14/05/2025 02:40
Hiện nay, Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa, thời tiết nắng nóng ban ngày, ẩm ướt vào đêm là điều kiện thuận lợi cho các yếu tố dịch tễ của bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở người phát triển mạnh và có thể bùng phát. Với phương châm phòng bệnh từ sớm, từ xa, chủ động hạn chế dịch bệnh bùng phát bằng cách nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng chống các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tái nổi, vừa qua, Khoa Truyền thông Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức gần 20 buổi truyền thông trực tiếp phòng chống các bệnh truyền nhiễm cho cán bộ phụ trách công tác truyền thông của UBND xã, cán bộ Trạm Y tế, cộng tác viên y tế thôn, buôn; trưởng, phó các thôn buôn, người có uy tín trong cộng đồng; giáo viên và học sinh các trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Tại các buổi truyền thông, các báo cáo viên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tập trung tuyên truyền những nội dung về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh dại, bệnh sởi; cập nhật tình hình mắc bệnh tại tỉnh Đắk Lắk; nguyên nhân mắc bệnh, nguồn lây, biến chứng nguy hiểm, các biện pháp phòng chống; các biện pháp xử trí khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh; hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh và kịp thời đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng bệnh…. Riêng với bệnh dại, các báo cáo viên phổ biến thêm nội dung về các quy định quản lý chó, mèo, không để chó, mèo chạy rông, khi đưa chó, mèo ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ và có người dắt, chấp hành việc tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo; Khi bị chó cắn, mèo cào cần tiêm vắc xin phòng dại…
.jpg)
|
Các em học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Thành phố Buôn Ma Thuột) tham gia buổi truyền thông. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Đối với giáo viên và học sinh tại các trường Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh, ngoài các nội dung trên, các báo cáo viên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh còn trang bị thêm kiến thức về phòng chống tai nạn thương tích khi mùa hè đến, đồng thời, hướng dẫn cho các em giữ vệ sinh trong khi ăn uống, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường sống xung quanh. Cũng trong buổi truyền thông, để các em học sinh dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện các nội dung tuyên truyền, bằng các hình thức đa dạng như giao lưu, trả lời câu hỏi có liên quan cho các em học sinh thể hiện sự hiểu biết của mình về dịch bệnh và khả năng tiếp thu kiến thức của mình, tất cả các câu hỏi đều được các em chú ý quan tâm và hào hứng trả lời. Đây cũng là cách giúp các em học sinh lan tỏa những thông điệp về phòng chống dịch bệnh về với cộng đồng và gia đình, từ đó góp phần nâng cao nhận thức trong phòng chống dịch bệnh. Em Hồ Phương Thảo, Trường THCS Đoàn Thị Điểm, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho hay: “Tham gia buổi truyền thông này em thấy rất ý nghĩa bởi em có thêm những kiến thức về bệnh dại, biết cách xử trí khi bị chó mèo cào cắn, biết cách phòng bệnh sốt xuất huyết, bệnh sởi và đặc biệt phòng tránh những tai nạn thương tích. Không chỉ thực hiện tốt trên trường, về nhà em sẽ chia sẻ những thông tin này với các thành viên trong gia đình em để mọi người cùng phòng bệnh hiệu quả”.
Ngoài trường học, trong đợt truyền thông lần này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chú trọng truyền thông cho nhóm đối tượng là những người gần dân nhất, như: cán bộ phụ trách công tác truyền thông của UBND xã, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, trạm y tế, cộng tác viên y tế thôn, buôn, trưởng phó các thôn buôn và những người có uy tín trong cộng đồng. Lực lượng này sau khi được truyền thông họ sẽ là những tuyên truyền viên tích cực để giúp người dân thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức trong phòng chống dịch bệnh.
.jpg)
|
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tham gia giảng bài tại các buổi truyền thông. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Với tầm quan trọng đó, các báo cáo viên không chỉ truyền đạt những kiến thức cơ bản về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, cơ chế lây lan, nguyên nhân mắc bệnh, dấu hiệu mắc bệnh và những biện pháp phòng, chống hữu hiệu các bệnh, như: sởi, dại, tay chân miệng, sốt xuất huyết…mà còn phổ biến nhiệm vụ cụ thể cần phải làm trong công tác chống dịch. Đối với cán bộ trạm y tế, cộng tác viên y tế thôn, buôn cần phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện giám sát ít nhất 1 lần/tháng với tất cả các hộ gia đình mình phụ trách, tham gia xử lý ổ dịch, tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh; phát hiện bệnh nhân nghi mắc bệnh tại cộng đồng; tham gia các hoạt động do ngành y tế phát động; phản ánh, đề xuất những vấn đề cần giải quyết khi thăm hộ gia đình….
Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết: Những năm gần đây, một số bệnh truyền nhiễm như bệnh dại, sốt xuất huyết liên tục có ca mắc và tử vong. Điều này cho thấy một số người dân vẫn còn rất chủ quan trong phòng bệnh. Do đó, đẩy mạnh hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng phòng chống các bệnh truyền nhiễm đã thể hiện vai trò quan trọng góp phần vào những kết quả phòng chống dịch bệnh của ngành y tế, giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để tự bảo vệ, nâng cao sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Có thể nói công tác truyền thông trực tiếp phòng chống dịch bệnh để nâng cao nhận thức cho người dân là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình truyền thông tại cộng đồng gặp không ít khó khăn. Hiện nay, tại các tuyến cơ sở việc đầu tư trang thiết bị, kinh phí cho hoạt động truyền thông chưa đáp ứng được yêu cầu tại các địa phương. Sự phối hợp giữa ngành Y tế và các ban, ngành, đoàn thể ở một số địa phương chưa thực sự chặt chẽ, điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai có hiệu quả công tác chống dịch tại cộng đồng. Một số bộ phận người dân tiếp cận với các thông tin về chăm sóc sức khỏe còn hạn chế, hiểu biết và thực hành phòng chống các bệnh truyền nhiễm chưa cao. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe sẽ được chú trọng và phát triển đồng bộ từ cơ sở để góp phần nâng cao hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác