18/04/2025 02:46
Dị vật đường thở là tai nạn thường gặp và nguy hiểm ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 4 tuổi. Theo thống kê, dị vật đường thở là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh và là nguyên nhân thứ tư ở trẻ em mẫu giáo. Dị vật đường thở có thể gây giảm hoặc tắc nghẽn đường thở hoàn toàn. Xử lý đúng cách trong những phút đầu tiên ngay sau khi trẻ bị sặc sữa và hóc dị vật là điều vô cùng quan trọng.
Theo bác sĩ CKII Đặng Việt Nam – Khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, khi trẻ sặc sữa hoặc hóc dị vật thì cần thực hiện ngay việc cấp cứu cho trẻ. Bác sĩ Nam cho biết: Đối với vấn đề sặc sữa, lứa tuổi mà trẻ hay mắc phải là bé sơ sinh đến 3 tháng tuổi, cũng có thể lớn hơn tùy vào tình trạng và sức khỏe của bé. Ở lứa tuổi này, trẻ còn quá nhỏ, thức ăn chủ yếu là sữa, trong khi đó dạ dày của em bé đang nằm ngang, cơ vòng thực quản dưới chưa hoạt động ổn định. Khi em bé bú sai tư thế, nằm quá thấp hoặc bú quá nhiều so với kích thước dạ dày của bé sẽ khiến nguy cơ sặc sữa rất cao. Một số trẻ có tình trạng bệnh lý như sứt môi hở hàm ếch, dị tật thanh quản, một số trẻ có tình trạng bệnh lý như suy hô hấp, nhược cơ… cũng làm tăng nguy cơ sặc sữa. Khi trẻ đang bú hoặc vừa bú xong, nếu xảy ra hiện tượng sặc sữa, bé sẽ có biểu hiện ho sặc sụa. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh đến dưới 3 tháng, do còn nhỏ nên sức ho chưa mạnh, em bé sẽ trớ sữa, nặng hơn em bé sẽ tím tái, ngưng thở. Lúc này, phụ huynh cần xử lý nhanh, kịp thời, chính xác vấn đề sặc sữa của trẻ. Cần nhanh chóng nâng em bé lên khoảng 30 độ, chú ý đỡ cổ của em bé bởi lúc này cổ của em bé khá yếu. Nghiêng em bé sang một bên tùy vào bên thuận của người mẹ, dùng tay vỗ lưng em bé. Trường hợp này cần áp sát em bé vào người mẹ, cố gắng ko để em bé bị dịch chuyển quá nhiều khi vỗ lưng, lực vỗ vừa phải, có thể dùng gan bàn tay vỗ vào lưng bé. Vỗ vào sau lưng vị trí giữa 2 bả vai của bé, khoảng 1/3 trên của lưng, vỗ nhẹ để tạo lực cho em bé tống bớt sữa ra ngoài. Song song đó cần quan sát sắc mặt của bé. Nếu em bé đã hồng hào thì có thể ngưng vỗ để lau mũi, miệng cho bé. Còn nếu trường hợp em bé tím tái thì cần nhanh chóng hồi sinh tim, phổi cho em bé. Lưu ý, khi xử lý đờm giãi của em bé theo hướng dẫn có thể sử dụng bộ hút mũi cho bé. Tuy nhiên nếu trong nhà không có dụng cụ hút mũi thì có thể dùng miệng của người mẹ để hút, nhưng không khuyến khích làm điều này bởi có thể gây nhiễm khuẩn cho bé. Tốt nhất nên dùng bộ dụng cụ hút mũi chuyên dụng cho bé.
(1).jpg)
|
Bác sĩ Đặng Việt Nam trao đổi với phóng viên những nguy hiểm trẻ sẽ gặp phải khi hóc dị vật đường thở nếu phụ huynh không xử lý đúng cách. (ảnh: Quang Nhật)
|
Đối với các dị vật đường thở khác đối với trẻ từ 6 tháng trở lên bé sẽ ho, ho sặc sụa, có những trường hợp dị vật lớn gây bít tắc đường thở sẽ làm em bé không ho, không nói được. Có những trường hợp dị vật đường thở bán phần hoặc ở những vị trí chưa ảnh hưởng ngay đến khả năng hô hấp của bé như một số em bé nhét hạt đậu phụng, bắp vào 1 bên mũi, gây hiện tượng viêm tái đi tái lại nhưng em bé vẫn thở được vì chỉ bị tắc 1 bên mũi. Hoặc có những trường hợp em bé ăn thức ăn và bị mắc xương cá cũng gây viêm tái đi tái lại. Do đó, khi em bé có biểu hiện khò khè kéo dài, viêm phế quản nhiều đợt thì phụ huynh cần nói rõ các triệu chứng này để bác sĩ biết và tầm soát dị vật bỏ quên cho trẻ. Đối với bé dưới 1 tuổi, khi em bé đang chơi bỗng có biểu hiện ho sặc sụa, tím tái thì nhanh chóng bế em bé lên, đánh giá tình hình, nhanh chóng cho em bé nằm úp lên đùi của phụ huynh. Chú ý nhớ đỡ lấy đầu của em tránh trường hợp đầu em bé gục xuống quá gây gập đường thở. Sau đó dùng tay thuận vỗ vào giữa 2 xương bả vai của trẻ hoặc vỗ vào 1/3 trên của lưng trẻ, dùng gan hoặc gót bàn tay vỗ từ 1 đến 5 lần, vỗ dứt khoát với lực vừa phải. Song song đó cần nhìn em bé. Nếu em bé rơi ra dị vật hoặc da bé hồng hào trở lại bình tĩnh ôm em bé lên quan sát đánh giá tình hình xem bé có thở và mức độ hồng hào như thế nào. Khi dị vật rơi ra, thường em bé sẽ ho hoặc khóc lên, lúc này em bé không còn hóc dị vật nữa. Tuy nhiên, trường hợp nếu đã vỗ lưng 5 lần mà em bé vẫn không cải thiện, vẫn tím tái thì cần nhanh chóng chuyển qua giai đoạn ấn ngực và kết hợp hồi sinh tim, phổi. Để ấn ngực, cần nhanh chóng đưa em bé đến một mặt phẳng hơi cứng như mặt bàn, giường, không đặt bé lên ghế mềm vì lúc này lực ấn sẽ bị phân tán. Đối với những người có lực tay mạnh, cần dùng 2 ngón tay ấn vào giữa ngực, nằm ở giữa 2 núm vú của em bé. Nếu phụ huynh hoảng quá không xác định được điểm để nhấn thì có thể xác định nhấn ở giữa ngực của bé, dùng 2 ngón tay ấn khoảng 30 lần/phút với nhịp đếm 1, 2, 3, 4, 5. Với những người có lực tay yếu thì có thể hồi sinh tim phổi bằng cách dùng 2 ngón tay cái ôm và đặt giữa ngực của em bé, đặt chính giữa ngực, ngang với 2 núm vú của trẻ và ấn. Thao tác này sẽ giúp tạo 1 lực áp lực vào lồng ngực để đẩy dị vật ra và giúp cho tim hoạt động.
.png)
|
Bác sĩ hướng dẫn cách sơ cứu đúng cách khi trẻ hóc dị vật. (ảnh: Quang Nhật)
|
Đối với những bé trên một tuổi, khoảng từ 1-2 tuổi có thể thao tác sơ cứu như với bé dưới 1 tuổi. Nhưng nếu lực tay của phụ huynh yếu thì có thể cho em bé nằm nghiêng, dùng tay vỗ vào lưng em bé từ 1-5 lần, vừa vỗ vừa nhìn sắc mặt. Đối với những em bé lớn hơn từ 2-3 tuổi, lúc này em bé đã khá cao, phụ huynh cần áp dụng thủ thuật Heimlich bằng cách quỳ xuống, dùng tay không thuận ôm vào khoảng bụng giữa rốn với xương ức của bé, dùng tay thuận nắm lấy cổ tay của tay không thuận rồi siết chặt, kéo mạnh vào trong và lên trên, không được để em bé hổng chân lên, dùng cơ thể của phụ huynh làm điểm tựa cho em bé để tạo áp lực ổ bụng đẩy cơ hoành lên tống dị vật ra ngoài. Tùy độ tuổi, nếu em bé lớn hơn một chút nữa thì phụ huynh có thể đứng và áp dụng thủ thuật Heimlich.
Bác sĩ Đặng Việt Nam lưu ý, vấn đề quan trọng nhất khi xử lý trẻ sặc sữa hoặc hóc dị vật chính là phụ huynh cần phải bình tĩnh. Đây là điều kiện tiên quyết để xử trí cho bé. Nếu hoảng loạn sẽ khiến việc xử lý không chính xác, làm kéo dài thời gian khiến trẻ bị suy hô hấp, ngưng thở. Song song đó cần kiểm tra vấn đề hóc dị vật ở trẻ, xem có phải bé hóc dị vật không, nếu chắc chắn bé hóc dị vật thì cần thực hiện ngay các biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, khi em bé hóc dị vật, nếu kiểm tra và thấy dị vật ở phía ngoài, tương đối dễ lấy thì phụ huynh có thể lấy ra khi dị vật mắc ở vùng trước cổ hầu họng. Nhưng đối với các dị vật nằm sâu bên trong thì không nên cố gắng dùng tay lấy ra vì ngón tay sẽ làm gia tăng nguy cơ đẩy dị vật vào sâu gây bít tắc hơn. Nếu không chắc chắn và em bé vẫn còn tỉnh táo thì nên đưa em bé đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu em bé không thở được, ngừng thở, tím tái thì cần cấp cứu hồi sức tim phổi cho bé./.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác