợp người nghi mắc sởi, người bệnh sởi đến khám bệnh và nhập viện, gia tăng các ca bệnh nặng, nguy kịch. Chú trọng thực hiện các biện pháp truyền thông đa dạng (như qua loa phát thanh, poster, tờ rơi, website, fanpage..., hướng dẫn trực tiếp) để người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế, học viên, sinh viên hiểu rõ về bệnh sởi và các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, hiệu quả của tiêm vắc xin phòng ngừa sởi. Đồng thời tổ chức hướng dẫn, khuyến cáo người nhà người bệnh, người nghi mắc sởi, người bệnh sởi áp dụng các biện pháp giảm lây lan bệnh như đeo khẩu trang, che miệng khi hắt hơi… Tổ chức phân luồng và bố trí khu khám riêng trong khoa khám bệnh cho người nghi mắc sởi và người bệnh sởi. Thực hiện phân cấp chuyên môn trong khám, chữa bệnh sởi theo đúng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi được ban hành tại Quyết định số 1019/QĐ-BYT ngày 26/3/2025 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Bố trí khu vực thu dung điều trị bệnh sởi cách ly tại khoa Truyền nhiễm, khoa Nhi hoặc các khu vực cách ly của các khoa lâm sàng. Bảo đảm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo. Đối với các ca bệnh sởi nặng cần phải điều trị hồi sức tích cực, bệnh viện bố trí khu vực điều trị tại khoa/đơn vị Hồi sức tích cực, hoặc đơn vị/giường Hồi sức tích cực trong khoa Bệnh truyền nhiễm…và phải bảo đảm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo. Tổ chức hội chẩn khoa, liên khoa, bệnh viện theo quy định hoặc đề nghị hỗ trợ chuyên môn của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác khi có yêu cầu. Thực hiện điều chỉnh quy mô giường bệnh, bổ sung nhân lực phù hợp và theo đúng quy định hiện hành để đáp ứng công tác điều trị, giảm tải cho nhân viên y tế, tránh lây nhiễm chéo. Hạn chế số lượng người thăm bệnh trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phòng lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cộng đồng. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh về thực hiện các quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác