18/04/2025 03:58
Những năm gần đây, tình trạng bệnh nhân mắc các bệnh ung thư có xu hướng gia tăng nhanh và số đông bệnh nhân đều phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn khiến quá trình điều trị khó khăn, gây tốn kém thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Hiện nay, với sự phát triển của y học hiện đại, nhiều loại bệnh ung thư đã được chữa khỏi và có nhiều khả năng điều trị hơn nếu phát hiện bệnh sớm. Do đó, việc nhận biết các dấu hiệu cảnh báo ung thư sớm là điều vô cùng quan trọng.
Theo số liệu của tổ chức ung thư toàn cầu (Globocan), trong năm 2024, trên thế giới có khoảng 19,9 triệu ca mắc ung thư mới và 9,7 triệu ca ung thư tử vong. Tại Việt Nam, năm 2024 có hơn 180.400 ca mắc mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư. Tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư đang có xu hướng gia tăng, nhất là các loại ung thư thường gặp như ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến, ung thư vú, ung thư cổ tử cung... Theo bác sĩ Đào Đình Nhu – Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, những năm gần đây, số lượng bệnh nhân tới khám và điều trị các bệnh ung thư tại Bệnh viện gia tăng cao. Nếu như năm 2021, số lượng bệnh nhân mắc ung thư điều trị tại Bệnh viện gần 6.800 bệnh nhân thì tới năm 2024, số bệnh nhân mắc ung thư điều trị nội trú tại Bệnh viện tăng lên gần 8.400 trường hợp. Hiện nay trung bình mỗi ngày Trung tâm Ung bướu khám khoảng 300 trường hợp mắc bệnh. Trong đó, hầu hết các bệnh nhân đều phát hiện bệnh khi bệnh đã ở giai đoạn muộn khiến công tác điều trị rất khó khăn. Điều này đòi hỏi ngành Y tế không chỉ tập trung vào điều trị mà còn phải chú trọng vào việc phòng ngừa, phát hiện sớm và chăm sóc giảm nhẹ.
.jpg)
|
Bác sĩ thăm khám cho các bệnh nhân mắc bệnh ung thư đang được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. (ảnh: Đình Thi)
|
Phát hiện mắc ung thư phổi vào năm 2023, tuy nhiên, khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn cuối khiến bà Đ.T.H (63 tuổi, trú tại huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) gần như mất hết cơ hội chữa trị khỏi bệnh. Bà Đ.T.H, chia sẻ: Cách đây 2 năm, tôi thường xuyên bị ho, tức ngực. Nghĩ chỉ bị ho bình thường, tôi ra tiệm thuốc tây lấy thuốc uống mấy ngày thì khỏe. Thời gian sau đó, tôi liên tục xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi nhưng chủ quan không đi khám vì nghĩ do tuổi đã cao nên làm việc mệt là điều bình thường. Tuy nhiên, vài tháng sau đó tình trạng đau ngực, khó thở nặng hơn, đi khám thì bác sĩ thông báo phổi tôi có khối u. Tôi đi xuống Sài Gòn chữa trị nhưng vì quá nặng nên họ trả về. Bây giờ ung thư phổi đã di căn vào xương, tôi thường xuyên khó thở nên vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên nằm điều trị. Thật sự cũng do bản thân quá tham công tiếc việc nên chỉ lo làm, khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường vẫn chủ quan không chịu đi khám để bây giờ mọi thứ đã quá trễ.
Trường hợp khác là bệnh nhân N.K.S (65 tuổi, trú tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk). Năm 2020, sau nhiều lần ho kéo dài nhưng tự lấy thuốc uống và hết ho, đến khi có một đợt tức ngực khó thở khiến ông không chịu nổi mới đi bệnh viện khám thì phát hiện phổi có vấn đề. Lúc này, ông xuống TP. Hồ Chí Minh và được hẹn lịch phẫu thuật khối u ở phổi. Tuy nhiên, khi đang chờ bệnh viện sắp xếp lịch mổ cộng thêm việc bùng phát dịch COVID-19 nên ông về nhà chờ. Quá trình chờ lịch mổ, vì phổi có dịch lao nên ông điều trị lao 2 tháng tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Sau đó, do thấy bản thân không còn xuất hiện các cơn ho, khó thở cũng đỡ nhiều nên ông cứ để thế đến đầu năm 2022, 2 xương chân bắt đầu xuất hiện các cơn đau dữ dội, ông đi khám thì kết quả ung thư phổi đã di căn vào xương. Lúc này, mọi phương pháp điều trị đã quá muộn.
.jpg)
|
Do chủ quan không đi khám khi có thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường nên bệnh nhân N.K.S phát hiện bệnh ung thư phổi ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị rất khó khăn.
(ảnh: Đình Thi)
|
Bác sĩ Đào Đình Nhu – Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cho biết: Ung thư là bệnh lý ác tính, đây là nhóm các bệnh lý đặc trưng bởi sự phát triển bất thường của các tế bào dẫn đến sự phân chia không kiểm soát và có khả năng xâm lấn vào các mô, các cơ quan khác trong cơ thể, gây cản trở, rối loạn về hoạt động và chức năng bình thường của các cơ quan, bộ phận này. Bệnh ung thư gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người mắc. Đa số các bệnh nhân ung thư sẽ có biểu hiện đau và đa phần các bệnh nhân ung thư tử vong là do ung thư di căn xa gây đau đớn, suy kiệt.
Ung thư hiện nay được xếp là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trong số các bệnh không lây nhiễm ở nước ta. Tuy nhiên, người mắc bệnh ung thư sẽ có khả năng tăng cơ hội sống sót và điều trị khỏi bệnh nếu được phát hiện sớm. Việc chẩn đoán ung thư sớm trước khi quá trình di căn xảy ra sẽ làm đơn giản hóa liệu pháp điều trị, giúp bệnh nhân bớt đau đớn cũng như giảm chi phí điều trị. Bác sĩ Nhu nhấn mạnh: Thông thường, ở giai đoạn sớm bệnh ung thư ít có những triệu chứng, nhưng khi có các dấu hiệu cảnh báo ung thư sau, người dân cần đi khám ngay:
- Có sự thay đổi thói quen của ruột hoặc bọng đái,
- Một chỗ lở loét không chịu lành,
- Chảy máu, hoặc tiết dịch bất thường,
- Một chỗ dày lên, một cục u ở vú hoặc bất kỳ vị trí nào trên cơ thể,
- Ăn không tiêu hoặc khó nuốt,
- Có sự thay đổi rõ ràng của nốt ruồi,
- Ho dai dẳng hoặc khàn tiếng.
“Đôi khi mọi người bỏ qua các triệu chứng, có thể do họ không nghĩ rằng các triệu chứng đó có nghĩa là có vấn đề. Tuy nhiên, chúng ta không nên bỏ qua bất cứ triệu chứng nào kéo dài và ngày càng nặng lên. Rất có thể các triệu chứng không bị gây ra bởi ung thư nhưng nên kiểm tra để loại trừ ung thư. Khi có một trong các dấu hiệu bất thường, thì khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư là cách tốt nhất để phát hiện và điều trị ung thư sớm khi khối u còn khu trú, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.Với những tiến bộ của y học hiện nay đã có nhiều loại ung thư được điều trị. Tuy nhiên các triệu chứng ung thư ở giai đoạn sớm thường mơ hồ hoặc không có triệu chứng khiến nhiều người bệnh bỏ lỡ thời gian điều trị tốt nhất.Vì vậy, việc nhận biết được các dấu hiệu sớm cảnh báo ung thư rất quan trọng”, bác sĩ Nhu lưu ý.
Việc “lắng nghe” những thay đổi của cơ thể và đi thăm khám, điều trị kịp thời là rất quan trọng. Nếu được phát hiện sớm, ung thư có thể được điều trị hiệu quả hơn và cơ hội hồi phục của bệnh nhân sẽ được cải thiện. Đồng thời, tiết kiệm được chi phí điều trị. Ngoài ra, việc duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn và tránh các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu bia là các biện pháp phòng ngừa ung thư hiệu quả. Bên cạnh đó, người dân nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe của mình và tham gia các chương trình sàng lọc ung thư để phát hiện sớm các bệnh lý liên quan đến ung thư./.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác