21/05/2025 02:11
Chủ trương của Đảng về sáp nhập tỉnh và các đơn vị hành chính là một phần của cuộc cách mạng tổ chức bộ máy “vừa tinh gọn vừa giảm cấp chính quyền địa phương”, nghĩa là thay đổi căn cơ. Trong đó, việc thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh, xã, bỏ cấp huyện nhưng hệ thống y tế cơ sở vẫn bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, không gián đoạn việc cung cấp các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn xã, phường mới. Thực hiện chủ trương này, Ngành y tế Đắk Lắk cũng đang gấp rút xây dựng đề án hợp nhất Sở Y tế 2 tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên trở thành 1 đơn vị duy nhất.
Hoàn thiện sứ mệnh của Ngành y tế Đắk Lắk trước khi sáp nhập
Để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, những năm qua, Sở Y tế Đắk Lắk đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng Y tế theo từng giai đoạn cụ thể. Đồng thời, tập trung đầu tư các nguồn lực, vận dụng các cơ chế, chính sách của trung ương, của tỉnh để đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, hướng tới sự hài lòng, tin cậy của người dân.
(1).JPG)
|
Sở Y tế Đắk Lắk và Phú Yên họp cán bộ chủ chốt nhằm chuẩn bị phương án, sắp xếp tổ chức, bộ máy hệ thống y tế khi sáp nhập tỉnh.
(Ảnh: Đình Thi)
|
Hiện nay, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk có 29 đơn vị trực thuộc, gồm: 05 bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên - hạng I; Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Mắt Đắk Lắk và Bệnh viện Phổi Đắk Lắk - hạng II; Bệnh viện Tâm thần - hạng III); 03 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, khu vực (Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột - hạng II; Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ và Bệnh viện Đa khoa khu vực 333 - hạng III); 07 Trung tâm tuyến tỉnh (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - hạng II; Trung tâm Giám định Y khoa; Trung tâm Pháp y; Trung tâm Huyết học Truyền máu; Trung tâm Da liễu; Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm - hạng II; Trung tâm Bảo trợ xã hội và Trẻ em); 15 Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố. Ngoài các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế, trên địa bàn tỉnh còn có các cơ sở y tế khác, gồm: Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột (thuộc UBND TP. Buôn Ma Thuột); Bệnh viện Trường Đại học Tây nguyên và 07 Bệnh viện tư nhân: Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, Bệnh viện Mắt Tây Nguyên, Bệnh viện Đa khoa Cao Nguyên, Bệnh viện Nhi Đức Tâm, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, Bệnh viện Mắt Khải Hoàn.
Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, xác định mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất, là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật. Do đó, cần có luồng gió mới để y tế cơ sở có thể thu hút được bệnh nhân. Những năm qua, cùng với bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ, nhiều kỹ thuật mới, phương pháp y học tiến bộ được Ngành Y tế tỉnh nhà ứng dụng thành công, đem lại hy vọng, niềm vui, sự hài lòng cho các bệnh nhân, đồng thời, làm giảm đáng kể tình trạng chuyển tuyến và quá tải tại các bệnh viện tuyến trên. Đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có 1.368 bác sĩ, 511 dược sĩ, 1.932 điều dưỡng. Tổng số giường bệnh trên địa bàn tỉnh có 5.130 giường; trong đó, tuyến tỉnh: 2.430 giường bệnh; Tuyến huyện: 2.700; Số giường bệnh/vạn dân đạt 29 giường bệnh/vạn dân. Từ điểm xuất phát là địa phương có hệ thống y tế cơ sở thiếu thốn về trang thiết bị, xuống cấp về cơ sở hạ tầng, đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có 100% xã, phường, thị trấn có Trạm Y tế; số bác sĩ/vạn dân đạt 8,3 bác sĩ/vạn dân. Tỷ lệ Trạm y tế xã có bác sĩ phục vụ đạt 92,9%. Đây là mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất, là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật. Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh là mắt xích quan trọng trong việc kiểm soát tình hình, ngăn chặn dịch bệnh.
Sáp nhập để tinh gọn bộ máy và hoạt động hiệu quả
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 130-KL/TW và 137-KL/TW cùng Nghị quyết 74/NQ-CP của Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, ngày 27/4 Sở Y tế Đắk Lắk đã phối hợp với Sở Y tế Phú Yên tổ chức cuộc họp cán bộ chủ chốt nhằm chuẩn bị phương án, sắp xếp tổ chức, bộ máy hệ thống y tế khi sáp nhập tỉnh. Đây là cuộc họp “lịch sử” không chỉ là dịp để đánh giá lại hiện trạng tổ chức bộ máy mà còn là bước đệm quan trọng để thống nhất phương án sáp nhập sao cho không làm gián đoạn công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
.JPG)
|
Ngành y tế Đắk Lắk tập trung nâng cao chất lượng y tế đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
(Ảnh: Đình Thi)
|
Cũng theo Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk Nay Phi La, xác định mục tiêu cao nhất để đi đến thống nhất sau khi sáp nhập tỉnh là giữ ổn định hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở. Theo đó, với phương châm lấy người dân làm trung tâm trong tiến trình cải cách, một mô hình mới được Sở Y tế đề xuất đó là lấy tỉnh Đắk Lắk là trụ sở chính, còn lại giữ nguyên hiện trạng các cơ sở khám chữa bệnh tại 2 tỉnh. Cách làm này về cơ bản là giữ nguyên hệ thống y tế cơ sở nhằm bảo đảm cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Nhất là giúp người dân 2 tỉnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế mà không phải di chuyển xa, trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả vận hành chung. Theo đó, tạo Dự thảo Đề án lần 2 giữa 2 Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk - Phú Yên diễn ra ngày 08/5/2025 đã thống nhất sau hợp nhất sẽ có 46 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.
“Quá trình chuẩn bị Đề án thành lập Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk trên cơ sở hợp nhất Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk và Sở Y tế tỉnh Phú Yên diễn ra nghiêm túc và cẩn trọng. Cả hai đơn vị đã cùng rà soát, thống nhất phương án tên gọi, chức năng, nhiệm vụ các phòng, ban sau sáp nhập, đảm bảo kế thừa hợp lý mà vẫn hiện đại, gọn nhẹ. Các đơn vị sự nghiệp như bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm chuyên khoa đều được đánh giá lại năng lực hoạt động, xây dựng phương án tổ chức lại phù hợp. Để đảm bảo việc sắp xếp diễn ra thuận lợi, ngay từ khi bắt đầu triển khai, lãnh đạo sở y tế 2 tỉnh luôn chú trọng làm tốt công tác tư tưởng, động viên cán bộ, nhân viên nhằm tạo sự đồng thuận với định hướng mới. Nhờ vậy, theo lãnh đạo ngành Y tế địa phương, đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận phản ánh tiêu cực hay sự không đồng thuận nào từ đội ngũ cán bộ”, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk nói.
Có thể nói, việc hợp nhất các Sở Y tế không chỉ là một bước trong quá trình sáp nhập đơn vị hành chính, mà còn là dấu ấn của cải cách hành chính ngành Y tế thời kỳ mới. Khi hoàn tất, mô hình hợp nhất này sẽ không chỉ tiết kiệm ngân sách dành cho hoạt động chi thường xuyên, mà còn giúp nâng cao chất lượng y tế toàn vùng Đắk Lắk - Phú Yên, đặc biệt trong công tác dự phòng và kiểm soát dịch bệnh. Đối với việc sáp nhập các Trạm y tế khi thực hiện chính quyền 2 cấp thì tổng số xã, phường, thị trấn của 2 tỉnh sẽ giảm từ 60-70%. Như vậy, trung bình mỗi xã, phường mới được thành lập trên cơ sở của 3 xã phường gộp lại. Tại mỗi xã, phường mới được đặt trụ sở đều đã có 1 trạm y tế. Khi sáp nhập lại, theo hướng dẫn của Trung ương, Bộ Y tế, các Trạm y tế đó vẫn cơ bản được giữ nguyên để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Chỉ những trạm y tế gần nhau, ngành Y tế mới đề xuất để lại 1 trong 2 trạm hoặc cũng có thể trên 1 xã, phường chỉ có 1 trạm y tế nhưng sẽ có nhiều điểm trạm, giúp việc tiếp cận dịch vụ của người dân được thuận lợi nhất.
Dù phía trước vẫn còn những khó khăn về bố trí nhân sự, hài hòa cơ sở vật chất và đồng bộ quy trình nghiệp vụ, nhưng với quyết tâm chính trị và sự đồng lòng trong hệ thống, ngành Y tế Đắk Lắk đang dần hiện thực hóa mô hình tổ chức "tinh gọn, hiệu quả, bền vững" - đúng như tinh thần mà Trung ương chỉ đạo.
Bảo Trọng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác