22/04/2025 09:02
Nhờ sự thuận tiện, giá cả hợp lý mà những năm gần đây, thức ăn đường phố đã dần trở nên phổ biến đối với người dân. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi thì thức ăn đường phố cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng nếu không thực hiện đúng các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP). Do đó, để đảm bảo ATTP cho người dân rất cần sự phối hợp, chung tay vào cuộc của các ngành chức năng, ý thức của người kinh doanh, người tiêu dùng để đẩy lùi thực phẩm bẩn.
Thức ăn đường phố với các tiện ích nhanh, gọn, rẻ chính là lựa chọn của nhiều người... Thế nhưng, đằng sau dịch vụ ăn uống này lại tồn tại nguy cơ mất ATTP. Thực tế cho thấy, thức ăn đường phố là loại hình dịch vụ khó kiểm soát nhất về ATVSTP do phần lớn những người bán hàng thường xuyên di chuyển địa điểm, nhiều người kinh doanh theo thời vụ và đa phần không có được những kiến thức đầy đủ về ATVSTP. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay, khi thời tiết nắng nóng tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh phát triển thì thức ăn đường phố là nơi tiềm ẩn rất nhiều nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm. Chị P.T.T (trú tại phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Mặc dù nhiều khi cũng lo ngại vấn đề ATTP nhưng vì tính tiện lợi nên chị thường xuyên ghé mua thức ăn đường phố. “Thực ra cũng không ít lần do ăn thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh nên bị đau bụng, tiêu chảy. Nhưng sau đó mình lại chọn mua chỗ khác. Cũng không biết các cơ sở khi chế biến và dùng nguyên liệu có đảm bảo không nhưng khi bày bán thấy các sản phẩm đều tươi ngon, đẹp mắt rất thu hút. Giờ cũng chỉ biết hy vọng người bán có tâm và mong các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử phạt gắt gao để thức ăn đường phố đảm bảo an toàn cho người dân chứ nói từ bỏ thức ăn đường phố chắc là điều không thể”, chị P.T.T chia sẻ.

|
Thức ăn đường phố mang lại sự tiện lợi cho người dân nhưng cần phải thực hiện các quy định để đảm bảo an toàn thực phẩm. (ảnh: Quang Nhật)
|
Theo báo cáo công tác an toàn thực phẩm năm 2024 của Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố, tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 3.125 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, chiếm khoảng 20% tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm của cả tỉnh, tập trung chủ yếu tại các khu vực dân cư trung tâm như: các phường thuộc Thành phố Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ, các thị trấn thuộc các huyện. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, loại kinh doanh thức ăn đường phố được giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã theo điểm b, khoản 2, Điều 10 Quyết định số 17/2020/QĐ-UBND ngày 20/5/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Thực hiện trách nhiệm được phân công, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, Trạm Y tế triển khai công tác kiểm tra, giám sát điều kiện an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố thuộc thẩm quyền quản lý của từng địa phương. Bác sĩ Trần Quang Hưng - Phó Trưởng phòng An toàn thực phẩm, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Với sự đa dạng, phong phú về chủng loại, sự thuận tiện và tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng, thức ăn đường phố được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên, thực trạng về điều kiện an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên cả nước nói chung và tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng đều khó bảo đảm an toàn thực phẩm do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng kể là: Nơi chế biến, bán hàng tạm bợ, không cố định; trang thiết bị, dụng cụ chế biến, dụng cụ ăn uống thường bằng vật liệu không bền vững; thiếu nước sạch để chế biến và rửa dụng cụ; nguồn nguyên liệu đưa vào chế biến không rõ nguồn gốc; người trực tiếp chế biến và phục vụ ăn uống đa phần thuộc đối tượng nghèo, thu nhập thấp, trình độ thấp, hiểu biết pháp luật hạn chế… Do đó, bên cạnh sự tiện ích mà thức ăn đường phố mang đến cho người tiêu dùng, thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố cũng rất lớn do thức ăn đường phố dễ bị ô nhiễm từ môi trường (như nhiễm các vi sinh vật và hóa chất gây hại). Bên cạnh đó, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố chưa nghiêm gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, do nhiều cơ sở kinh doanh không chấp hành các quy định nên kinh doanh thức ăn đường phố còn gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị và trật tự an toàn giao thông.
Để góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, theo bác sĩ Trần Quang Hưng, các cơ sở và người kinh doanh thức ăn đường phố cần thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố theo Điều 31 và Điều 32, Mục 5, Chương IV của Luật An toàn thực phẩm năm 2010. Cụ thể: Nơi bày bán thức ăn đường phố phải cách biệt nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm. Phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đường phố. Nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh. Bao gói và các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không được gây ô nhiễm và thôi nhiễm vào thực phẩm. Có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại. Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh. Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Nhằm đảm bảo ATTP cho người dân trên địa bàn, nhất là trong mùa nắng nóng này, Phòng ATTP cũng đã tham mưu Sở Y tế ban hành văn bản chỉ đạo Trung tâm Y tế cấp huyện chỉ đạo Trạm Y tế cấp xã tham mưu Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với loại hình kinh doanh thức ăn đường phố. Đồng thời tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm của địa phương. Đặc biệt trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025 diễn ra từ 15/4 đến 15/5 với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”, ngoài việc chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện hoạt động kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố (theo Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 03/4/2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025), Phòng An toàn thực phẩm còn tham mưu Sở Y tế ban hành văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện hoạt động tuyên truyền về an toàn thực phẩm, trong đó tập trung hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố thực hiện đúng quy định của pháp luật trong quá trình kinh doanh. Và để triển khai hiệu quả “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã ban hành quyết định thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành do các sở, ngành chủ trì, phối hợp tổ chức kiểm tra an toàn thực phẩm tại 9 địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đồng thời đánh giá việc triển khai Tháng hành động tại các địa phương, ngành, đơn vị. Thông qua đợt kiểm tra, các cơ quan chức năng cũng sẽ rà soát, chấn chỉnh những bất cập trong công tác quản lý, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh./.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác